Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ cuối): Nâng cao ý thức giữ gìn vốn quý của dân tộc

Mỹ Hằng| 30/09/2016 10:19

Những năm qua, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ở một góc độ nào đó vẫn đang được duy trì, nhưng thực tế chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ trong gia đình và vẫn còn mang tính tự cung tự cấp.

ADQuảng cáo

Vì vậy, việc duy trì, tìm hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm để đồng bào có thể vừa sống được với nghề, vừa bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Mong muốn và hy vọng

Có thể nói, do ảnh hưởng và du nhập của các loại hình văn hóa hiện đại khiến đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ không thích mặc trang phục truyền thống. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do giá thành cao, thị trường lại kén chọn nên các hoạt động dệt thổ cẩm chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định. Những sản phẩm của đồng bào làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ, chưa đủ sức trở thành hàng hóa tiêu thụ trên thị trường.

Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, một số gia đình nghệ nhân cũng cố gắng tìm thị trường để có thể duy trì nghề truyền thống như mang ký gửi sản phẩm ở các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch…

Bà H’Bạch ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Mỗi tấm thổ cẩm đẹp có giá từ 1-2 triệu đồng. Do tất cả nguyên liệu đều mua và đòi hỏi sự kỳ công trong từng công đoạn nên giá thành đắt. Vì vậy, để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, gia đình tôi đã tự liên hệ và ký gửi ở một số điểm bán hàng thổ cẩm ở Lâm Đồng”.

Nghệ nhân H’Bạch ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ sau

Chị Thị Nhum ở bon Bu B’râng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) nói: Chúng tôi rất vui khi nghề dệt truyền thống của dân tộc mình được nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn. Thế nhưng, sản phẩm làm ra chỉ có tính chất trao đổi, tự cung tự cấp, ít tiêu thụ được nên một số chị em đã bỏ dệt. Vì vậy, mong muốn của bà con hiện nay là, cùng với việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, có hướng đi và cơ chế phù hợp để giúp đồng bào có thể tiêu thụ được sản phẩm, sống được với nghề.

Chị Thị Ai ở bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng cho biết: Tôi yêu nghề dệt thổ cẩm và không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một nên mặc dù thị trường thổ cẩm khó khăn nhưng vẫn làm cầm chừng, cốt để truyền nghề lại cho con cháu. Thực tế, để sống được với nghề dệt thổ cẩm không hề đơn giản nhưng bà con cũng mong muốn có cách gì đó để sống được với nghề và giữ gìn, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Có thể thấy, để những sản phẩm dệt thổ cẩm có lối đi riêng trên thị trường thì bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào còn rất cần đến sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành liên quan. Có như vậy, những ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm sẽ vừa được lưu giữ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Tôn trọng, tạo ra không gian, môi trường thích hợp

ADQuảng cáo

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình không hề đơn giản. Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn động trong cuộc sống hàng ngày trong xu thế phát triển càng khó hơn rất nhiều. Do đó, để trang phục truyền thống được bảo tồn và ngày càng phát triển, cần có những giải pháp tối ưu để vừa bảo tồn được nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, vừa góp phần phát triển kinh tế của người dân.

Người dân phải là chủ thể trong việc bảo tồn văn hóa, trang phục truyền thống

Theo bà Lê Thị Hồng An, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì bảo tồn trang phục truyền thống là trách nhiệm của toàn thể xã hội. Trong đó, người dân - những chủ thể sáng tạo, sử dụng phải có trách nhiệm với chính sản phẩm mình làm ra và với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Do vậy, công tác tuyên truyền cần được làm tốt nhằm nâng cao nhận thức, giúp đồng bào hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng...

Để góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, vai trò của những người làm công tác văn hóa là hết sức cần thiết. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với họ về trình độ năng lực, về “tâm” và “tầm” trong công tác chuyên môn và quản lý . Đặc biệt, để bảo tồn được trang phục của đồng bào thì phải nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thổ cẩm, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm của nó.

 PGS.TS Đoàn Thị Tình-Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam thì cho rằng, để bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc, trước hết cần nâng cao nhận thức về cái đẹp và niềm tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các bon, bản có thể xây dựng quy ước về việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày hội, lễ, tết. Song song đó, cần khuyến khích khôi phục phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức.

Nhà nghiên cứu văn hóa Vi Hồng Nhân - nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, muốn bảo tồn, phát huy những trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, quan trọng nhất là cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Đó là những lễ hội truyền thống, những ngày văn hóa của riêng từng dân tộc, hoặc các dân tộc để đồng bào cảm thấy tự hào khi được thể hiện các trang phục truyền thống, từ đó có ý thức tự giữ gìn vốn quý của dân tộc mình.

Mới đây, Đoàn công tác của UBND tỉnh cũng đã đi khảo sát một số bon làng ở thị xã Gia Nghĩa để lựa chọn, khôi phục các bon còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Qua khảo sát thực tế ở bon N’Jriêng và bon Bu Sốp ở xã Đắk Nia cho thấy, 2 bon hiện còn lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc Mạ, nhiều gia đình hiện vẫn còn lưu giữ các vật dụng như khung dệt thổ cẩm, gùi, rổ, rá, cồng chiêng…

Đặc biệt, một số nghệ nhân già, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc vẫn đang âm thầm trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, việc gìn giữ các giá trị truyền thống của 2 bon cũng còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: Đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm không có nên người dân ít mặn mà; môi trường diễn tấu cồng chiêng hạn hẹp; cuộc sống người dân còn khó khăn... Do vậy, việc khôi phục và tìm hướng bảo tồn văn hóa truyền thống phục vụ cho việc phát triển du lịch cộng đồng ở 2 bon là điều cần thiết.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND xã Đắk Nia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh, trên cơ sở khảo sát tình hình thực tế của các bon, tỉnh sẽ có chủ trương, giải pháp để khuyến khích người dân vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc vừa tham gia phát triển du lịch cộng đồng, nhất là việc duy trì, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo sắc màu thổ cẩm (Kỳ cuối): Nâng cao ý thức giữ gìn vốn quý của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO