Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các tác phẩm nghệ thuật: Nỗ lực và kết quả của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh

Mỹ Hằng| 14/11/2014 09:37

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã khai thác những chất liệu vốn có của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê như cồng chiêng, dân ca dân vũ… để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống pha lẫn hiện đại.

ADQuảng cáo

Theo nhạc sĩ Võ Cường, Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh thì văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa rất phong phú, đa dạng, nên việc vận dụng các giai điệu dân ca, cồng chiêng sẽ làm cho nghệ thuật âm nhạc, biểu diễn thêm phong phú. Bởi vậy, đoàn đã không ngừng nghiên cứu, dày công sưu tầm và sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ công chúng, bao gồm các thể loại múa, hát, hòa tấu…

Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh luôn dùng “chất liệu” dân gian để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật

Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, đoàn đã sáng tác, dàn dựng khoảng 15 tác phẩm xoay quanh văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên như: “Chuyện tình Ea Snô”, “Tiăng Yơng Yang”, “Những cánh rừng chỉ còn trong giấc mơ già làng”; “Giấc mơ mùa thu cao nguyên”, “Vì đâu như thế”, “Tiếng R'lét gọi mùa”…

Hầu hết các tác phẩm này được dàn dựng dựa trên “chất liệu” văn hóa dân gian, nhạc cụ truyền thống, nhưng có nội dung hiện đại, phản ánh khát vọng vươn tới cái đẹp, đỉnh cao của nghệ thuật. Điển hình như tác phẩm “Giấc mơ mùa thu cao nguyên” được sáng tác dựa trên làn điệu dân ca “Tâm pớt” của người M’nông Préh; còn tác phẩm “Chuyện tình Ea Snô” dựa trên sự tích hồ Ea Snô (Krông Nô), miêu tả cuộc tình buồn của đôi trai gái trẻ; tác phẩm “Tiăng Yơng Yang” thì khai thác có hiệu quả sử thi Ót N’rông thông qua miêu tả 3 vị thần, biểu trưng cho sức mạnh và sự giàu có mà đồng bào M’nông luôn ngưỡng mộ…

ADQuảng cáo

Để có thể hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa truyền thống của người M’nông nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung thì ngoài sự miệt mài nghiên cứu, đòi hỏi đội ngũ diễn viên, ca sĩ phải lĩnh hội được tư tưởng chủ đạo của biên đạo múa và có cảm nhận sâu sắc đối với tác phẩm. Diễn viên, ca sĩ phải học hát, học cách luyến láy, cách diễn xuất, đánh cồng chiêng… để có thể thẩm thấu “cái thần” của nghệ thuật biểu diễn.

Anh K’Tiêng, diễn viên múa chia sẻ: “Trong lúc luyện tập, có những động tác dựa trên văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa thì chúng tôi thường phải tập đi tập lại rất nhiều lần cho đến khi thành thạo. Diễn viên không chỉ diễn tả lại đúng mà cần phải nắm bắt được tư tưởng chủ đề tác phẩm và gửi tất cả niềm đam mê vào đó mới có thể diễn xuất tốt”.

Điều đáng ghi nhận là với sự miệt mài nghiên cứu, nỗ lực thể hiện đã mang lại thành công cho đoàn. Tại các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, khu vực, những tiết mục mang đậm chất dân gian của đoàn Đắk Nông đều đạt giải và được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam diễn ra tại TP Đà Nẵng, các tác phẩm “Giấc mơ mùa thu cao nguyên” và “Lời ru Bunoong” đã đạt giải A…

Cũng theo nhạc sĩ Võ Cường thì hiện nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân rất cao, có sự lựa chọn khắt khe hơn. Vì vậy, việc sáng tạo nghệ thuật mang đậm yếu tố dân gian luôn đòi hỏi người làm nghệ thuật phải trăn trở, cố gắng làm thế nào để các tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận.

Mặt khác, để khai thác hiệu quả và theo đúng tinh thần của đề án, Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh đang tiếp tục nỗ lực xây dựng những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mới mẻ, có chất lượng hơn, góp một phần công sức trong việc quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa đến với công chúng trong tỉnh cũng như cả nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các tác phẩm nghệ thuật: Nỗ lực và kết quả của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO