Ngoại giao văn hóa - Động lực của sự phát triển bền vững

Trần Nhị Bạch Vân| 02/02/2016 07:45

Ngoại giao văn hóa được xác định là tổng thể các hoạt động ứng xử, giao lưu, hợp tác về văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, khu vực cộng đồng này với khu vực cộng đồng khác nhằm giới thiệu những tinh hoa và giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia trong cộng đồng quốc tế, hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác (chính trị, kinh tế...) để góp phần nâng cao vị thế quốc gia.

ADQuảng cáo

Tiết mục quan họ "Mời nước mời trầu" tại Chương trình Không gian văn hóa Việt lần thứ IV tại Berlin -   Brandenburg, Cộng hòa liên bang Đức. Ảnh tư liệu

Ngoại giao văn hóa ngày nay đã trở thành một trong ba trụ cột của ngoại giao toàn diện, hiện đại; vừa là nền tảng, biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu chủ trương: “Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”, đồng thời đề cập trực tiếp đến vai trò của ngoại giao văn hóa: "Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”.

Bên cạnh đó, trong Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg ngày 14/02/2011, xác định mục tiêu đến năm 2020 là “làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước”.

Trong những năm qua, ngoại giao văn hóa, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, như: Tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại với quy mô khác nhau đã được tổ chức ở khắp các châu lục; tổ chức thành công nhiều Ngày/Tuần/Tháng văn hóa Việt Nam, lễ hội Văn hóa - Du lịch, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tuần phim, triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong và ngoài nước.

Đồng thời, tích cực tham gia hội thảo xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức ở nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian cồng chiêng Tây Nguyên; Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Vịnh Hạ Long… đã góp phần đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa đối ngoại khác cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gây được tiếng vang, để lại những dấu ấn tích cực trong lòng bè bạn quốc tế.

ADQuảng cáo

Thực tế thời gian qua cho thấy, văn hóa đã góp phần quan trọng để chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ ngoại giao một cách nhân văn, thuyết phục, hiệu quả trên nhiều cấp độ, ngành, lĩnh vực và phương diện, từ các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước đến các hoạt động đối ngoại của nhân dân. Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa đã tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam. Đây thực sự là một kênh thông tin hiệu quả góp phần vào thành công chung trong các hoạt động đối ngoại, từng bước nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới.

Đối với tỉnh ta, về cơ bản, công tác ngoại giao văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Là nơi cư trú của 40 dân tộc anh em trên tổng số 54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, nơi đây được xem là "kho tàng" văn hóa đồ sộ, lưu trữ và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của đại đa số các dân tộc Việt Nam. Đây chính là tiềm năng và thế mạnh của Đắk Nông trong việc thúc đẩy và tăng cường ngoại giao văn hóa, nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá hình ảnh địa phương và thu hút các nhà đầu tư, viện trợ nước ngoài đến và làm việc tại tỉnh.

Để ngoại giao văn hóa phát huy được vai trò và thế mạnh trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông, thiết nghĩ, cần tăng cường giáo dục cho người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiêu biểu, đã qua sàng lọc của địa phương, góp phần đưa các giá trị đó vào thực tiễn đời sống, trong ứng xử sinh hoạt hàng ngày và trong các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế với nước ngoài.

Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại. Nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức về văn hóa và văn hóa đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại ở địa phương. Chú trọng thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa nghệ thuật, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đối ngoại với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tỉnh ta cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua việc đầu tư xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc chất lượng cao, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong nước, vừa giới thiệu nghệ thuật dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Tây Nguyên nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

Về lâu dài có kế hoạch xây dựng Bảo tàng Dân tộc học tại tỉnh Đắk Nông để góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát triển các nét văn hóa, phong tục, truyền thống đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai, đây sẽ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước khi đến với Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại giao văn hóa - Động lực của sự phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO