Tiến trình xây dựng danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực núi lửa Krông Nô: Đã và đang đi đúng hướng

Mỹ Hằng thực hiện| 24/11/2017 14:11

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa tại tỉnh Đắk Nông. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Trưởng tiểu ban CVĐC (Bộ Tài nguyên-Môi trường) về một số vấn đề liên quan.

ADQuảng cáo

PGS.TS Trần Tân Văn trình bày quan điểm của mình tại Hội thảo khoa học xây dựng CVĐC núi lửa tại tỉnh Đắk Nông

PV: Tại Hội thảo khoa học về xây dựng CVĐC núi lửa tại tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã đề xuất về ranh giới cũng như tên gọi của các hang động. Vậy ông đánh giá như thế nào về các đề xuất này?

PGS.TS Trần Tân Văn: Việc đề xuất các tên hang động của CVĐC núi lửa Krông Nô, không chỉ riêng tôi mà cả các nhà nghiên cứu khoa học có mặt tại hội thảo đều cảm thấy rất hay và ý nghĩa. Bởi nếu dựa trên phương diện nghiên cứu khoa học thì việc đặt tên các hang động chỉ dừng lại ở các con số như Krông Nô 1, Krông Nô 2, Krông Nô 3… và các tên này nghe rất vô cảm, không ý nghĩa.

Nhưng tỉnh Đắk Nông đã đưa ra hàng loạt các tên hang động gắn liền với các truyền thuyết của đồng bào bản địa và tôi thấy rằng đây là những tên gọi rất độc đáo. Người dân địa phương sinh sống xung quanh các hang động núi lửa đều biết và nắm rõ như lòng bàn tay về các hang, như hang này nhiều dơi, hang kia nhiều chuột, thậm chí là hang cọp ở…

Nếu đặt tên theo tên gọi vốn dĩ của chúng thì rất tuyệt vời. Tôi lấy ví dụ, nếu khách thập phương đến tham quan, du lịch hỏi: “Hang Cọp ở đâu? Hang Dơi ở đâu?... thì tất cả mọi người dân bản địa đều biết và giới thiệu cho du khách một cách rành rọt, thậm chí sẽ kể về truyền thuyết, vì sao lại có cái tên hang như vậy. Cho nên, việc đề xuất tên gọi các hang của tỉnh Đắk Nông hết sức hợp lý, vì đây là cách nhanh nhất đi vào tư duy con người.

Riêng việc đề xuất ranh giới, CVĐC núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông có diện tích đề cử hơn 22.000 km bao gồm các huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk Song… và có mật độ tập trung di sản cao. Tuy nhiên, theo tôi, tỉnh Đắk Nông nên mở rộng, bổ sung thêm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc xã Đắk Som (Đắk Glong) vào ranh giới của CVĐC để tạo thành tam giác chủ đạo là Đray Sáp - Krông Nô -Tà Đùng cho chuỗi du lịch về sau.

Riêng thị xã Gia Nghĩa là trung tâm đô thị đang trong thời kỳ phát triển về hạ tầng để quy hoạch lên thành phố nên sẽ không thể tránh khỏi xung đột giữa xây dựng với bảo tồn di sản. Vì vậy, để thuận lợi cho việc phát triển từ thị xã lên thành phố, việc mở rộng CVĐC bao trùm lên Gia Nghĩa nên để sang giai đoạn 2 (sau khi danh hiệu CVĐC toàn cầu của tỉnh được xác lập).

Tôi thấy tỉnh Đắk Nông tổ chức được một cuộc hội thảo với sự quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học như vậy là một điều đáng mừng. Bởi sau cuộc hội thảo này, chắc chắn có rất nhiều hướng mới mở ra để tỉnh lựa chọn cho mình một lộ trình đúng đắn.

PV: Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông cũng đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng danh hiệu CVĐC. Ông đánh giá như thế nào về lộ trình xây dựng CVĐC toàn cầu của tỉnh Đắk Nông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Tôi cũng đã theo dõi rất kỹ về quá trình xây dựng CVĐC của tỉnh Đắk Nông. Khách quan mà nói, tỉnh Đắk Nông và Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô đã làm được nhiều phần việc quan trọng và đạt được kết quả nhất định. Nhưng, đích cuối cùng để thế giới công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu là chúng ta chưa làm được và chúng tôi thấy tiếc vì điều đó. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may.

ADQuảng cáo

Nếu như các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang sau khi bắt tay vào thực hiện xây dựng CVĐC thì 1 năm sau họ được UNESCO vào thẩm định, công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Tuy được công nhận danh hiệu cao quý này, nhưng nhận thức của họ về CVĐC vẫn chưa thực sự sâu sát, trọn vẹn nên vẫn phải tiếp tục học hỏi, bổ sung kinh nghiệm.

Trong khi đó, tiến trình làm hồ sơ của Đắk Nông diễn ra có vẻ chậm, nhưng đã và đang đi đúng hướng, nhất là học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm ở các CVĐC trong nước cũng như quốc tế để bổ sung vào quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ của mình. Điều tôi vui và cảm kích nhất đó là cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông đều vào cuộc với những nỗ lực hết sức lớn lao.

PGS.TS Trần Tân Văn trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội thảo

PV: Để UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cần làm những việc gì trước mắt?

PGS.TS Trần Tân Văn: UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu dựa trên rất nhiều tiêu chí. Trên thế giới hiện có 120 CVĐV toàn cầu được công nhận, thuộc 33 quốc gia. Để CVĐC núi lửa Krông Nô được công nhận là CVĐC toàn cầu, tỉnh Đắk Nông cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước còn rất nhiều việc phải làm.

Trước khi có mặt tại Hội thảo này, tôi đã cùng Ban chủ nhiệm đề tài “Điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” đi thực tế tại các hang động núi lửa thuộc khuôn viên CVĐC. Chúng tôi nhận thấy CVĐC núi lửa Krông Nô là một di sản địa chất vô cùng quý hiếm gắn liền với những truyền thuyết của đồng bào các dân tộc bản địa.

Tuy nhiên, điều đáng buồn và tiếc nhất là ngọn núi lửa Nâm Kar hay còn gọi là núi lửa Đèo 52 ở xã Quảng Phú (Krông Nô) đã bị đưa vào khai thác lấy nguyên liệu, nên đã phá vỡ đi hiện trạng của núi lửa. Núi lửa Nâm Kar nằm liền kề với hang động núi lửa Chư R’luh và có những nét tương đồng về địa chất, địa mạo. Do đó, nếu không dừng lại hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này e rằng việc "xóa sổ" một núi lửa là điều đương nhiên.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đồng ý cho các doanh nghiệp vào khai thác để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho tỉnh đó là điều hiển nhiên, vì trước đây chúng ta chưa biết, chưa đánh giá được tầm quan trọng của chúng. Giờ chúng ta đã biết rồi và chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh Đắk Nông có cơ chế hợp lý để bảo tồn ngọn núi lửa Nâm Kar, nhất là tìm giải pháp để hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước và làm sao đó cho doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản địa chất.

Đặc biệt, lực lượng làm truyền thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng CVĐC toàn cầu để cùng nhau góp sức bảo vệ. Tôi hy vọng, CVĐC núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông sẽ được UNESCO công nhận danh hiệu trong thời gian sớm nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến trình xây dựng danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực núi lửa Krông Nô: Đã và đang đi đúng hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO