Môi trường văn hóa có sự phát triển lành mạnh

Kim Ngân| 26/06/2015 10:52

Trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc tại chỗ” của tỉnh, huyện Đắk Glong đã xây dựng Đề án “Duy trì, bảo tồn các làng nghề, lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc huyện” đạt được kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được huyện chú trọng. Theo đó, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức định kỳ, như ngày hội văn hóa các dân tộc, các lễ hội mà đồng bào tại các bon làng vẫn còn lưu giữ như kết nghĩa, cúng lúa mới, cúng bến nước, cúng thần rừng, thần núi, sum họp cộng đồng…

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông trên địa bàn huyện luôn được gìn giữ và phát huy. Ảnh: V.T

Già làng K’Bông ở thôn 3, xã Đắk P’lao cho biết: “Đời sống đã có nhiều đổi thay rồi. Những phương tiện hữu dụng hướng con người tiến tới tiếp cận với đời sống hiện đại hơn. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn nhớ về những buổi lễ hội âm vang của tiếng cồng chiêng, những bước chân lắc lư trong nhịp xoang thuở trước, nhớ nghi lễ cúng thần rừng, thần sông, thần lúa…Thời gian qua, nhiều lễ hội được phục hồi, gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng nên tôi rất vui mừng”.

Còn nghệ nhân H’Giang ở thôn 2, xã Quảng Khê lại nổi tiếng với giọng hát dân ca ngọt ngào. Dù ở các thể loại như hát ru con, hát kể, hát giao duyên hay hát đồng dao, bà cũng đều biết và thể hiện rất truyền cảm, thu hút người nghe.

Nghệ nhân H’Giang tâm sự: “Hát dân ca dường như đã trở thành một niềm vui tinh thần không thể thiếu của tôi. Tôi thường hát dân ca trong các buổi sinh hoạt ở địa phương, các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, khi đi làm nương, đi đám cưới… Điều làm tôi vui nhất là đã chỉ dạy được cách hát dân ca cho nhiều chị em, nhất là các cháu nhỏ trong bon, từ đó góp phần lưu giữ các bài dân ca truyền thống của dân tộc”.

Dù không được nhiều người biết đến như những nghệ nhân chế tác nhạc cụ, hát dân ca, đánh cồng chiêng… nhưng đối với nghệ nhân K’Krang ở thôn 2, xã Quảng Khê chuyên tạo nên cây nêu uy nghiêm với đôi bàn tay tài hoa.

Theo nghệ nhân K’Krang, trong các nghi lễ của người Mạ thì cây nêu không thể thiếu. Chẳng hạn như trong lễ cúng thần lúa, lễ rước cây nêu, cây nêu là trung tâm của lễ hội. Cây nêu là biểu tượng của tâm linh, là sự tương giao của con người với các thần linh và tổ tiên. Trong nghi lễ rước cây nêu cầu an cũng vậy, đồng bào dựng cây nêu với mong muốn được thông tin trực tiếp với thần linh. Các họa tiết trang trí trên cây nêu đều thể hiện tính linh thiêng, lòng tôn kính đối với thần linh, ông bà đã khuất.

ADQuảng cáo

Cùng với những nghệ nhân, nhiều năm qua, ngành Văn hóa huyện đã triển khai công tác sưu tầm, phục dựng một cách khoa học, góp phần gìn giữ khá toàn diện các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo ông K’Wan, Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện thì các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đến nay đã được chú trọng gìn giữ với 3 loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu như hoa văn - lễ hội, cồng chiêng và nhạc cụ dân gian. Qua tổ chức kiểm kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, huyện đã khôi phục thành công 10 lễ hội của dân tộc Mạ, M’nông đều có tính nhân văn cao. Những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng như hoa văn, lễ hội đặc sắc của địa phương ngày càng được chú trọng bảo tồn và phát huy một cách có hệ thống, bài bản.

Đến nay, huyện đã tổ chức được 9 lớp dạy cồng chiêng tại 4 xã Đắk Som, Quảng Khê, Đắk R’măng và Quảng Sơn, thu hút hơn 400 lượt thanh niên, học sinh tham gia. Riêng tại các trường học, ngành đã phối hợp mở các lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát tre nứa, chế tác nhạc cụ và sử dụng nhạc cụ dân tộc, hát dân ca…

Trưng bày ảnh con người, cuộc sống ở các bon làng huyện Đắk Glong. Ảnh: Y Krăk

Ngoài ra, để tạo môi trường cho hoạt động văn hóa dân gian được duy trì, phát triển, hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, với các môn thi như làm rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc… Hầu hết các xã, thôn, bon trong huyện đều có đội chiêng, đội hát dân ca, phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng và tham gia các hội thi, hội diễn.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc cũng được chú trọng. Cụ thể, huyện đã mở 5 lớp học tiếng dân tộc gồm 2 lớp tiếng M’nông, 2 lớp tiếng Mạ, 1 lớp tiếng Mông cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, với hơn 474 lượt người tham gia.

Qua việc dạy tiếng dân tộc thiểu số, hoạt động này đã tạo điều kiện giao thoa về ngôn ngữ, chữ viết giữa các dân tộc với nhau thuận lợi hơn, môi trường văn hóa có sự phát triển lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường văn hóa có sự phát triển lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO