Làm báo văn nghệ là niềm vui, niềm đam mê

Mỹ Hằng| 21/06/2021 14:04

Đó là tâm sự chung của những người làm báo văn nghệ tại Tạp chí Nâm Nung, thuộc Hội Văn học nghệ thuật (VHNT). Với họ, làm báo vừa là cái duyên vừa là niềm vui, giúp thăng hoa cảm xúc mỗi ngày.

ADQuảng cáo

Nhà báo Đặng Văn Dung, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông, vừa làm công tác quản lý, vừa luôn cố gắng tìm tòi, đọc thêm nhiều sách báo để có thể tìm một lối viết riêng cho mình. Mỗi tác phẩm là một “đứa con tinh thần” được ông trau chuốt sao cho hoàn hảo nhất.

Nhà báo Đặng Văn Dung cho biết: “Người viết báo văn nghệ cần phải nắn nót, trau chuốt từng con chữ. Muốn có một tác phẩm hay, lôi cuốn bạn đọc thì tâm của người viết phải trong, ngôn từ sắc sảo và phải đam mê cháy bỏng với nghề, phải xây dựng cho mình kỹ năng thu thập thông tin, tư liệu đa chiều…”.

Những người làm báo văn nghệ ở Tạp chí Nâm Nung trong chuyến đi thực tế sáng tác ở các tỉnh phía Bắc (ảnh: Bùi Nhị Đông Khuê)

Nhà báo Đặng Bá Canh, Tổng Biên tập Tạp chí Nâm Nung là một trong những người viết khỏe, có nhiều tác phẩm báo chí, truyện, thơ được bạn đọc biết đến. Những tác phẩm văn chương, báo chí của anh luôn bám sát đời sống hiện thực, nhất là những đề tài viết về văn hóa các dân tộc thiểu số như Đất đắng, Rừng xa…

Nói về làm báo văn nghệ, anh Đặng Bá Canh tâm sự: “Làm báo, làm văn là phải đi, phải học, phải đọc rồi mới viết. Làm báo đã khổ, làm báo văn nghệ càng khổ hơn bởi ngoài việc tiếp cận chắt lọc thông tin, phản ánh hiện thực còn phải thông qua hình tượng nghệ thuật để làm cho hiện thực sinh động, có hồn thì mới hấp dẫn người đọc”.

ADQuảng cáo

Nhà báo Bùi Nhị Đông Khuê cũng là một trong những cây bút có nhiều bài viết hay trên Tạp chí Nâm Nung. Với chị, làm báo như một “cái duyên”. Năm 2005, chị khăn gói từ huyện Krông Nô lên TP. Gia Nghĩa và làm việc tại Hội VHNT tỉnh. Là một kế toán, lại yêu thích văn chương nên chị luôn tìm tòi các loại sách truyện để đọc.

Để có những tác phẩm hay, đặc sắc mang phong cách riêng của mình, chị Khuê thường xuyên đi cơ sở, lấy tư liệu, tìm nguồn cảm xúc để viết bài. Mỗi một tác phẩm là một quá trình "thai nghén" từ chọn đề tài, thu thập tư liệu, cách hành văn, dẫn chuyện... Có những tác phẩm chị viết ngay sau khi đi cơ sở về; có tác phẩm cả tuần, thậm chí cả tháng, cả năm mới viết được.

Chị Khuê chia sẻ: “Với người làm báo văn nghệ mà nói thì xây dựng được tên tuổi, tác phẩm mang phong cách riêng của mình là điều không dễ. Do đó, tôi luôn cố gắng học hỏi chính ngay trong cuộc sống, bạn bè, đồng nghiệp để có thêm vốn sống, tri thức cho riêng mình. Đặc biệt, người làm báo văn nghệ phải đặt bản thân mình vào vị trí của người đọc để cảm nhận được các khía cạnh cuộc sống, như thế mới có tác phẩm hay, đặc sắc…”.

Đội ngũ làm báo văn nghệ tham gia thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh: Bùi Nhị Đông Khuê)

Theo Hội VHNT tỉnh, hiện nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm báo văn nghệ ở Tạp chí Nâm Nung đa phần đều trẻ, có niềm đam mê sáng tác VHNT nên đã cho ra đời những tác phẩm hay, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc gần xa.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của Tạp chí đó là lực lượng phóng viên, biên tập viên mỏng (5 người) lại kiêm nhiều việc nên việc thực hiện tin, bài cũng còn ít. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động báo chí vẫn còn hạn chế…Khó khăn là vậy nhưng các anh chị em luôn tâm huyết với nghề và xem làm báo văn nghệ là niềm vui, niềm đam mê của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo văn nghệ là niềm vui, niềm đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO