Trân trọng, nâng niu giá trị văn hóa cha ông để lại!

Mỹ Hằng| 16/10/2019 10:09

Mặc dù vào Đắk Nông lập nghiệp đã lâu, nhưng đồng bào các dân tộc phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao... vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần làm đa dạng sắc thái văn hóa trên vùng đất mới.

ADQuảng cáo

Khèn của người Mông

Hạnh phúc khi được hát, nghe điệu Then quê hương

Thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr (Krông Nô) hiện có158 hộ, với hơn 650 khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp từ năm 1995. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, hiện nay, đồng bào Tày, Nùng nơi đây vẫn còn giữ được những nét văn hóa mà cha ông để lại.

Vào các dịp lễ tết quan trọng, bà con thường vui chơi một cách lành mạnh bằng việc tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tại các buổi sinh hoạt, giao lưu, bà con thường mặc trang phục truyền thống và sử dụng đàn Tính để hát điệu Then dân dã, quen thuộc.

Trên cơ sở đó, năm 2009, Câu lạc bộ đàn Tính hát Then thôn Nam Cao ra đời và đã quy tụ được nhiều người tham gia sinh hoạt. Cho đến nay, hoạt động của CLB vẫn được diễn ra một cách đều đặn và trở thành mái nhà chung cho những ai xa quê yêu điệu Then của dân tộc.

Đặc biệt hơn, CLB luôn đại diện cho địa phương tham gia các liên hoan văn nghệ do chính quyền các cấp tổ chức, mang đến cho đồng bào những tiết mục văn nghệ đặc sắc.

CLB đàn Tính, hát Then ở thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr (Krông Nô) duy trì hoạt động gần 10 năm qua

Bà Hoàng Thị Đêm, thành viên CLB cho biết: “Xa quê vào Đắk Nông lập nghiệp, nhiều lúc chúng tôi nhớ quê lắm nhưng chưa có điều kiện để về thăm quê thường xuyên. Dù mỗi người ở mỗi huyện khác nhau nhưng khi tham gia sinh hoạt, được hát, nghe điệu Then quê hương, chúng tôi vui và hạnh phúc lắm”.

Ngoài đàn Tính, hát Then, đồng bào nơi đây còn gìn giữ các món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc như thịt lợn ướp với hạt dổi; gà nướng xé phay chấm gừng; cá nướng; thịt lợn cắp nách nướng, luộc; xôi nhuộm màu từ lá cây rừng; canh gà nấu gừng...

Ông Nông Thanh Độ, một người dân thôn Nam Cao cho hay: “Xa quê nên mọi thứ đều được chúng tôi gìn giữ, trân trọng và chính những món ăn dân dã làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà”.

ADQuảng cáo

Tương tự, đồng bào Dao ở 2 thôn Thái Học, Đoàn Kết, thuộc xã Đắk Wil (Cư Jút) cũng nỗ lực gìn giữ văn hóa dân tộc mình dưới nhiều hình thức và đây cũng chính là nền tảng tinh thần để vươn lên trong cuộc sống. Trong cuộc sống hàng ngày, phụ nữ người Dao vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc và lúc rảnh rỗi, họ lại ngồi thêu thùa, đan áo cho các thành viên trong gia đình.

Mỗi khi lễ hội diễn ra thì khắp thôn trên, xóm dưới, mọi người đều mặc trang phục truyền thống đến chung vui và lúc này những làn điệu dân ca cũng được cất lên một cách mượt mà, đằm thắm. Những món ăn “đặc sản” như rượu gạo, thịt muối chua, thịt lợn gác bếp, xôi đồ, bánh nếp... đều được các gia đình làm và mang đến góp vui cùng cộng đồng.

Đặc biệt, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ giữa đồng bào Dao với các dân tộc anh em khác trên địa bàn cũng luôn được phát huy, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng thêm phong phú, đa dạng hơn.

Đồng bào Thái ở xã Nam Xuân (Krông Nô) tham gia chào đón đoàn chuyên gia UNESCO vào thẩm định chính thức Công viên địa chất Đắk Nông

Góp phần làm phong phú bản sắc trên vùng đất mới

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, hiện nay số lượng đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc định cư trên địa bàn tỉnh chỉ đứng sau người Kinh và sống rải rác ở tất cả các huyện, thị xã. Cùng với đóng góp công sức xây dựng quê hương mới trên nhiều lĩnh vực, đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc đã mang đến vùng đất Đắk Nông nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ẩm thực và nghề thủ công...

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đồng bào cũng đã sáng tạo ra một số loại nhạc cụ như khèn Mèo, sáo Mèo của người Mông; Pí lè của người Dao; Khèn bè của người Thái… Đặc biệt, cây đàn Tính, điệu hát Then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng đã trở nên quen thuộc với mọi người. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 69 người biết và sử dụng đàn Tính, hát Then thành thạo.

Đồng bào Mông ở xã Đắk Som (Đắk Glong) luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình

Tại các liên hoan văn hóa hay hội diễn văn nghệ, đồng bào thường mang đến những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như đàn Tính, hát Then của người Tày, Nùng; những tiếng khèn và điệu múa ô của người Mông; múa gậy của người Dao; múa xòe của người Thái …

Điều đáng nói nữa, ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc phía Bắc rất cao. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các lễ hội truyền thống, đồng bào đều góp công của, tự tổ chức, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên vùng đất mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trân trọng, nâng niu giá trị văn hóa cha ông để lại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO