Phía bên kia núi

07/01/2022 08:50

Truyện ngắn của Lê Quang Huy

ADQuảng cáo

Chiếc xe tải ì ạch bò lên đoạn dốc cao. “Còn vài cây số nữa mới tới rẫy cà phê của mình” - ông Quang quay sang Thành nói trong khi tay vẫn cầm vô lăng. Thành ngáp dài nhìn chung quanh thấy toàn là núi, không gian tĩnh lặng.

Ba kêu Thành lên vùng này phụ làm cỏ rẫy cà phê. Thành vì chút tò mò xem  cảnh núi rừng Tây Nguyên ra sao nên đồng ý. Đi gần một ngày rồi mới thấy… hối hận, ở đây chẳng có cái gì vui cả, chỉ toàn là núi đồi, cây cối, lâu lâu mới có một dòng suối nhỏ nước chảy. Trời đã về chiều, cả một vùng núi đồi thoắt cái đã trở nên tĩnh lặng, huyền ảo. Xa xa, vài cây thông trầm mặc đã ẩn mình vào trong bóng đêm từ bao giờ, trông như những hình nhân nhẫn nại, trầm tư. Gió se lạnh làm đung đưa ánh đèn thưa thớt trên những con đường đổ dốc mờ ảo. Thấy thì có vẻ thơ mộng nhưng sao buồn quá khi ít thấy bóng người. Xe chạy một lúc mới thấy một công trường khai thác đá đang chìm trong sương chiều còn bên kia là rẫy cà phê đang thu hoạch. Lâu nay chỉ nghe qua sách vở cây cà phê giờ tận mắt thấy nên Thành cứ trố mắt nhìn, miệng lẩm bẩm: Ồ! Đẹp quá. Nghĩ lại cũng thương ba. Mười mấy năm trời lái xe mới ki cóp mua được miếng rẫy cà phê của ông bạn, suốt thời gian qua chỉ một mình ba chăm sóc. Nhờ số tiền từ rẫy cà phê này mà anh em Thành được ăn học chu đáo. Trước đây, anh Hai có lên phụ ba trông nom nhưng từ khi lấy vợ, ra riêng lo mưu sinh thì việc giúp ba cũng thưa dần. Ba chị gái người thì có chồng, người thì lo chuyện học, vả lại còn phụ má ở nhà làm chẳng khi nào lên. Còn Thành là con út nên được cưng chiều nhỏ lớn chỉ lo học, tới vụ thì phụ vác lúa, phơi lúa nên cũng không biết rẫy cà phê nhà mình ở đâu và như thế nào. Tiếng ông Quang thắng xe khiến nó giật mình. Ông  nói:

- Xuống đi con. Tới rồi. Con vào chòi trước để ba chở hàng cho chủ xong quay lại.

Thành mở cửa bước xuống xe đứng vặn người vài cái rồi đi vào cái chòi nhỏ. Cái chòi lợp bằng tôn cao hơn đầu khoảng 5 tấc. Trong chòi chỉ có kê cái giường vài dụng cụ làm rẫy, mấy cái nồi và… ba ông táo. Thành bước ra sau nhà rửa mặt rồi làm bếp cho buổi cơm chiều. Nói cho có vẻ vậy chứ thực ra chỉ hâm lại thức ăn đã mang sẵn. Ăn xong, ba cũng chưa về, mệt quá, Thành ngả lưng xuống giường đánh một giấc ngon lành.

Minh họa: Ngọc Tâm

Sáng, Thành thức giấc khi có tiếng chim hót đầu ngày trên cây bơ trước chòi. Mặt trời bên ngoài chắc đã lên cao. Nhìn quanh trong chòi vắng tanh. Bước ra ngoài, Thành phóng tầm mắt nhìn quang cảnh chung quanh. Giờ đây mới thấy cảnh núi rừng Tây Nguyên thật đẹp, những triền đồi đất đỏ dưới nắng rực lên màu mỡ, những vạt rừng xa xa, lại có cả một dãy núi  sừng sững. Dã quỳ bung nở hai bên đường, lẫn trong màu xanh bạt ngàn của cao nguyên. Xa xa, một vài người dân đang cặm cụi hái cà phê trên sườn núi. Thành đứng lặng nhìn phong cảnh, hít thở cái hương vị núi rừng mà lần đầu mới đặt chân đến. “Lại đằng kia ăn tô hủ tiếu rồi đi làm nhen con”. Đang mơ màng ngắm cảnh, Thành bỗng giật mình khi nghe tiếng ba nói. Thành “dạ” một tiếng rồi quay sang chạy lúp xúp theo ông Quang. Hai cha con vừa đi vừa trò chuyện chẳng mấy chốc đã đến cái quán hủ tiếu nhỏ ven đường. Không hiểu cái quán hủ tiếu này ngon hay đây là quán duy nhất ở đây mà thực khách khá đông, đa phần là dân đi làm rẫy. Vừa ngồi xuống chiếc ghế nhựa nhỏ, Thành nhìn quanh, mang tiếng là quán nhưng cách bài trí khá đơn sơ, bàn bằng gỗ tạp, ghế nhựa nhỏ giống như quán bán nước mía. Nhưng phải công nhận ba nó nói đúng, hủ tiếu ở đây ngon tuyệt. Thành làm một hơi gần hết tô hủ tiếu mới ngẩng đầu lên vừa lấy tăm vừa xin nước trà. Một người con gái tóc dài quá vai đang lui cui quét dọn gần đó “dạ” một tiếng rồi đi bưng nước lại cho Thành. Khi cô gái đặt hai ly nước xuống bàn, Thành ngước lên há hốc miệng ngạc nhiên khi trước mắt mình là Ngọc Ánh học cùng lớp với nó hồi cấp 2. Cả hai gần như thốt lên một lượt:

- Ủa!?

Ba Thành cũng ngạc nhiên:

- Hai đứa biết nhau à?

Thành tươi cười:

ADQuảng cáo

- Tụi con học chung hồi ở cấp 2, tới lớp 9 Ánh chuyển trường. Nè Ánh, nhà bạn ở đây à!

- Không! Nhà tui ở dưới thị trấn. Mấy năm nay cứ khi nào được nghỉ, mỗi sáng tui lên đây phụ bán quán cho bà dì, chiều về nhà, chủ yếu là kiếm thêm tiền để nuôi mẹ bị bệnh, nếu có dư thì mua sách vở cho năm học mới. Thôi bạn ăn rồi về hén, tôi đi bưng chỗ khác.

Nói rồi Ánh nhanh chân đến bàn khác dọn dẹp. Thành trông theo mà thẫn thờ, không phải vì “tiếng sét” mà là tỏ lòng thương cảm cho hoàn cảnh của Ngọc Ánh.

Ngồi làm cỏ mà lòng Thành xốn xang chi lạ. Mười hai năm học có lẽ đây là lần đầu tiên Thành mới có dịp phụ giúp gia đình đúng nghĩa mà thực chất ông Quang muốn cho nó đi đổi gió. Mang tiếng nhà có làm ruộng mà Thành có khi nào bước chân ra đó bao giờ, tất cả có anh chị lo hết. Nó chỉ biết học và lâu lâu nhổ cỏ quanh nhà để gọi là có vận động. Dù nhà nó không phải khá giả cho lắm nhưng nó cần gì là lập tức gần như được đáp ứng ngay tức thì, khỏi phải lo gì cả. Sở dĩ được như vậy là vì so với mấy anh em nó học giỏi nhất lại … dễ sai thành thử cả nhà ai cũng thương. Ba má nó thường răn dạy: “Làm thân con trai, sự nghiệp là quan trọng lắm, phải ráng học giỏi để sau này còn tranh đua với đời…” nên chẳng tiếc công “đầu tư” cho thằng con út. Cỏ ở đây cũng chẳng nhiều lắm, nhưng không hiểu sao Thành làm một cách chậm chạp trong khi ba nó đã vượt lên phía trước mất hút. Từ lúc rời quán về đây, Thành hầu như không hé môi nói với ba một tiếng nào trừ mấy câu trả lời nhát gừng mỗi khi ông Quang hỏi. Ông Quang như hiểu nỗi lòng của thằng con lần đầu đối diện với thực tế cuộc sống, không gặng hỏi gì nhiều về chuyện của Ngọc Ánh. Ông chỉ nói bâng quơ: “Tội nghiệp con nhỏ, chắc nhà nó khó khăn lắm nên mới làm lụng vất vả như vậy!”.

Tự nhiên Thành bỗng nhận ra mình vô tâm khi chỉ lo học và chơi thân với mấy đứa con trai. Ngọc Ánh không đẹp sắc sảo nhưng có gương mặt phúc hậu, dễ nhìn. Phải rồi ngày ấy Ngọc Ánh đi học chỉ mặc mỗi một chiếc áo sơ mi trắng đã cũ và quần xanh đen. Chưa bao giờ nó thấy bạn ấy ăn vặt như bọn con gái khác. Tuy vui vẻ, hòa đồng với bạn bè nhưng ở Ngọc Ánh có cái gì đó rụt rè, mặc cảm mà ngày trước bọn Thành vô tình gán cho chữ “chảnh”. Bây giờ Thành đã hiểu rồi. Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm phẳng lặng. Thành đã từng bắt gặp những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật kiếm sống bằng đủ nghề bán vé số, đánh giày, đi xin thậm chí là cướp giật. Đối nghịch với đó là những cô cậu thuộc thành phần khá giả được nuông chiều ăn chơi xa xỉ, xài tiền như nước bị xã hội lên án. Từ đó Thành luôn nghĩ ai được đi học là hạnh phúc, tối ngày chỉ chúi mũi vào sách vở nên chẳng quan tâm đến việc gì. Cuộc gặp bất ngờ hồi sáng giúp Thành thêm một cái nhìn về góc khuất của cuộc sống muôn màu. Nó chợt nhận ra mình là kẻ cầu toàn và ích kỷ nhất trên đời. Thành lấy tay vỗ lên đầu: Quên mất, hồi nãy sao không xin số điện thoại. Nhìn lên thấy ba đã làm khá xa, nó quay ngược lại chạy một hơi tới quán hủ tiếu hồi sáng. Vừa thở hổn hển nó vừa hỏi:

- Thưa dì, Ngọc Ánh có ở đây không?

- À, mẹ nó vừa trở bệnh nên mới xin phép về. Cậu quen nó hả? – Bà chủ trả lời cùng cái nhìn dò xét.

- Dạ, cháu và Ánh trước đây học chung, lâu rồi mới gặp lại. Dì cho cháu số điện thoại của Ánh được không ạ?

- Nó làm gì có điện thoại. Sáng nào thằng anh của nó cũng đưa lên đây, chiều tối rước về. Cậu muốn tìm thì đến đường X ở khu phố 6 dưới thị trấn. Tội nghiệp, con nhỏ siêng năng mà có hiếu với mẹ nữa, không biết mai mốt có đi học tiếp được không.

- Dạ, con cám ơn dì. Xin phép dì con về.     Thành thẫn thờ ra về trở lại công việc của mình. Mặt trời đã lên đỉnh đầu nhưng nắng nơi đây không gay gắy như ở quê. Đứng từ rẫy cà phê nó nhìn về hướng núi. Ở thị trấn phía bên kia núi có một người bạn gái bằng tuổi nó nhưng đang là trụ cột của gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía bên kia núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO