Mùa Tâm Ngết trên Cao nguyên M'nông

Tấn Vịnh| 23/01/2015 09:55

Thật thú vị khi người M’nông đã sáng tạo nên một sử thi “Tâm Nghết” miêu tả rất đầy đủ về lễ ăn trâu của dân tộc mình. Tiếng M’nông, Tâm ngết có nghĩa là mời nhau ăn thịt uống rượu. Lễ hội truyền thống này không thể thiếu được trong cuộc sống tinh thần của cộng đồng.

ADQuảng cáo

Uống rượu cần trong lễ hội. Ảnh: Ngọc Tâm

Lễ ăn trâu phải chuẩn bị trước gần cả tháng. Đầu tiên phải mời các già làng đến bàn bạc, nói lên lý do ăn trâu của gia đình mình. Sau đó, chủ nhà mời nghệ nhân giỏi, biết chế tác nhạc cụ dân tộc, làm ra chiếc kèn R'let. Loại kèn này chỉ để dành thổi gọi Thần linh trong lễ ăn trâu chứ không dùng vào trường hợp khác. Xong lễ hội thì bỏ hẳn chiếc kèn này, cấm không ai được mang ra thổi nữa.

Kèn R'let làm bằng ống nứa và quả bầu nhỏ. Làm kèn R'let xong phải cúng một con lợn nhỏ và một ché rượu. Sau đó, chủ lễ mang kèn R'let thổi, thường thổi lúc sáng, trưa, chiều tối, mỗi lần thổi đều phải có đánh chiêng. Dân làng nghe đánh chiêng và thổi kèn R'let biết nhà đó đang chuẩn bị ăn trâu, mọi người vui vẻ, phấn khởi chờ đợi…

Các lễ ăn trâu lớn đồng bào thường tập trung nhiều công sức làm cây nêu to và đẹp. Lễ cúng lúa ăn trâu bình thường thì không cần phải làm cây nêu to mà chỉ cần làm một cây nêu nhỏ gồm có một cây cọc bằng cây gạo hay cây tre.

Trên cành cây tre có kết hoa bằng lá non cây Sra và trên ngọn cây nêu có cắm một con chim phượng hoàng làm bằng gỗ có tô nhiều màu. Trên cây tre người ta còn làm thêm cái sạp cao hơn đầu người để ngồi khấn vái Thần lúa. Ngay bên dưới cọc nêu được đóng cái sạp cao 40 cm để cho thầy cúng và chủ nhà ngồi lúc làm lễ.

Trước cái sạp này dựng một cái hàng rào chắc chắn để bảo hiểm, cách ngăn với con trâu. Cây nêu được xem là “Lễ đài” của toàn bộ buổi lễ, do đó, cây nêu chẳng những cao vút, bề thế mà còn có tính trang nghiêm. Trên cây nêu luôn có đủ các hình tượng và hoa văn. Đó là hình tổ ong, hình chim én, cánh chim cu, xâu lục lạc bằng nứa, tượng người…

Ngoài trâu, đồng bào còn chuẩn bị thêm heo, gà, dê… để làm lễ hiến sinh và làm thức ăn cho mọi người. Các ché rượu cần cũng đã được ủ sẵn trước đó ít tháng. Trên đầu sạp, dọc theo bức vách, các ché rượu cần được xếp thành một dãy dài, thể hiện sự sung túc của gia đình chủ lễ. Khi vào lễ, thanh niên phải lo nhét lá trước vào từng ché rượu, lo sắm đủ các cây cần nứa để uống rượu.

ADQuảng cáo

Lễ hội Tâm ngết của người M'nông. Ảnh: Ngọc Tâm

Trong thời gian này, chủ nhà phải đi mời bà con gần xa, dù quen hoặc lạ cũng phải mời cho đủ. Số người đến dự không lường trước được. Ngày khách đến, phụ nữ phục vụ phải lo nấu nướng, bới ra từng gùi, phải nấu hàng chục ống canh bồi và hút sẵn rượu vào trong các ống nứa để chuẩn bị mời khách. Độc đáo nhất là nghi lễ mời khách, đón khách về “Ăn trâu”.

Vào buổi chiều tà, gia đình chủ lễ cử một đoàn người đi đón khách về dự lễ đâm trâu. Thông thường, đối tượng được mời chính là gia đình bà con dòng họ hoặc người anh em kết nghĩa của gia đình chủ lễ. Họ có thể sống cùng trong một bon hoặc khác bon miễn là thân thiết, có sự gắn bó thủy chung với nhau trong quan hệ, làm ăn…

Đến nhà chủ lễ, khách được mời lần lượt vào nhà. Chủ nhà đứng nơi cửa ra vào cầm ống nứa đựng nước suối vẫy lên mình các vị, có người cầm những ống nứa  nhỏ đựng rượu cần được kết lạị, lấy một que tre thấm vào rượu rồi chấm lên môi, lên lưỡi các vị khách để cầu may, chúc phúc cho mọi người. Khách được bà vợ và con cái đầu của người chủ lễ mời mỗi người một miếng trầu, miếng thuốc.

Vào nhà, đoàn khách mời chủ nhà ăn cơm nếp và thịt, cá được nấu sẵn mang theo. Xong, nhà chủ mời khách ăn cơm gạo tẻ với ống canh bồi nấu bằng ống tre. Khách đang ăn, chủ nhà tặng tiếng hát lời ca, và tiếp khách bằng ống rượu cần lấy nước đầu. Ăn xong, hai bên bắt đầu uống rượu ché bằng cần, chủ nhà uống trước, đoàn khách uống sau. Suốt đêm vừa uống, vừa ca hát, tiếng cồng chiêng vang lên không lúc nào dừng.

Giã gạo. Ảnh: Trí Tâm

Tâm ngết là lễ hội lớn nhất của người M'nông. Đây là dịp để bà con sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của cộng đồng. Những tập tục, nghi lễ trang nghiêm được thực hiện, mối dây cố kết cộng đồng được thắt chặt, mọi người như được gần nhau hơn để chia sẻ tình cảm, giúp đỡ nhau trong công việc, làm ăn.

Lễ hội còn là môi trường để các già làng, nghệ nhân trổ tài biểu diễn nghệ thuật như thổi kèn, diễn tấu cồng chiêng, hát sử thi Ót N'drong, kể chuyện cổ tích và đua nhau sáng tạo những tác phẩm trang trí hoa văn, điêu khắc tượng gỗ, trang hoàng cây nêu, cột lễ. Lễ hội Tâm ngết đầy chất nhân văn cần được bảo tồn, phát huy để lưu giữ mãi nét đẹp huyền thoại của cao nguyên M'nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa Tâm Ngết trên Cao nguyên M'nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO