Xót xa Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4

Lam Giang| 16/09/2019 09:19

Khu di tích căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV nằm ở địa bàn thôn Tân Tiến, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), không những là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn bởi cảnh quan hùng vĩ.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, mới đây đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến kiểm tra đã chứng kiến một thực trạng đáng buồn, khu di tích gần như bị bỏ hoang, xuống cấp.

Lưỡi lê trên khẩu súng của bức tượng bộ đội bị gãy nhưng chỉ được sửa chữa sơ sài, thiếu thẩm mỹ

Theo tài liệu lịch sử, tại vùng núi Nâm Nung tháng 12/1960, Tỉnh ủy Quảng Đức được thành lập trực thuộc Liên Khu ủy V. Từ đó, nơi đây trở thành căn cứ cách mạng của tỉnh Quảng Đức trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Khu căn cứ Nam Nung giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Đây cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Với những chiến tích lịch sử oai hùng đó, ngày 17/3/2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng này, những năm qua tỉnh đã tổ chức khảo sát, khoanh vùng di tích, đầu tư kinh phí để xây dựng, trùng tu các hạng mục như: khu công sự, khu văn phòng liên tỉnh IV, phòng làm việc Ban cán sự B4, hội trường, trạm quân y, cầu qua khu căn cứ, đường nội bộ khu căn cứ, khu khánh tiết (nhà lưu niệm, bia tưởng niệm, tượng đài) và trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường.

Lư hương nằm nghiêng ngả, một chân bị gãy phải dùng gạch chèn vào

ADQuảng cáo

Thế nhưng, khi đoàn công tác của tỉnh bất ngờ ghé thăm, mọi người  không khỏi ngỡ ngàng, xót xa, hụt hẫng vì sự quạnh vắng đến nao lòng. Khu nhà khánh tiết cửa đóng then cài không một bóng người trông coi. Cụm tượng đài với chủ đề “Đoàn kết chiến thắng” từ bệ tượng đến thân tượng nhiều chỗ bị bong nứt.

Lưỡi lê trên khẩu súng của bức tượng bộ đội bị gãy nhưng chỉ được sửa chữa qua quýt, thiếu thẩm mỹ. Lư hương nằm chỏng chơ, nghiêng ngả, bạc màu rêu phong, một chân bị gãy phải dùng gạch chèn vào và có nguy cơ không còn trụ vững trước nắng mưa. Nơi đặt lễ viếng không có, phải tận dụng viên đá sứt mẻ và dùng 2 viên gạch ống kê lên. Nhang thừa bỏ vương vãi xung quang lư hương. Hệ thống điện bị hỏng....

Hệ thống điện bị hỏng

Theo lãnh đạo huyện Krông Nô, khu đài tưởng niệm và nhà khánh tiết được xây dựng bằng xi măng, bê tông cốt thép nên xuống cấp chậm nhưng các hạng mục làm bằng gỗ thì hầu hết đã bị hư hỏng, mục nát, xập xệ. Nguyên nhân là do sau khi hoàn thành, khu di tích không được quan tâm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Trước sự xuống cấp của khu di tích, địa phương cũng rất đau lòng, nhưng theo quy định thì di tích cấp quốc gia do tỉnh quản lý, huyện không có thẩm quyền nên cũng đành chịu. Nếu được giao về cho địa phương, huyện sẽ cắt cử người trông coi và hàng năm bố trí kinh phí để duy tu bảo dưỡng…

Bệ tượng nhiều chỗ bị bong nứt

Tại buổi kiểm tra, trước sự hoang tàn, đồng chí Lê Diễn đã phê bình nghiêm khắc trách nhiệm của đơn vị quản lý trong việc buông lỏng, dẫn tới di tích bị xuống cấp, làm mất ý nghĩa, giá trị lịch sử cũng như gây lãng phí, phản cảm. Từ thực tế trên, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp, có giải pháp giao cho tổ chức, đơn vị quản lý phù hợp để phát huy giá trị của Khu di tích căn cứ kháng chiến B4. Qua đó, người dân gần xa khắp nơi tìm đến, ghi nhớ về những chiến công oanh liệt và hương khói, làm ấm lòng bao anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã nằm lại trên vùng đất lịch sử này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót xa Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO