Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước

T.B Tạp chí Cộng sản| 06/02/2015 09:54

Ý thức rõ về vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác văn hóa phải hết sức quan tâm, chú trọng, dành nhiều thời gian và sự tâm huyết để chăm lo, xây dựng nền văn hóa dân tộc.

ADQuảng cáo

Trong các bài nói chuyện, thư chúc mừng anh chị em làm công tác văn hóa, văn nghệ, Người luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”,...

Và trước lúc “đi xa" trong bản Di chúc thiêng liêng, Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Văn nghệ chào mừng tại lễ đón nhận danh hiệu Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I của Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Ảnh: Nguyễn Hiền

Kế thừa, phát huy những tư tưởng, quan điểm của Người về văn hóa, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng hay trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng luôn quan tâm, chú trọng, đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.

Sau Đề cương văn hóa (năm 1943), Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến.

Gần đây nhất, ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng ta nhấn mạnh là: “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ADQuảng cáo

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín có sự kế thừa và phát huy những tinh hoa lý luận về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước; đồng thời bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm mới về văn hóa, phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tiễn đất nước.

Trong đó, lần đầu tiên Đảng đã cụ thể và nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, cùng quan điểm chỉ đạo “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,… nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.

Văn nghệ chào mừng Hội thi phụ nữ sáng tạo ngành Giáo dục cũng là một "kênh" tuyến truyền có hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ngày nay, trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu, văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực để phát triển kinh tế - xã hội mà nó là nguồn lực nội sinh quan trọng, tác động trực tiếp và gián tiếp vào quá trình ổn định, tăng trưởng bền vững của quốc gia, làm nên sức mạnh của dân tộc.

Những kinh nghiệm trong chính sách phát triển văn hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Sigapore,… trong những thập niên vừa qua, cho thấy chiến lược về phát triển, quảng bá nguồn lực “sức mạnh mềm” của văn hóa như: phát triển mạnh ngành công nghiệp giải trí, truyền hình, điện ảnh, thời trang; xúc tiến có hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa, tổ chức các sự kiện năm văn hóa, tuần lễ văn hóa trên phạm vi toàn cầu; thúc đẩy việc quảng bá văn hóa - du lịch,…đã mang lại nguồn thu nhập lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo dựng được uy tín và hình ảnh tốt đẹp về quốc gia trong lòng bạn bè quốc tế.

Những kinh nghiệm về phát huy nguồn lực văn hóa của các nước trong khu vực sẽ là những bài học kinh nghiệm để chúng ta có phương thức ứng xử, khai thác và phát triển mạnh mẽ nguồn lực nội sinh quan trọng của văn hóa.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XI, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam… đã đưa ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tiễn, cùng những phương hướng, biện pháp cụ thể để phát triển văn hóa mà trọng tâm là phát huy nguồn lực trí tuệ, tinh thần sáng tạo và lòng yêu nước của con người Việt Nam. Đó là những điều kiện thuận lợi để văn hóa thực sự phát huy được vai trò, sứ mệnh to lớn của mình trong điều kiện, tình hình hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO