Ghi nhận những giá trị truyền thống của Việt Nam

Thùy Trang| 26/11/2021 08:36

Hai danh nhân Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua nghị quyết vinh danh. Đây là niềm tự hào, niềm vui của toàn thể người dân Việt Nam, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế

Việc vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua ngày 23/11 trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Theo đại diện thường trực của Việt Nam tại UNESCO, các hồ sơ đề cử đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra, đặc biệt là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.

Theo đánh giá, UNESCO vinh danh hai danh nhân văn hóa của Việt Nam cho thấy những giá trị truyền thống của Việt Nam cũng phù hợp với những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, của UNESCO đối với những giá trị của dân tộc Việt Nam về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống học tập cũng như tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ...

Tranh vẽ chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Hai danh nhân tài năng

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Ông đã đóng góp rất nhiều tác phẩm có giá trị vào kho tàng văn học Việt Nam. Ông còn được biết đến là một người có lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc vô cùng sâu sắc, quyết giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Các tác phẩm chính của ông đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là tập thơ Lục Vân Tiên, chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Trong số 500 tác phẩm y học cổ truyền Việt Nam bằng Hán Nôm, Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế xứng đáng. Y đức mà Nguyễn Đình Chiểu chủ trương trong tác phẩm này và thực hiện trong cuộc đời làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người: “Xưa rằng: Thầy thuốc học thông/Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh/Giúp người chẳng vụ tiếng danh/Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghét tài”. Từ triết lý văn hóa thể hiện trong sáng tác văn chương đến hành động trong cuộc đời dạy học, làm thầy thuốc, ở Nguyễn Đình Chiểu luôn có sự nhất quán.  

Hồ Xuân Hương (1772-1822) là một nữ sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như "Bà chúa thơ Nôm". Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Trước đây, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm Ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận những giá trị truyền thống của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO