Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer

Nguyễn Hồng (th)| 10/07/2020 09:31

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm (thường gọi là “Yeak rom”) là loại hình nghệ thuật cổ điển của người Khmer đồng bằng Sông Cửu Long, ra đời cách nay hàng trăm năm, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần và gắn liền với nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thẩm mỹ của bà con Khmer Nam Bộ.

ADQuảng cáo

Nghệ thuật sân khấu Rô Băm là loại hình nghệ thuật cổ điển, có giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ Trần Văn Bổn thì sân khấu Rô Băm thường biểu diễn các kịch bản về trường ca Ream kê, Sângsalachi, Preleakchinavong, Tứp sangva... được biên soạn sẵn trong lá buông (satra slâc rith). Lối biểu diễn của sân khấu Rô Băm bắt buộc phải theo một nguyên tắc nhất định như hình thể uốn cong, vừa múa vừa hát và các nhân vật phụ như chằn (Yeak), các con thú như chim đại bàng, ngựa, khỉ, rồng... phải đeo mặt nạ. Trước khi diễn vở tuồng, các đoàn Rô Băm phải khai diễn thường là điệu hum rôn (gồm 4 nam, 4 nữ) và múa tính cách Chằn (Yeak rom gồm 1 hoặc nhiều chằn tùy vào vở tuồng)... đây được xem là màn múa bắt buộc để cúng tổ hoặc cổ vũ tinh thần cho diễn viên, đồng thời thu hút khán giả bằng những động tác múa uyển chuyển, dịu dàng của các diễn viên với trang phục đẹp sặc sỡ như nàng tiên giáng trần. Ngoài ra, còn có nhân vật chằn tinh bạo chúa, tay cầm gậy, nhe răng nanh dữ dằn, bước đi oai vệ trong âm thanh sôi động của tiếng kèn salayrom và nhịp trống giục giã.

ADQuảng cáo

Hiện nay, loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm chỉ còn tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó Sóc Trăng có một đoàn Rô Băm tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (huyện Trần Đề). Đoàn Rô Băm có tuổi đời trên 100 năm đã trải qua 6 đời. Hiện tại, bà Lâm Thị Hương là Trưởng Đoàn Rô Băm Bưng Chông. Do còn hạn chế về số lượng diễn viên nên các thành viên trong gia đình chủ yếu biểu diễn các trích đoạn, phân cảnh tiêu biểu. Nhờ vậy mà Rô Băm đã không thất truyền, lại còn đào tạo được thế hệ kế cận và các diễn viên của đoàn luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này qua các vở diễn.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa các loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Tháng 2/2019, nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer huyện Trần Đề, Sóc Trăng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO