Sản phẩm du lịch đang trong giai đoạn hình thành

Đức Hùng thực hiện| 14/11/2014 09:48

Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động quảng bá, liên kết tour, tuyến để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhưng thực tế vẫn chưa tạo được “cú hích” nào đáng kể. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, vậy trên thực tế đã xây dựng được các tuor, tuyến, sản phẩm du lịch nào hay chưa, thưa ông?

Ông Bùi Quang Mích: Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện được 90% kế hoạch tổ chức các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014. Trong đó, điểm nhấn là Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đắk Nông với chủ đề “Khám phá cao nguyên M’nông”, với nhiều hoạt động trải dài trên các điểm du lịch trong tỉnh.

Các hoạt động đã mở ra những điều kiện để có thể kết nối nhiều tour, tuyến với các tỉnh cũng như quảng bá hình ảnh, điểm đến, sản phẩm du lịch đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã liên kết với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh…để phát triển du lịch. Hoạt động quảng bá du lịch cũng được thực hiện bằng việc đưa sản phẩm du lịch đến hội chợ, triển lãm trong khu vực.

Tỉnh cũng đã xác định được 3 sản phẩm du lịch mũi nhọn là: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, khám phá thác nước. Du khách quan tâm đến lĩnh vực nào thì có thể tiếp cận với thông tin tour du lịch đó.

Tuy nhiên, nhìn chung, sản phẩm du lịch vẫn đang ở trong giai đoạn hình thành và xây dựng các tour mẫu, chứ chưa thể phục vụ du khách một cách đúng nghĩa, để có thể phát huy tiềm năng vốn có của địa phương. Dưới góc độ cơ quan quản lý du lịch, có thể khẳng định, hiện nay sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá nghèo nàn.

Thác Lưu Ly vừa xây dựng, vừa mở cửa phục vụ du khách. Ảnh: Đức Hùng

P.V: Ông có thể cho biết, nguyên nhân của thực tế trên xuất phát từ đâu?

Ông Bùi Quang Mích: Có thể nói, việc xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch gì, phục vụ du khách như thế nào hiện chủ yếu là do các công ty làm du lịch trực tiếp thực hiện. Thế nhưng, có một thực tế là các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chủ yếu vừa đầu tư vừa khai thác, tận dụng cảnh quan thiên nhiên, nên khó thu hút du khách tham gia các tour do công ty du lịch lữ hành đã xây dựng.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc thực hiện kết nối các tour, tuyến cũng chưa đâu vào đâu một phần là do hệ thống giao thông hiện còn rất nhiều khó khăn. Đi du lịch Đắk Nông phải đi qua các quốc lộ 14 và 28, nhưng hiện đường đang thi công dang dở, hoặc xuống cấp, nên khó thu hút được du khách. Ngoài ra, việc liên kết phát triển du lịch quốc tế tại 2 cửa khẩu Bu P’răng (Tuy Đức) và Đắk Pơ (Đắk Mil) cũng chỉ mới manh nha, do giao thông khó khăn nên chưa thu hút khách du lịch quốc tế qua các con đường này.

Vì vậy, mặc dù là Năm Du lịch quốc gia, với nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, nhưng qua thống kê thì lượng khách du lịch có tăng, nhưng không đáng kể so với năm trước.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Đêm Đ'ray Sáp huyền thoại" được tổ chức năm 2014. Ảnh: Ngọc Tâm

P.V: Có một thực tế là hiện nay tại một số khu, điểm du lịch của tỉnh, các doanh nghiệp vừa triển khai xây dựng vừa khai thác, đón khách tham quan nên cũng gây ra không ít điều tiếng, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Ông Bùi Quang Mích: Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014 sắp khép lại, hiện tỉnh chỉ còn hoạt động cuối cùng là tổ chức tour khám phá, mạo hiểm tại thác Đắk G'lun (Tuy Đức), nhưng không thể tổ chức được do hiện nay thác không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng. Khu du lịch sinh thái thác Đắk G'lun do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, được giao đất, rừng từ năm 2008, nhưng đến nay tiến độ thi công chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch.

Tại thác Lưu Ly (Đắk Song), tình trạng các hạng mục xây dựng dang dở cũng đang diễn ra. Năm 2008, Công ty TNHH Lâu Đài (TP. Hồ Chí Minh) được tỉnh giao 80 ha đất để xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Thời gian qua, tại đây đã tổ chức nhiều sự kiện, nhưng các hạng mục đầu tư mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch. Trong khi các hạng mục đang còn dang dở, nhưng doanh nghiệp vẫn đưa vào khai thác đã tạo nên sự nhếch nhác, phản cảm đối với du khách.

Để phát triển du lịch một cách bền vững, hiện Sở VHTT&DL thực hiện theo quy hoạch đã được điều chỉnh về các khu, điểm du lịch. Thế nhưng, với việc chưa xây dựng xong, nhiều hạng mục còn dang dở mà đưa khách đến tham quan thì rất tai hại, không đâu vào đâu cả.

Thời gian qua, một số du khách đã phản ánh tình trạng  phản cảm đó tại một số điểm du lịch của tỉnh. Sở cũng chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để các đơn vị hoàn thiện hạ tầng, nhưng làm cái gì thì làm cho xong, chứ cứ theo kiểu “dở dở ương ương” sẽ không tạo được sự thiện cảm đối với du khách khi đến tham quan. 

Tỉnh đã xác định, du lịch là một trong những ngành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, nên cần phải xây dựng Đắk Nông trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của khu vực và toàn quốc. Dẫu biết rằng, để làm được việc này không thể một sớm một chiều, nhưng điều quan trọng nhất là bên cạnh kêu gọi đầu tư, khai thác, thì ngay từ bây giờ, việc xây dựng hình ảnh, tạo ra sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách cần phải được tính đến một cách bài bản, đúng hướng, không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm du lịch đang trong giai đoạn hình thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO