Hướng tới xây dựng công viên địa chất toàn cầu núi lửa Krông Nô: Lợi ích của công viên địa chất

Gia Bình| 20/03/2018 14:13

Theo định nghĩa của Mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu thì CVĐC là khu vực có ranh giới xác định và có diện tích đủ lớn để phát triển kinh tế chủ yếu thông qua hoạt động du lịch. CVĐC không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị địa chất tiêu biểu cho một vùng, một khu vực mà còn chú trọng liên kết với các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, cảnh quan và đa dạng sinh học để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

ADQuảng cáo

Mô hình CVĐC giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các mỏ khoáng sản và khoanh vùng các di sản địa chất có giá trị khoa học cao phục vụ nghiên cứu và bảo tồn cho thế hệ sau. Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận. Sau khi gia nhập mạng lưới, hoạt động du lịch của các nước này đều phát triển vượt bậc.

Ở Việt Nam, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu vào năm 2010, cũng đã giúp hoạt động du lịch của tỉnh Hà Giang có nhiều bước đột phá. Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhiều, các nhà đầu tư du lịch cũng tăng đáng kể. Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ phát triển đã đưa doanh thu du lịch cao gấp nhiều lần so với trước…

Thác Liêng Nung ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) một địa chỉ thu hút khách du lịch

Ở Đắk Nông, CVĐC núi lửa Krông Nô trải dài ở 6 huyện, thị xã, hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu của một CVĐC cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm nổi bật nhất trong CVĐC núi lửa Krông Nô là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R’lush được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động Krông Nô được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều bí mật về sự thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, CVĐC núi lửa Krông Nô còn đa dạng và phong phú các mỏ, quặng, điểm khoáng sản bô xít, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn… Trong khu vực còn có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, Ót N’drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh… Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp và một phần phía nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC núi lửa Krông Nô.

Quá trình xây dựng CVÐC và được UNESCO công nhận danh hiệu toàn cầu mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương. Dựa trên những tiềm năng của CVÐC, việc khai thác các loại hình du lịch như du lịch địa chất, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa…, kết hợp với du lịch cộng đồng sẽ giúp du khách cũng như người dân địa phương khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên và chung tay bảo tồn, gìn giữ những giá trị ấy. Du lịch phát triển sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Với những tiềm năng sẵn có, CVĐC núi lửa Krông Nô có thể khai thác một số sản phẩm du lịch. Cụ thể như du lịch văn hóa bao gồm các sản phẩm gắn với di sản văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng. Du lịch sinh thái bao gồm du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch địa chất gắn với hệ thống hang động núi lửa…

Lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa là sản phẩm văn hóa độc đáo đối với CVĐC núi lửa Krông Nô

Có thể khẳng định, CVĐC núi lửa Krông Nô là tài sản vô cùng quý giá không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của nhân loại. Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Ban chuyên trách Ban quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô, hiện tại tỉnh đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cũng như nỗ lực thực hiện các tiêu chí để các chuyên gia UNESCO vào thẩm định, công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu vào tháng 10/2018. Việc xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO cho khu vực núi lửa Krông Nô là một hướng đi đúng đắn của địa phương để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới xây dựng công viên địa chất toàn cầu núi lửa Krông Nô: Lợi ích của công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO