Những giọng ca của núi rừng

Mỹ Hằng| 17/10/2014 09:26

Gắn bó với Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh ngay từ khi mới thành lập, ca sĩ Y M’Linh được nhiều người mến mộ bởi giọng ca khá đặc biệt của mình.

ADQuảng cáo

Với chất giọng khỏe khắn, tự tin, thanh thoát, các ca khúc mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên như “Ngọn lửa cao nguyên”, “Đôi chân trần”, “Đắk Nông và em”, “Bài ca trên đồi”… được Y M’Linh thể hiện rất thành công.

Theo Y M’Linh, đã là ca sĩ thì phải tạo cho mình một phong cách riêng biệt, ngoài sự tự nhiên vốn có còn cần phải có sự nỗ lực rèn luyện của mỗi người. Vì vậy, anh luôn cố gắng học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như phong cách biểu diễn.

Được cơ quan tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, Y M’Linh luôn nỗ lực rèn luyện để nâng cao chuyên môn, kỹ năng thanh nhạc, ngày càng khẳng định mình trên con đường nghệ thuật. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, thành công đến với Y M’Linh như một quy luật tất yếu. Năm 2011, tại Liên hoan ca múa nhạc 3 nước Đông Dương tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, Y M’Linh thể hiện ca khúc “Phố thị hoa vàng” của tác giả Trần Lê Châu Hoàng và đã giành được Huy chương vàng.

Tâm sự về nghề, Y M’Linh vui vẻ nói: “Với tôi, được biểu diễn và đứng hát trước đám đông, nhất là bà con vùng sâu vùng xa là một niềm vui lớn. Cuộc sống của bà con còn nghèo, thiếu thốn nên tôi luôn mong muốn mang lời ca, tiếng hát của mình đến với mọi người, giúp họ quên đi những chật vật của đời thường”.

Tương tự, với lối biểu diễn tự nhiên, truyền cảm, ca sĩ H’Niêm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Tốt nghiệp Trung cấp Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, năm 2008, H’Niêm được nhận vào công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh và thường xuyên cùng đồng nghiệp xuống các bon làng biểu diễn phục vụ đồng bào.

Ca sĩ Điểu Su và ca sĩ H'Niêm luôn trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật thanh nhạc

ADQuảng cáo

Với chị, được hát và biểu diễn trước công chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là một niềm vui. Có những chuyến đi cơ sở, đường xa, vất vả, nhưng khi thấy ánh mắt chờ đợi, háo hức của bà con thì bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến. Bởi vậy, dù ở hoàn cảnh nào, H’Niêm, vẫn “cháy” hết mình để có thể mang lời ca, tiếng hát đến với mọi người.

Chia sẻ về nghề, H’Niêm nói: “Tôi yêu Đắk Nông và những gì thuộc về nó, nên luôn cố gắng hết mình để phục vụ bà con, đồng bào mình. Dẫu biết rằng con đường nghệ thuật cũng lắm chông gai, nhưng tôi yêu nghề và muốn cống hiến cho quê hương yêu dấu”.

So với đàn anh, đàn chị thì Điểu Su đến với sân khấu chuyên nghiệp muộn hơn, nhưng cũng đã thể hiện được khả năng của mình trên sàn diễn. Mỗi khi đứng trên sân khấu, Điểu Su luôn hòa quyện vào cảm xúc của từng bài hát, để rồi chính nguồn cảm xúc ấy mang lại cho khán giả những tiết mục hay, đặc sắc. Vừa qua, tại Hội thi “Tiếng hát đại ngàn” do Nhà văn hóa thanh thiếu nhi Đắk Lắk tổ chức, Điểu Su tham gia và đạt giải A ở thể loại nhạc thính phòng.

Điểu Su tâm sự: “Tôi yêu Đắk Nông và tôi sẽ cố gắng hết sức mình để có thể mang tiếng hát thật hay đến với mọi người. Những tràng pháo tay, nụ cười hớn hở của khán giả chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn trước mắt và hát hay hơn, đặc sắc hơn”.

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh thì các ca sĩ Y M’Linh, H’Niêm Niêr, Điểu Su…là những giọng ca chủ chốt của đoàn, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật âm nhạc của tỉnh nhà. Với niềm đam mê ca hát, các ca sĩ đã không ngừng luyện tập, học hỏi để mang lời ca, tiếng hát đến với bon làng, đồng bào.

Nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng thanh nhạc, thời gian qua, Đoàn đã gửi các ca sĩ theo học các lớp của Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội Hà Nội. Nhờ đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các ca sĩ được nâng lên rất nhiều, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh trong lòng công chúng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giọng ca của núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO