Rộng dài đất Phương Nam

Nam bộ - Đắk Nông, cuối  năm 2014| 05/12/2014 09:31

Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về", ngẫm thấy từ mấy trăm năm trước, cha ông ta đi mở đất phương Nam đã “nhìn xa, trông rộng” chọn nơi này làm “Tây Đô”, quả thật là chí lý lắm.

ADQuảng cáo

Cần Thơ, xứng danh trung tâm Vùng

Trong chuyến đi thực tế ở một số tỉnh Nam bộ, điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi chọn là Cần Thơ. Sở dĩ vậy, bởi vì qua khảo sát được biết với cung đường từ Gia Nghĩa đến Cần Thơ chỉ 400 cây số, trừ Quốc lộ 14 ra thì phần lớn là đường tốt, đi liên tục chưa hết một ngày là tới.

Quả thật, xuất phát từ Gia Nghĩa lúc 7 giờ 30, nghỉ dọc đường tổng cộng chừng hơn tiếng đồng hồ, khi chúng tôi vào đến Trung tâm Thành phố, mới hơn 4 giờ chiều; như vậy, thời gian thực tế đi trên đường chỉ hết khoảng 7 tiếng rưỡi.

Bình minh trên sông Cần Thơ. Ảnh: T.H

Dù đã đến Cần Thơ một đôi lần, nhưng gặp lại, tôi vẫn cảm thấy bị choáng ngợp bởi cái không khí đô hội của thành phố sông nước này. Đó là những tuyến phố rộng dài luôn đông đúc người, xe qua lại. Công viên Ninh Kiều nằm bên bờ sông Hậu dường như “thức” thâu đêm bởi du khách thăm thú trên bến, dưới thuyền.

Chợ nổi Cái Răng, chợ đầu mối nông sản qui mô lớn nhất, nhì khu vực ngay từ mờ sáng đã có hàng trăm thuyền bè lớn nhỏ mang biển kiểm soát nhiều tỉnh về tụ họp. Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh thuộc huyện Phong Điền dù không phải ngày nghỉ cuối tuần vẫn tấp nập khách vào ra…

Biết tôi có ý tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, một bạn đồng nghiệp đã cho tôi bản Thông cáo báo chí thành tựu 10 năm phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố. Đọc bản tài liệu, tôi càng thấy “ngợp” hơn trước sự phát triển nhanh chóng của địa phương này kể từ khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 01/01/2004.

Cầu Cần Thơ, sông Hậu về đêm. Ảnh: T.H

Xin nêu một vài con số điển hình: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2004 - 2013 đạt 14,5%; năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt 62,9 triệu đồng, tương đương 2.989 USD; tiếp đón phục vụ 1,25 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng; thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng, là địa phương duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long điều tiết ngân sách về Trung ương.

Tính đến năm 2013, có 208 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 1,85 tỷ USD; kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ; nhiều công trình quan trọng cấp vùng đã được xây dựng như cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, nhà máy nhiệt điện Ô Môn…

Về văn hóa xã hội, trên địa bàn Thành phố hiện có trên 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hàng năm có khoảng 185.000 sinh viên theo học; có nhiều cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, Bệnh viện Đa khoa Thanh Quang, Bệnh viện phụ sản Quốc tế Phương Châu… góp phần đưa Thành phố trở thành trung tâm đào tạo, trung tâm y tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt công tác đảm bảo an sinh xã hội đã được quan tâm thực hiện có hiệu quả; trong 10 năm, Thành phố đã xây dựng 20.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,95% v.v…

Cũng theo bản Thông cáo báo chí thì mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Cần Thơ trong những năm tới là xây dựng địa phương trở thành thành phố văn minh, hiện đại, mang đặc trưng sông nước, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Chỉ tiêu tiêu biểu nhất là đến năm 2020, với dân số 1,6 triệu người, GDP bình quân đầu người đạt 6.480 USD…

Du khách xem "đua heo" ở Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (Cần Thơ). Ảnh: Nguyễn Hồng

Bạn đồng nghiệp đãi bữa tối ở Nhà hàng Hoa Sứ, ngay bờ sông Hậu. Ngồi trong căn chòi thủy tạ, bốn bề lộng gió, nhâm nhi ly rượu Phong Điền với những món đặc trưng của vùng sông nước như ốc bươu hấp, cá lóc nướng, gỏi cổ hũ dừa…; nghe cô tiếp viên có dáng người thon thả trong bộ bà ba đọc câu ca dao: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó, lòng không muốn về", ngẫm thấy từ mấy trăm năm trước, cha ông ta đi mở đất phương Nam đã “nhìn xa, trông rộng” chọn nơi này làm “Tây Đô”, quả thật là chí lý lắm.

Thơ mộng Hà Tiên

Từ Cần Thơ về Thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 200 cây số bằng 2 đoạn đường là quốc lộ 91 và quốc lộ 80. Cả 2 đường này đều đã được nâng cấp, chất lượng khá tốt, có nhiều cung đường “thẳng như kẻ chỉ” nên việc đến Hà Tiên khá thuận lợi..

Thị xã Hà Tiên (Kiên Giang)

Hơn chục năm trước, tôi đã có dịp đến Hà Tiên, nhưng lần này đến thì bị… lạc vì cảnh vật thay đổi quá nhiều. Khi ấy, đoạn quốc lộ 80 chạy vòng theo chân núi Tô Châu nằm ở phía đông nam, băng qua sông Giang Thành bằng cây cầu phao ở cửa đầm Đông Hồ để vào Thị xã. Còn bây giờ, con đường này đã được đắp thẳng, vượt sông bằng cây cầu bê tông cốt thép bề thế, vững chắc để toàn tuyến nằm về phía tây Thị xã, nối tới tận Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Khu chợ cũ ven sông mà trước đây tuyến đường chính đi qua, với những căn quán tạm, lúp xúp, nay không còn nữa; thay vào đấy là những khách sạn bề thế như River, Ánh Vân, Dũ Hưng, Hà Tiên… Tại đây, một khu chợ mới qui mô bề thế đã được xây dựng, hoạt động mua bán nhộn nhịp từ sáng sớm đến tận đêm khuya.

Bước xuống xe, đón ngọn gió biển lồng lộng thổi, tôi cảm thấy trong người khoan khoái, thanh thản đến lạ thường. Nhận phòng nghỉ, tắm rửa xong, cả nhóm bước bộ trên phố tìm đến một quán hải sản tươi sống để ăn bữa chiều. Chỗ ngồi của quán có hơi chật chội, nhưng bù lại là đồ ăn tươi ngon, tâm lý thực khách lại đang hứng khởi nên ai cũng thấy ngon miệng.

Xong bữa, theo lời mời của những người chạy xe đạp lôi, chúng tôi “làm một tua” quanh thị xã bằng phương tiện này. Nội ô Thị xã Hà Tiên không rộng, nhưng có nhiều địa điểm để khách thăm thú như Dinh Mạc Cửu, Công viên Bình San, Chùa Tam Bảo, cửa hàng đặc sản Phú Quốc, Chợ đêm v.v…

Đường bằng, dễ đi nên chở tới 3 khách mà người lái vẫn điều khiển cho xe đi bình thường. Một “tua” tới gần chục cây số, vừa đi vừa thăm thú hết buổi tối mà các “bác tài” lấy tiền công mỗi khách có 30 nghìn đồng. Chúng tôi “bo” thêm 10 nghìn cho tròn 100 nghìn đồng và cảm thấy hài lòng vì đã được “một chuyến du lịch” với giá “rẻ bất ngờ”…

Vùng ngoại ô Thị xã Hà Tiên cũng có nhiều điểm để khách dừng chân như Thạch Động, Mũi Nai, Pháo Đài, núi Tô Châu, núi Đá Dựng… Vì thời gian lưu lại không nhiều, nên chúng tôi chọn thăm Thạch Động, nơi có huyền thoại Thạch Sanh chém Đại bàng cứu công chúa. Giữa một vùng bình nguyên nằm ở phía bắc thị xã, gần với biên giới, nổi lên một quả núi xanh ngắt cây cối; trên ngọn núi là khối đá có hang rộng chứa được cả một ngôi chùa.

Vào, ra, lên, xuống, ngắm ngoài, nhìn trong, thi thoảng lại có người “ồ” lên vì đã hình dung thấy mỏm đá kia là đầu con đại bàng, bị Thạch Sanh bắn trọng thương, bay đến đây, chui vào hang lẩn trốn; vỉa đá này là lưỡi búa của Thạch Sanh; còn những dải vân trên vách nọ hẳn là mái tóc của công chúa…

Không khí mát mẻ, yên bình; cảnh vật phong phú cứ như níu chân du khách ở lại thêm. Rời Hà Tiên, chúng tôi ghé thăm Hòn Phụ Tử, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương,  được ví như “Vịnh Hạ Long ở phương Nam”. Từ Hà Tiên xuôi về khoảng 20 cây số thì đến Thị trấn Kiên Lương. Từ Kiên Lương đi thêm khoảng 25 cây số nữa là tới.

Ở đây, trên bờ có Chùa Hang, động Kim Cương; trên biển có những đảo đá mà đặc sắc là hòn Phụ Tử với hai khối đá như Cha và Con đứng dưới nước, trên trời. Do thiên tạo, mấy năm trước, khối đá bên trái nhìn từ bờ ra bị gãy mất một phần, rơi xuống nước, nên Hòn Phụ Tử không còn nguyên hình dáng cũ; tuy nhiên không vì thế mà nơi đây thiếu vắng khách.

Cha, con bên Hòn Phụ Tử

Thăm thú một vòng, chúng tôi dừng chân để thưởng thức ly nước từ trái thốt nốt. Thứ cây đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ này, trái nhỏ bằng trái dừa nước, vỏ màu tím, có cùi trắng trong như bột lọc, ngọt hơn nước dừa, nuốt vào thấy mát ở tận đáy lòng.

Bất ngờ Hậu Giang

Trong lịch trình đi thực tế ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi có kế hoạch ghé Hậu Giang để “xem người bạn cùng ra ở riêng bây giờ ra sao?”.

Đoạn Quốc lộ 61 từ Rạch Giá đi qua các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) về Vị Thanh (Hậu Giang) không dài, nhưng mặt đường hẹp, lồi lõm nên xe phải đi chậm. Hơn nữa, lại đi trong buổi chiều chói chang nắng, nên ai cũng cảm thấy mệt mỏi và tự hỏi nhau “sao đường dài thế, liệu có lạc đường không?”.

Anh lái xe đã từng được đi trên đoạn đường này, nhưng cũng không tin tưởng vào trí nhớ của mình, thi thoảng lại phải dừng để hỏi người dân ven đường… Thế nhưng, qua cây cầu ở cuối huyện Gò Quao là sang đến đất của Thành phố Vị Thanh thì càng đi, càng thấy đường sá rộng rãi, thông thuận; dân cư đông đúc, trù phú hơn. Khi vào đến trung tâm Thành phố Vị Thanh thì nhiều người trong chúng tôi phải thốt lên "Vị Thanh hoành tráng quá”.

Chạy dọc trung tâm thành phố là kênh Xà No, đã từng được mang danh là “con đường lúa gạo” của vùng Tây sông Hậu, nay đã được cải tạo, bờ được kè bê tông; hai bên là hai đường phố rộng rãi mang tên Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ cùng những hoa viên. Trong thành phố có nhiều tuyến đường rộng rãi, với những cụm công trình công sở, khu dân cư, khu thương mại, quảng trường… Thi thoảng lại có những cây cầu vừa to, vừa dài, vừa đẹp với dáng cong vắt qua 2 trục đường và con kênh để nối 2 phân khu của Thành phố với nhau…

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng Chương Thiện

Bạn đồng nghiệp đưa chúng tôi vào thăm Bảo tàng Chiến thắng Chương Thiện, vừa xây dựng xong hồi cuối năm 2013 tại Trung tâm thành phố. Đây là nơi “chép lại” trận chiến oai hùng của quân dân Khu 9 đã đánh bại 75 tiểu đoàn lính ngụy, đập tan kế hoạch bình định, lấn chiếm Chương Thiện (nay là địa bàn tỉnh Hậu Giang) sau Hiệp định Pa ri của chính quyền  Sài Gòn (cũ), vào thời điểm cuối năm 1973. Với giá trị và ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử này, Chiến thắng Chương Thiện đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia cấp đặc biệt; là niềm tự hào của quân dân ta nói chung và Hậu Giang nói riêng...

Trong câu chuyện trao đổi của các bạn đồng nghiệp ở đây, thì người Hậu Giang không chỉ tự hào với truyền thống lịch sử về cuộc đấu tranh mở đất, giữ đất với dấu ấn tiêu biểu là Chiến thắng Chương Thiện, mà còn vì sự vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc tái thiết từ khi tái lập tỉnh đến nay. Theo đó, năm 2004, Hậu Giang có nhiều “cái nhất” như: Xuất phát điểm kinh tế thấp nhất, mặt bằng dân trí thấp nhất, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu nhất, cơ sở hạ tầng yếu kém nhất, thu hút đầu tư hạn chế nhất…

Cộng chung lại, Hậu Giang là địa phương nghèo khó nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Thế nhưng, chỉ sau 10 năm, Hậu Giang đã vươn lên vị trí thứ 2 khu vực, xếp ở vị trí thứ 17 của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài…

Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ của Hậu Giang từ một thị trấn đã vươn lên thành thị xã rồi được công nhận là Thành phố với qui mô đô thị loại III; hiện đang phấn đấu để đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2017. Cùng với phát triển đô thị ở Thành phố Vị Thanh, các thị xã Ngã Bảy, Ngã Năm… thì vùng nông thôn cũng được đầu tư, đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2013, Hậu Giang có 1 xã và đến nay đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn Xã nông thôn mới.

Đường, cầu, hoa viên, kênh Xà No. Ảnh: Thịnh Giang

Những kết quả mà Hậu Giang gặt hái được trong 10 năm qua được nhiều người coi là "hiện tượng”. Quả thật, chỉ qua một “điểm nhấn” là công trình xây dựng kè hai bên bờ kênh Xà No với tổng chiều dài 30 km, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, cũng thấy Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hậu Giang đã phát huy truyền thống Chiến thắng Chương Thiện vào cuộc sống mới hôm nay thật năng động làm sao.

Cà Mau sâu nặng nghĩa tình

Theo chương trình, từ Vị Thanh, chúng tôi đi Cà Mau. Xem trên bản đồ giao thông, thấy có 2 tuyến chính, một là quay về Cần Thơ, rồi theo quốc lộ 1A, qua Sóc Trăng, Bạc Liêu về Cà Mau; tuyến này dài khoảng gần 300 cây số. Hai là ngược về Rạch Giá rồi theo quốc lộ 63, đi xuyên rừng U Minh để tới Cà Mau; tuyến này cũng chừng 200 cây số.

Lúc đầu, chúng tôi chọn tuyến thứ hai để “qua rừng U Minh cho biết”; tuy nhiên các bạn đồng nghiệp ở Hậu Giang khuyên không nên đi vì quốc lộ 63 còn khó đi lắm; thay vào đó, theo tỉnh lộ 931, qua Long Mỹ, tới thị xã Ngã Năm, rồi theo quản lộ Phụng Hiệp về Cà Mau, vừa gần, vừa dễ đi. Quả đúng như vậy, đoạn tỉnh lộ 931 có “ngúc ngoắc” đôi khúc, còn quản lộ Phụng Hiệp thì “thẳng tưng”, nên từ Vị Thanh về Cà Mau, chúng tôi chỉ đi mất hơn 2 giờ đồng hồ.

Ở Cà Mau, điểm đi thực tế đầu tiên của chúng tôi là Lâm viên 19 tháng 5 - biểu tượng về tấm lòng kính yêu Bác Hồ của người dân nơi đây.

Theo các bạn đồng nghiệp ở Cà Mau thì từ cuối năm 1969, ngay sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ở khu vực rừng đước rừng tràm Cà Mau đã có gần 20 ngôi đền thờ Bác Hồ được dựng lên. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Minh Hải (khi đó gồm Cà Mau và Bạc Liêu) đã có dự định xây dựng một khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để người dân địa phương, vì nhiều lý do không ra Thủ đô Hà Nội được, thì cũng có thể tới đó thăm viếng. Và từ năm 1989, dự định đó đã chính thức trở thành hiện thực với việc xây dựng “Lâm viên 19 tháng 5” do Sở Lâm nghiệp Minh Hải là đơn vị đề xuất và trực tiếp tổ chức thực hiện.

Mô hình nhà sàn, ao cá Bác Hồ trong Lâm viên 19 tháng 5 (Cà Mau)

Lâm viên 19 tháng 5 nằm trên địa bàn phường 1, thành phố Cà Mau, có diện tích 18 ha. Đây được xem là khu bảo tồn các loại gien động, thực vật quý hiếm của vùng đất cực Nam Tổ quốc với những khoảnh rừng tràm, đước, trúc, dừa, cây ăn trái của vùng đất Nam bộ; dưới tán cây được chăn, thả các loài chim, thú, thủy hải sản...

Trong khuôn viên Lâm viên có Khu tưởng niệm Bác Hồ với mô hình nhà sàn, ao cá và những bức phù điêu về biểu tượng quê nội, quê ngoại, những lời dạy của Bác… Riêng công trình “Nhà sàn Bác Hồ” được xây dựng theo nguyên mẫu như căn nhà của Bác trong Phủ Chủ tịch (Hà Nội) với tỷ lệ 1/1 và được khánh thành đúng vào ngày 19/5/1995, nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Bác. Từ ngày có “nhà Bác”, người dân địa phương cũng như bè bạn xa gần đến Cà Mau đều tới đây thăm viếng bằng tấm lòng kính trọng đối với Bác Hồ và niềm tin vào sự thành công trong cuộc sống.

Trong thời gian đi thực tế ở Cà Mau, chúng tôi được biết, tỉnh này có 2 địa phương cấp huyện mang tên người, đó là huyện Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển.

Trần Văn Thời là tên của đồng chí Trần Văn Thời, sinh năm 1902, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (khi đó, bao gồm cả Bạc Liêu và Cà Mau), là một trong những cán bộ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940; tháng 5/1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó vào năm 1942.

Còn Ngọc Hiển là tên của đồng chí Phan Ngọc Hiển, sinh năm 1910, là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (Cà Mau), một bộ phận của khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940; cuộc khởi nghĩa không thành công, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và tử hình năm 1941. Huyện Trần Văn Thời đã được đặt tên từ năm 1951, còn huyện Ngọc Hiển được đặt tên từ năm 1984.

Một góc  thành phố Cà Mau

Thành phố Cà Mau hôm nay rộng dài những tuyến phố, tấp nập những bến thuyền, đời sống xã hội không ngừng chuyển động, đi lên; nhưng người dân nơi đây luôn ghi nhớ công lao của những người đã xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân… bằng chính những việc làm cụ thể của mình.

Nắng, gió Bạc Liêu

Từ Cà Mau, chúng tôi ngược theo quốc lộ 1A về Bạc Liêu, một vùng đất nhiều nắng và gió. Sở dĩ gọi như vậy vì miền đất này đã và đang có những thực tiễn minh chứng cho điều đó.

Dự án Điện gió Bạc Liêu

Trước hết, nói về nắng. Theo thống kê chung, ở Nam bộ, hàng năm, khí hậu chia làm 2 mùa khá rõ rệt là 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô. Thế nhưng, ở Bạc Liêu, dường như mùa khô kéo dài hơn. Ngay từ giữa tháng 9, đầu tháng 10, nắng đã chói chang, nhưng qua năm sau, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 vẫn chưa có mưa. Như thế, mùa khô kéo dài tới 7, thậm chí là hơn 7 tháng…

Chính vì thế, mà ngoài nghề nông, đánh bắt thủy, hải sản, người dân ở đây đã sớm phát triển nghề làm muối. Muối Bạc Liêu có chất lượng tốt, từ lâu đã cung cấp cho cả vùng Nam bộ, đưa sang cả Campuchia để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là cho việc sản xuất mắm cá Linh.

Ngay từ cuối thế kỷ thứ 19, đại điền chủ Trần Trinh Trạch đã có trong tay 100.000 ha ruộng muối; trở thành người giàu có thứ tư của xứ Nam kỳ thời đó, tạo điều kiện cho con trai thứ ba là Trần Trinh Huy (1900 - 1973) trở thành người ăn chơi nổi tiếng với danh “Công tử Bạc Liêu”. Nhân đây, cũng xin nói thêm đôi chút về “Công tử Bạc Liêu”. Sự ăn chơi của “Công tử” Ba Huy được kể lại trong giai thoại khá nhiều, hư thực thế nào không rõ; nhưng tư cách, đạo đức của ông ta thì cũng không đến nỗi tệ. Ông Ba Huy luôn đối xử tốt với nông dân và những người làm thuê.

Trong thời kỳ chống Pháp, gia đình ông đã không hợp tác với chính quyền thân Pháp; mặt khác lại thực hiện chính sách giảm tô, ủng hộ chính quyền Việt Minh 13.000 giạ lúa và nhiều tài sản khác… Hiện nay, căn nhà của gia đình ông ở thành phố Bạc Liêu đã được chính quyền địa phương quản lý, trở thành điểm tham quan của nhiều du khách.

ADQuảng cáo

Trở lại nghề làm muối ở Bạc Liêu, do nhiều nguyên nhân nên diện tích đồng muối nay chỉ còn 4.000 ha ở 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình, sản lượng hàng năm khoảng 250.000 tấn. Ngoài thị trường truyền thống như nêu ở trên, gần đây, muối Bạc Liêu đã xuất khẩu sang Nhật Bản để làm gia vị cho thực phẩm, dược phẩm…

Quảng trường Hùng Vương (Bạc Liêu) với mô hình cây đàn kìm, biểu trưng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Còn về gió, chắc chắn rằng các nhà khoa học đã tính toán được “phong năng” ở vùng này hơn hẳn những nơi khác, nên Dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam đã được khởi động tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu từ ngày 9/9/2010.

Theo thiết kế, Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, lắp đặt 62 tua bin điện gió, mỗi tua bin có công suất xấp xỉ 1,6 MW; tổng công suất toàn Dự án là 99 MW; mỗi năm sản xuất khoảng 320 triệu kWh điện… Sau gần 2 năm triển khai giai đoạn 1, Dự án đã hoàn thành việc lắp đặt 10 tua bin và  ngày 29/5/2013, các tua bin này đã phát điện, hòa lưới điện quốc gia.

Qua hơn 1 năm đưa vào hoạt động, các tua bin này đã vận hành an toàn đúng thiết kế kỹ thuật. Từ giữa năm 2014, giai đoạn 2 của Dự án tiếp tục được triển khai; dự kiến trong năm nay, sẽ lắp đặt 12 tua bin…

Chúng tôi đã về Vĩnh Trạch Đông để được trực tiếp thăm quan Dự án điện gió Bạc Liêu. Trước mắt chúng tôi là bãi bùn lầy ngập mặn, không một thứ thực vật nào mọc được, nhưng nay đã có những “cây tua bin” khổng lồ bằng thép có đường kính chân tới 4 mét, cao 80 mét, nặng 200 tấn; trên ngọn là 3 “cánh lá” bằng nhựa đặc biệt dài hơn 40 mét… mọc lên. Và theo nguyên lý thì cứ có gió thổi, thì “lá” quay; mà khi “lá” quay thì trạm điện trong bờ… hái “quả”. Thật là tuyệt vời, chỉ tốn đầu tư ban đầu thôi, còn sau này, gió sẽ làm ra điện…

Chúng tôi ghé thăm Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử ở trung tâm Thành phố Bạc Liêu để thắp hương tưởng nhớ đến người nghệ sĩ tài danh Cao Văn Lầu. Trong cái nắng, gió đầu mùa khô, được nghe tiếng đàn kìm và giọng tha thiết, mặn mà của tài tử ca hát bài “Dạ cổ hoài lang”, mà lòng thấy thổn thức, nao nao…

Thăm "đất học" Vĩnh Long

Trên đường từ Bạc Liêu về, chúng tôi ghé thăm Vĩnh Long, một địa phương vốn được mệnh danh là “đất học”, là nơi sinh ra nhiều nhân tài.

Nữ sinh Vĩnh Long bên Văn Thánh Miếu Long Hồ

Nói về nguyên nhân để Vĩnh Long trở thành vùng đất học, các bạn đồng nghiệp ở Báo Vĩnh Long khẳng định rằng đó là do công sức vun bồi của các lớp người đi trước. Theo đó, từ giữa thế kỷ thứ XVIII, sau khi danh tướng Nguyễn Cư Trinh bình ổn được vùng đất nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu, lập ra Trấn Long Hồ, mà trung tâm của Long Hồ xưa là tỉnh Vĩnh Long bây giờ, thì việc học đã được chú trọng phát triển.

Chỉ tính từ khi có chế độ thi cử ở vùng đất phương Nam, dưới triều Nguyễn có 260 cử nhân thì riêng Vĩnh Long đã có 56 người. Năm 1826, học giả Phan Thanh Giản đã ứng thi và đỗ tiến sĩ, trở thành người có học vị tiến sĩ đầu tiên của đất phương Nam.

Từ năm 1862, khi 3 tỉnh miền Đông lọt vào tay thực dân Pháp, Vĩnh Long vẫn thuộc triều đình nhà Nguyễn, thì các học sĩ ở miền Đông, với tư tưởng không hợp tác với “ngoại bang” đã cùng nhau sang đây để học. Quan đốc học lúc bấy giờ là thầy giáo Nguyễn Thông đã tập hợp, tạo điều kiện để họ được tiếp tục học tập. Năm 1886, ông đã cho xây dựng Văn Thánh Miếu ở làng Long Hồ (nay thuộc Phường 4, TP Vĩnh Long) để làm nơi dạy và học. Chính vì nền móng giáo dục được gây dựng, nên Vĩnh Long đã sản sinh ra nhiều người tài ở nhiều lĩnh vực cho xã hội.

Đơn cử như nhà bác học, nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898); Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997); Nghệ sỹ ưu tú Út Trà Ôn (1919 - 2001) v.v… Đặc biệt là đất Vĩnh Long đã sinh ra hai cán bộ cao cấp cho Đảng, Nhà nước ta là cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (1912 - 1988) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 - 2008)…

Học sinh Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa (TP. Vĩnh Long) đồng diễn thể dục. Ảnh:  Trần An Phước

Tiếp nối truyền thống “đất học” của cha ông, hiện tại, Vĩnh Long cũng vẫn là địa phương dành nhiều sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Năm học 2014 – 2015 này, toàn tỉnh có 470 trường học hệ phổ thông với gần 200.000 học sinh. Hệ chuyên nghiệp hiện có các trường như Đại học Cửu Long, Đại học Xây dựng miền Tây, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long… mỗi năm học thu hút hàng nghìn sinh viên từ mọi miền về theo học.

Để khuyến khích việc học, các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở đều phát động phong trào học tập và được đông đảo người dân từ thành thị đến nông thôn tích cực hưởng ứng. Kết quả là  nhiều gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”; nhiều dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học”.

Góp công sức vào phong trào, Hội Khuyến học tỉnh đã thành lập nhiều Quỹ học bổng gắn với mục đích, ý nghĩa thiết thực, lâu dài như: Quỹ học bổng Phạm Hùng là tiếp sức con nhà nghèo vượt khó; Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa là hỗ trợ khuyến khích tài năng, khuyến khích học tập; Quỹ học bổng Võ Văn Kiệt là trao thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi…

Chỉ trong vòng 9 năm gần đây, các Quỹ khuyến học của Vĩnh Long đã trao 51.000 suất học bổng với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Với sự quan tâm của toàn xã hội, học sinh Vĩnh Long cũng nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi trí tuệ dành cho đối tượng học sinh. Điển hình như cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, ngay trong 3 năm đầu tiên, Vĩnh Long có 3 thí sinh liên tiếp lọt vào vòng chung kết, đoạt 2 chức vô địch và 1 giải nhì; đó là Trần Ngọc Minh (vô địch năm 2000), Lương Phương Thảo (vô địch năm 2002) và Đỗ Thị Hồng Nhung (giải nhì năm 2001)… Thật là đáng khâm phục.

Ngồi với nhau ở quán Song Thảo bên bờ sông Tiền, ăn cháo tôm,  đặc sản riêng có của người Vĩnh Long; nghe các bạn đồng nghiệp ở đây kháo nhau anh này đã bảo vệ xong luận án Thạc sỹ, anh kia đang theo học Cao học, chị nọ đang dự lớp “nguồn”… càng thấy “sự học” dường như hiển hiện ở mỗi lúc, mỗi nơi trên miền đất này.

Phú Quốc với nỗi đau cũ và kỳ vọng mới

Ao ước bấy lâu của tôi là được ra thăm đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thì lần này đã trở thành hiện thực; bởi trong chương trình đi thực tế ở các tỉnh phía Nam có điểm đến là Phú Quốc. Theo các nguồn chỉ dẫn thì từ đất liền ra Phú Quốc chỉ có 2 phương thức là đường không và đường thủy.

Đường thủy cũng có 2 loại phương tiện là tàu đi từ Rạch Giá hoặc Hà Tiên ra và phà đi từ Hà Tiên ra. Tham khảo ý kiến của nhiều người, cuối cùng chúng tôi chọn phương án là đi phà, vì như thế sẽ mang được cả ô tô qua, để có dịp đi lại trên đảo nhiều hơn.

Bình minh trên đảo Phú Quốc

Bến phà ở Hà Tiên có tên là Thạnh Thới, cùng với tên của phà, nằm ở bờ Nam sông Giang Thành, ngay gần chân cầu Tô Châu. Ngày thường, ở đây có 2 chuyến ra đảo lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 2 chuyến về lúc 9 giờ sáng, 15 giờ chiều. Chúng tôi đặt vé ra theo chuyến 6 giờ và về vào lúc 15 giờ. T

ừ 5 giờ sáng, mọi người trong đoàn đã dậy, qua bến, lên phà. Chiếc phà dài, rộng, cao như cái nhà 3 tầng. Tầng giữa là khoang chứa xe, đủ chỗ cho 20 xe ô tô và 200 xe máy. Tầng trên là khoang cho 396 khách, được trang bị ghế ngồi mềm, tựa lưng ngả được ra phía sau; trong khoang có máy điều hóa nhiệt độ, màn hình chiếu video. Tầng hầm là căng tin, bán đồ ăn, uống; phòng hát karaoke và khoang máy. Từ Hà Tiên ra Phú Quốc với chiều dài 25 hải lý, tương đương 45 cây số, phà di chuyển hết 2 giờ rưỡi, suốt chặng đi đều êm thuận, không có khách nào bị say…

Phà cập bến Đá Chồng, thuộc xã Bãi Thơm, nằm ở phía đông bắc đảo. Từ đây, chúng tôi theo con đường đất xuyên qua rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc sang xã Cửa Cạn ở phía tây đảo; rồi từ đó xuôi hướng nam về thị trấn Dương Đông trên con đường nhựa rộng rãi, hai chiều, vừa mới xây dựng. Thị trấn Dương Đông khá sầm uất với những khách sạn, quán ăn, của hàng bán giới thiệu sản phẩm… Đường từ bến phà về đến thị trấn Dương Đông cũng khoảng 45 - 50 cây số.

Cảng cá Phú Quốc. Ảnh: Hà Hữu Nết

Đến Dương Đông, chúng tôi được một bạn đồng nghiệp tên là Liên, công tác ở Đài Tuyền thanh Phú Quốc đón rồi dẫn đi thị trấn An Thới, nằm ở phía nam của đảo để viếng thăm Di tích Nhà tù Phú Quốc. Đoạn đường này dài hơn 20 cây số, đi qua xã Dương Tơ, nơi có sân bay quốc tế Phú Quốc.

Khi đến Di tích Nhà tù Phú Quốc thì trời đã trưa, nhưng ở đây còn khá đông du khách. Theo hướng dẫn viên đi một vòng hiện trường; nhìn thấy mô hình, nghe thuyết minh về cảnh giám thị tra khảo, hành hạ tù binh đến “sởn” cả người như nhốt vào “chuồng cọp kẽm gai” giữa trời; đục răng, bẻ răng; đóng đinh vào đầu; đục xương bánh chè, đốt người, ném người vào chảo nước sôi… nhiều du khách không cầm được nước mắt, tiếng nấc uất hận cứ dâng lên.

Một chị trung niên, lấy khăn lau nước mắt, nghẹn ngào nói với người bạn đi cùng: “Có ra đến đây mới thấy “bọn nó” (cai ngục) ác hơn cả thú dữ…”. Theo tài liệu thì tại đây, từ năm 1967 đến 1973, bọn Mỹ, Ngụy đã giam cầm 40.000 cán bộ, chiến sĩ của ta; hành hạ đến chết 4.000 người…

Du khách xem, nghe thuyết minh về cảnh giám thị Ngụy quân tra tấn tù binh Cộng sản tại Trại giam Phú Quốc giai đoạn 1967-1973. Ảnh: T.G

Buổi trưa, trong căn quán “sinh thái” ở thị trấn Dương Đông, bạn Liên hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay trên quê hương cô vốn được mệnh danh là “Đảo Ngọc” này.

Theo đó, những năm gần đây, kinh tế - xã hội trên đảo phát triển không ngừng; các sản vật như ngọc trai, nước mắm, hồ tiêu, rượu sim… đã trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước; nhiều công trình lớn như hệ thống đường ô tô, bến cảng, sân bay; khu nghỉ dưỡng… đã được xây dựng; Thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nên từ tháng 9/2014 đã được công nhận là đô thị loại II. v.v… Nay mai, Phú Quốc trở thành “đặc khu kinh tế”, nhiều nhà đầu tư sẽ tới đây làm ăn thì chắc chắn sức vươn của "Đảo Ngọc" này sẽ còn nhanh, mạnh hơn nhiều…

Nghe chuyện, tôi cũng tin rằng, kỳ vọng của cô bạn này sẽ sớm là hiện thực.

Đến với đất Mũi Cà Mau

Khi đến Thành phố Cà Mau, nghe các bạn đồng nghiệp ở đây giới thiệu nhiều địa điểm để thăm, tìm hiểu, nhưng tất cả các thành viên trong đoàn công tác đều đề nghị được đi Mũi Cà Mau, với suy nghĩ chung là "Đã đi cả nghìn cây số vào đây, dù có khó mấy cũng phải đến được “nơi tận cùng đất nước” cho thỏa nỗi khát khao”.

 Biểu tượng Mũi Cà Mau

Tôi hỏi mấy nhân viên Lễ tân ở Khách sạn Công đoàn Cà Mau thì được biết Mũi Cà Mau thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Từ Thành phố Cà Mau đi Mũi Cà Mau có hai hướng: một là đi tàu thủy từ Thành phố ra, mất khoảng nửa ngày; hai là đi xe xuống Năm Căn rồi đi tàu cao tốc ra, từ Năm Căn ra Mũi Cà Mau hết khoảng 1 giờ đồng hồ. Ở Khách sạn cũng có dịch vụ đặt vé cho khách đi Mũi Cà Mau… Chúng tôi chọn hướng thứ hai là đi xe ô tô xuống Năm Căn rồi đi tàu cao tốc đến Mũi Cà Mau…

Hôm sau, các thành viên trong đoàn, ai cũng dậy sớm, náo nức với việc đi Mũi Cà Mau..

Đoạn đường từ Thành phố Cà Mau đi thị trấn Năm Căn dài 50 cây số, chính là đoạn cuối của quốc lộ 1A, có chất lượng khá tốt; chỉ riêng vài cây số vào thị trấn Năm Căn đang thi công mở rộng thì cũng hơi khó đi. Thị trấn Năm Căn nằm bên bờ sông Cửa Lớn đỏ nước phù sa, mênh mang gió thổi. Trên bãi đậu xe ở Bến tàu Năm Căn có khá nhiều xe ô tô đậu; ở dưới sông cũng còn năm, sáu chiếc tàu. Điều đó, chứng tỏ khách đi Mũi Cà Mau theo hướng này cũng khá nhiều.

Chúng tôi xuống một chiếc tàu cao tốc có sức chở 18 người. Sông Cửa Lớn có bề rộng tới 600 mét, là con sông khá đặc biệt vì nó nối thông từ biển phía đông sang biển phía tây và cũng là nguồn cung cấp phù sa cho cả huyện Ngọc Hiển bằng hệ thống kênh rạch như… mạng nhện.

Đi trên sông Cửa Lớn vài cây số thì tàu rẽ vào một con kênh. Rồi cứ thế, vài cây số lại rẽ trái, rẽ phải… mà có lẽ chỉ có những người thật quen mới có thể điều khiển tàu đi đến nơi, về đến chốn được. Đôi bờ kênh, rạch là cơ man rừng cây mắm, cây đước; thi thoảng mới có một điểm dân cư.

Ở đây, hầu hết các căn nhà đều hướng ra kênh rạch và nhà nào cũng có xuồng neo ở phía trước. Đó là phương tiện giao thông thông dụng nhất của cư dân nơi đây. Càng vào gần đến Mũi Cà Mau thì rừng càng dày đặc. Các bạn đồng nghiệp ở đây cho biết những cây mắm mảnh mai kia có bộ rễ mềm cứ ngoi trên mặt đất để giữ phù sa.

Ngược lại, những cây đước với bộ rễ to khỏe lại cắm sâu vào lòng đất, làm cho phù sa mà cây mắm giữ lại ngày một chắc thêm. Quả mắm, quả đước rơi xuống, được nước đưa đi, gặp triều xuống nằm lại trên bùn, mọc cây lên theo công thức “mắm đi trước, đước đi sau” để Đất Mũi mỗi ngày lại vươn dài ra biển. Lâu nay, toàn bộ diện tích rừng ngập nước ở đây thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và từ tháng 5/2013, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (Ramsar).

Một đoạn kênh trên địa bàn xã Viên An (Ngọc Hiển) - đường đến mũi Cà Mau

Tàu đi trên sông, kênh, rạch chừng 1 giờ đồng hồ thì đến bến Mũi Cà Mau. Chúng tôi lên bờ, theo con đường đất giữa rừng mắm, đước xanh mát; phía dưới có những vạt muống biển, với những bông hoa tím rung rinh trong gió… để đến Cột mốc tọa độ quốc gia Mũi Cà Mau, rồi qua biểu tượng con thuyền và cánh buồm căng gió; thả bộ trên bờ kè, leo lên Đài quan sát ngắm biển, ngắm rừng…

Có mấy chị trong đoàn cúi xuống lấy một nắm đất, gói ghém cẩn thận bằng nilon, cho vào túi xách để “mang về làm kỷ niệm”… Không nói ra, nhưng có lẽ, ai cũng như ai, đã đặt chân đến đây đều cảm thấy tâm hồn thư thái, mọi người gần gũi bên nhau và tự đáy lòng yêu mến quê hương, đất nước mình nhiều hơn.

Gần trưa, chúng tôi xuống tàu để quay về thì thấy lại có thêm mấy chiếc tàu chở khách cập bến. Ở cầu tàu, người lên, kẻ xuống dường như không lúc nào ngơi…

Đi một ngày đàng…

Quỹ thời gian có hạn, nên trong chuyến đi thực tế ở các tỉnh Tây Nam bộ, chúng tôi chỉ có dịp dừng lại ở 6 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long. Đến mỗi nơi, ngoài gặp gỡ bạn đồng nghiệp để trao đổi kinh nghiệm công tác, chúng tôi đều tranh thủ thời gian đi thăm thú một vài địa điểm. Bằng “tai nghe, mắt thấy” cũng góp nhặt lại được khá nhiều điều hay, thú vị; trong đó, đáng chú ý và suy ngẫm là người Nam bộ rất coi trọng vấn đề bảo tồn văn hóa.

Mô hình Đàn kìm ở Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu)

Trước hết, nói về chuyện ăn. Nam bộ là vùng đất phù sa, sông nước, nên nhiều cây trái, thủy sản. Vì thế các món ăn đều được tạo ra từ nguyên liệu, hương vị là sản vật của chính vùng đất này; cách thức chế biến không quá cầu kỳ, nhưng có thể kết tinh được cả 3 tính chất “ngon, bổ, rẻ”.

Có thể kể một vài món mà chúng tôi đã được thưởng thức như: Ốc nhồi hấp, cá lóc nướng (Cần Thơ); gỏi cá trích (Phú Quốc); dưa bồn bồn (Cà Mau); trứng gà lộn nướng muối, cháo tôm (Vĩnh Long)… Và ở đâu thì cũng không thể thiếu món “lẩu” với thực phẩm là cá, tôm, lươn, cua, ốc, mắm… với các loại rau, hoa như bông súng, bông điên điển, bông so đũa, bồn bồn, tai tượng, lục bình, rau đắng, rau mác, rau nhút, rau cần, rau muống, dứa, cà chua, đậu bắp, bạc hà, giá đỗ… trong đó có nhiều loại được nhặt, hái trên sông, trên ruộng... Dân dã là thế, nhưng mà ăn thì bụng thấy đã no mà miệng vẫn muốn ăn thêm.

Hai là về trang phục, với người Nam bộ thì trang phục truyền thống là áo bà ba. Theo một vài tài liệu cho thấy, loại trang phục này đã xuất hiện cách đây ít nhất là 300 năm trước. Về hình thức, chiếc áo có thiết kế đơn giản, không có cổ, hai bên sườn được xẻ, vạt trước có hai túi to… làm cho người mặc luôn cảm thấy thoải mái và tiện dụng. Chính nhờ thế người dân Nam bộ mặc áo bà ba cả lúc đi làm lẫn đi chơi. Khi đi làm ruộng, thường mặc áo bà ba vải có màu sẫm; còn khi đi chơi thì diện áo bà ba màu sáng hơn…

Ngày nay, dù thời trang mới đã du nhập khá nhiều, nhưng phần lớn người dân vẫn sử dụng loại trang phục này. Đặc biệt là ở các điểm du lịch thì hầu hết các hướng dẫn viên, tiếp viên đều mặc áo bà ba. Ngắm nhìn những nam thanh, nữ tú mặc áo bà ba màu hồng, màu lá mạ… đã có không ít du khách cứ… ngẩn ngơ.

Hướng dẫn viên Làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ) giới thiệu về hoa Ngọc thố (thỏ ngọc)

Ba là trong giao lưu văn nghệ thì phổ biến nhất là “đờn ca tài tử”. Tuy mới được tập hợp, phát triển từ khoảng 100 năm nay, nhưng “món” này gần như không thể thiếu trong “bữa ăn tinh thần” của người dân Nam bộ. Ở các tụ điểm sinh hoạt công cộng như biểu diễn văn nghệ, quán ăn, du thuyền… thậm chí cả trong phòng karaoke thì người Nam bộ vẫn hát các làn điệu của “đờn ca tài tử” là nhiều.

Điều đáng trân trọng là ở Bạc Liêu, tỉnh này đã đầu tư tới 70 tỷ đồng để xây dựng Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ. ngay trung tâm thành phố. Trên diện tích 12.500 m2, với nhiều hạng mục như: Mô hình biểu tượng đàn kìm; vườn tượng 6 nhạc cụ; 20 bản tổ khắc xung quanh tượng đài; nhà trưng bày đờn ca tài tử, nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu…

Khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ ở Bạc Liêu giúp cho du khách hiểu ngay được sự ra đời sức lan tỏa của môn nghệ thuật này. Khi đến đây thăm, nhiều người trong đoàn tự hỏi: Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng là vùng đất có “Không gian văn hóa cồng chiêng”, có “Sử thi”… nhưng liệu đến khi nào ta mới có những khu lưu niệm tương tự như thế này?

Người xưa từng nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả đúng thế thật, dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, nhưng có đi đến nơi mới thấy “người ta” có nhiều cái để mình học, để làm theo; không chỉ trong công việc, mà ngay cả trong đời sống riêng tư hàng ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộng dài đất Phương Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO