Buổi bình minh

Thùy Dương| 01/02/2023 14:22

Truyện ngắn của Thùy Dương

ADQuảng cáo

Khi mặt trời bắt đầu ló dạng phía đằng đông cũng là lúc ông Minh bắt đầu tản bộ với người bạn già trong khu phố. Trừ những ngày mưa, sáng nào cũng vậy, ông và người bạn già lại cùng nhau dạo bước, hít hà khí trời dịu mát mỗi buổi sớm mai. Gia Nghĩa, thành phố nơi ông đang sống không ồn ào, náo nhiệt mà hiền hòa, yên bình, phảng phất hương của rừng. Người ta thường ví nơi đây như Đà Lạt thứ hai, nhất là thời điểm đông chuyển sang xuân bởi khí trời lành lạnh. Ông thì cảm nhận khác. Ông yêu nơi này bởi nó không quá lạnh như ở Đà Lạt hay nóng bức như một số tỉnh trong khu vực. Cái dịu nhẹ, trong lành của khí trời cùng tình người ấm áp đã níu giữ ông gắn bó cho đến bây giờ.

Ông Minh là lão thành cách mạng, từng chiến đấu tại địa bàn Đắk Nông những năm kháng chiến chống Mỹ. Những năm tháng ác liệt ấy, ông đã cùng quân và dân nơi đây vào sinh ra tử. Có lúc chiến đấu với quân địch và bị thương nặng, ông tưởng đã nằm lại đất này. Nhưng số phận đã sắp đặt cho ông điều kỳ diệu. Chính trong giây phút ở cửa tử ấy, định mệnh đã đến bên ông, đưa ông trở về. Đó là một ngày mà cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân địch điên cuồng chống trả, quân ta quyết liệt tấn công. Ông và đồng đội, nhiều người bị thương nặng. Trong mơ màng, ông chỉ còn nhớ bóng dáng cô gái M’nông thân hình nhỏ nhắn, đôi mắt to tròn với hàng lông mi dài, cong vút nhìn ông đầy lo lắng. Trong lúc tỉnh, lúc mê, ông thấy mình đang được cô gái bé nhỏ, dìu theo từng bước chân xiêu vẹo của cô. Đến được khu chữa trị, do mất nhiều máu, ông lịm dần. Tỉnh dậy, ông chỉ biết đó là một cô gái người địa phương và chẳng ai biết cô ấy đang ở đâu.

Chiến tranh kết thúc, ông xin ở lại cùng địa phương bảo vệ bon làng, đồng thời khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Và điều quan trọng, ông hy vọng trên bước đường đời còn lại, sẽ gặp lại đôi mắt ấy. Đôi mắt đã “lấy mất” trái tim ông, khiến ông lưu luyến mãi dù chỉ là thoáng qua. Như là sự sắp đặt của số phận, trong quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với đồng bào trong thời kỳ chống Fulro, ông đã gặp lại ánh mắt ấy. Hóa ra, cô ấy là con nhà nòi, có truyền thống đấu tranh chống kẻ thù xâm lược từ những năm nổ ra phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng. Tình yêu nảy nở, đơm hoa, kết trái, đẹp như một câu chuyện cổ tích. Những năm vừa đấu tranh với Fulro, vừa xây dựng kiến thiết, chính bà là trợ thủ đắc lực giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

- Hôm nay mình đi xa một chút, lên khu tượng đài N’Trang Lơng để ngắm toàn thành phố ông nhỉ? Ông Minh hỏi ý kiến người bạn già.

- Ừ, thì già rồi, có bận rộn gì đâu, ta làm chủ thời gian mà. Ông thích đi đâu, bao lâu tôi đều đi được. Chỉ sợ, chân yếu quá không đi nổi thôi. Ông bạn già trêu đùa.

- Có yếu hay không phải thử mới biết được. Đôi chân này đã từng vượt hàng ngàn cây số đường rừng không biết mỏi. Bây giờ có một đoạn đường không lẽ chịu đầu hàng sao. Ta thử xem sức ta còn đến đâu chứ? Ông Minh cười nói.

Từ ngày công trình tượng đài anh hùng N’Trang Lơng hoàn thành, ông chưa có dịp ghé thăm. Mấy đợt, tỉnh tổ chức sự kiện ở đây, mời ông lên tham dự nhưng vết thương tái phát nên ông đành lỗi hẹn. Sáng nay trong người thấy khỏe khoắn, ông muốn đến thăm công trình quan trọng ở thành phố này. Chậm rãi leo lên từng bậc thềm, bước chân ông mỗi lúc một gần với tượng đài cao sừng sững. Dưới chân tượng đài là bức phù điêu biểu tượng phong trào khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được chạm khắc tinh xảo. Ông thầm nghĩ, mai mốt nhất định sẽ đưa vợ ghé thăm nơi này. Vợ ông trong một lần bệnh nặng, đôi chân không được khỏe, ít di chuyển nên lâu rồi cũng không ra khỏi nhà. Sau thời gian dài vật lý trị liệu, giờ bước chân bà đã khỏe và nhanh nhẹn hơn. Ông tin chắc, bà đến đây sẽ cảm thấy rất tự hào. Bà là người luôn nhắc nhở con, cháu về người anh hùng của dân tộc. Những đêm bên bếp lửa, ngồi chờ vùi củ sắn, củ khoai, các con, cháu bà vẫn thường đòi mẹ kể chuyện về người anh hùng ấy. Những lần như thế, bà lại mỉm cười bắt đầu từ cái tên của ông.

N’Trang Lơng chính thức thống nhất được gọi kể từ năm 2007. Còn tên ông khi trẻ là Lơng, khi có vợ là Lơng - Lal và sau này có con gái là Bơ Trang. Ông gốc là người M’nông Biêt. Vợ ông, bà Lal, cũng là người M’nông Biêt. Theo tập tục dân tộc M’nông, ông đến ở rể tại quê vợ, một làng M’nông Biêt - làng Bu Par, dưới chân núi Đrônh, có dòng nước Đắk Đưr chảy xuống sông Prêk Tê, cách Pu Sra khoảng hai ngày đường về phía Tây - Bắc. Nhóm M’nông Biêt của ông cũng như các nhóm M’nông khác trên cao nguyên chỉ có tên riêng mà không có tên họ. Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, ông chỉ được gọi với cái tên riêng mà cha mẹ đẻ đặt cho là Lơng. Sau khi lấy vợ thì được gọi là Lơng – Lal, Lal là tên vợ. Đến khi Lơng – Lal có đứa con đầu lòng là Trang, từ đó tên Lơng hay tên Lơng – Lal kiêng không gọi nữa và được thay bằng tên Bơ Trang, nghĩa là “Cha (của) Trang”.

Đồ họa: Ngọc Tâm

Nói về người anh hùng N’Trang Lơng, vợ ông vẫn luôn xúc động xen lẫn niềm tự hào. Đó là một chàng trai sớm có khí phách hơn người, có sức khoẻ cường tráng và tài săn thú rừng, biết điều hay lẽ phải, được Nhân dân suy tôn làm tù trưởng. Gia đình người thủ lĩnh ấy có kinh tế khá giả, đời sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng rồi tai họa đã ập đến tổ ấm gia đình người anh hùng từ đồn Pu Sra, mùa khô 1910-1911, vợ của N’Trang Lơng và con gái lớn bị lính của Henri Maitre hãm hiếp. Để trả thù, ông bắt bọn chúng phải đền tội, nhưng Henri Maitre đã tấn công vào bon, bắt và tra tấn dã man bà Lal và con gái Trang rồi bỏ chết đói. Trước cảnh nợ nước thù nhà, ông kêu gọi đồng bào nổi dậy quyết đánh đuổi giặc Pháp, bảo vệ bon làng. Nghĩa quân đã đánh bại nhiều cuộc tấn công, quét sạch các đồn bốt, giải phóng một vùng cao nguyên M'nông rộng lớn. Trong một trận chiến không cân sức vì một tên phản bội ông đã anh dũng hy sinh.

Đứng ở khu vực tượng đài N’Trang Lơng phóng tầm mắt ra xa, thành phố Gia Nghĩa đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nổi bật trong bức tranh ấy là mặt hồ Trung tâm phẳng lặng. Phố núi bình yên soi mình dưới làn nước trong xanh. Xa xa, ngay bên hồ là quảng trường trung tâm đã xong khâu giải phóng mặt bằng và chuẩn bị xây dựng. Một ngày không xa nữa, quảng trường hoàn thành sẽ tạo không gian tuyệt đẹp, làm nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa, quảng bá tiềm năng du lịch...

-Thành phố mình đẹp quá. Ở vị trí này quan sát, quảng trường sẽ là điểm nhấn rất đẹp trong bức tranh thành phố. Ở tổ dân phố mình, vài nhà có đất ở đó phải không ông nhỉ? Ông Minh hỏi người bạn già.

- Đúng rồi. Tôi nằm trong ban vận động, mấy lần có tới tuyên truyền về chủ trương xây dựng quảng trường. Ban đầu, có một vài hộ cũng có ý kiến không đồng thuận vì còn thắc mắc về giá đền bù. Nhưng sau một vài lần giải thích, họ đã đồng ý vì sự nghiệp chung của tỉnh. Ông bạn già nhớ lại.

 - Ngày tôi còn công tác, mỗi lần triển khai xây dựng các công trình công cộng, yếu tố quan trọng nhất là nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Đúng là “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tỉnh ta đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Mười hai kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã đưa ra các quyết sách phù hợp, phát huy tiềm năng của địa phương. Nhất là, Nhân dân các dân tộc Đắk Nông đồng lòng, cần cù, sáng tạo trong xây dựng quê hương nên Gia Nghĩa mới có được bộ mặt hôm nay. Sống được đến bây giờ, chân vẫn còn khỏe, còn bước đi để chứng kiến sự đổi thay này, tôi thực sự rất mừng. Khuôn mặt ông Minh thoáng nét vui.

ADQuảng cáo

- Tỉnh mình, mặc dù so với hai mươi năm về trước đã khác rất nhiều nhưng vẫn còn khó khăn rất cần sự chia sẻ, đồng lòng của người dân ông ạ. Mà muốn được người dân đồng lòng thì phải làm sao để mọi người đều hiểu về hướng đi của tỉnh. Tôi và mấy đồng chí cán bộ tổ dân phố, mỗi dịp họp bà con đều lồng ghép phổ biến nghị quyết, tuyên truyền cho người dân cùng chung tay thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh. Nghe nói, quy hoạch của tỉnh đang đưa ra những ý tưởng đột phá để thực hiện tầm nhìn đến giữa thế kỷ. Những ý tưởng, khi được hiện thực hóa, sẽ là lời khẳng định rằng tỉnh Đắk Nông đã có sự chuẩn bị kĩ càng và sẵn sàng vươn mình lớn mạnh…

 - Các ông làm thế là rất tốt đấy. Thế hệ trẻ bây giờ họ có tầm nhìn xa. Tôi tin, với sự đồng lòng từ trên xuống dưới thì Đắk Nông sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra. Ông Minh quả quyết.

- Chúng ta cùng hi vọng. Mà sao hôm nay, đoàn viên thanh niên làm gì mà lên đây sớm thế kia. Ông bạn già chỉ tay về phía bậc thềm đi xuống.

- Trời cũng đã nắng lên cao rồi, tôi với ông cũng về thôi, hỏi xem bọn trẻ làm gì nào? Ông Minh giục ông bạn già.

Đi xuống bậc thềm thì có tiếng một thanh niên hỏi:

- Bác Minh, hôm nay bác tập thể dục tận trên này ạ.

Thì ra là Hoàng, con nhà cậu Thành, hàng xóm của ông. Hoàng đang học ở trường cao đẳng cộng đồng của tỉnh, sinh đúng năm tỉnh Đắk Nông mới thành lập. Bố mẹ cậu là những người đầu tiên về Đắk Nông làm việc. Khu ông ở có gia đình đã sống lâu năm, có gia đình là vợ chồng trẻ ở nhiều tỉnh, thành mới chuyển tới. Mặc dù mỗi người một quê nhưng ai cũng đoàn kết, sống hòa thuận với nhau. Lúc đầu, nhiều người nghĩ làm vài năm ở đây rồi xin chuyển, nhưng “đất lành chim đậu”. Tình người, tình đất làm đất lạ hóa quê hương.

-Các cháu lên đây làm gì mà sớm thế. Ông Minh hỏi Hoàng

- Hôm nay ngày nghỉ, đoàn thanh niên chúng cháu lên kiểm tra cây cối trồng đợt trước. Dịp đầu xuân phải xem nó phát triển thế nào ạ.

 - Ừ nhỉ, mùa xuân đã về rồi. Mùa của cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của sự khởi đầu mới. Những cây đang trổ lộc, với những tán lá xanh này là các cháu trồng đó à.

 - Dạ! đúng rồi bác ạ.

 Ông Minh vừa đưa tay vuốt những chồi non lộc biếc đang đung đưa theo gió, vừa nói:

- Các cháu là mùa xuân, là tương lai, phải cố gắng phát huy nhé.

Hoàng dạ một tiếng rồi cùng đám thanh niên đi kiểm tra từng cây mới trồng. Ông Minh và người bạn già lững thững ra về khi ánh mặt trời ban mai tỏa rạng khắp phố núi. Buổi bình minh rực rỡ, bừng lên sức sống mới. Bên tai ông vẳng nghe câu hát trong bài “Phố thị hoa vàng” sáng sớm nay đài tỉnh phát thanh khắp phố…. “…em có về Gia Nghĩa. Nơi đợi chờ bao hẹn hò những yêu thương. Về đây chung tay góp sức, hát khúc hát xây đời. Dệt tương lai mơ ước, cho ngày mai ngày mai… Về đây cùng ta, em ơi về đây. Đắp xây mảnh đất này, uống chung dòng suối này, hát bên đồi cao bát ngát, xây hạnh phúc muôn đời…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buổi bình minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO