Độc đáo hoa văn trang trí dân gian của người M’nông

Anh Bằng| 03/10/2014 09:57

Trang trí hoa văn truyền thống của người M’nông là nghệ thuật tạo hình thể hiện quan điểm, tình cảm và giá trị tâm linh cũng như thẩm mỹ của con người trong thế giới tự nhiên và siêu nhiên (thần linh). Họ sử dụng phong cách trang trí hiện thực để mô tả sinh động vũ trụ - vạn vật và cuộc sống đời thường.

ADQuảng cáo

Trong kiến trúc nhà ở, các bộ phận kết cấu của nhà dài, như cầu thang, cột hiên, cột ngang đều được chạm khắc và trang trí hoa văn đa dạng: hình con rết, hình lá cây, hình con mèo rừng... Ở kiến trúc nhà trệt, nhất là trên tấm che gầm sạp giường, nghệ nhân thường sử dụng loại hoa văn hình nổi, các gam màu phổ biến: đỏ, đen, trắng… tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo với bức tranh vạn vật sinh động và phồn thực; cuộc sống cư dân miền núi được phác họa phong phú, đa dạng và rất thực tế, như núi rừng, muông thú, cây ngô, cây lúa, cây khoai, rong rêu...

Ngay sau lễ mừng được mùa lúa là tiếng cồng chiêng vang lên, mừng thần linh về chung vui. Ảnh: Hồ Mai

Trên đồ gia dụng, nếu người Êđê thể hiện tác phẩm nghệ thuật với không gian trang trí thoáng đạt, họa tiết dàn trải thì người M’nông lại trang trí hoa văn có bố cục dày dặc và khăng khít hơn. Ngoài các vật dụng như bầu đựng nước, cối giã gạo, nong, nia… thì vật dụng trang trí tiêu biểu nhất vẫn là gùi (Sah), được bố trí vô số đường nét hoa văn theo mô típ hình kỷ hà để tạo ra vạn vật như văn lá đậu (nrang ha tuh), văn cành đa (rơnôk mbah jri), hình đa giác, hình tam giác, hình vuông…

Các già làng M’nông nhóm Bu Prâng cho rằng, ngoài những ý nghĩa khác thì trang trí hoa văn bố cục dày, khăng khít ở đồ gia dụng là thể hiện sự khát khao, mong muốn bội thu từ mùa màng, sự sung túc, giàu có của gia đình, dòng họ.

Đây cũng là lý do để đồng bào M’nông tiết kiệm không gian và tận dụng tất cả các bề mặt trên sản phẩm gia dụng để trang trí. Họ bố trí hoa văn theo các dải nằm ngang trên toàn bộ chiếc gùi: từ đế đến thân, miệng và quai đều được vẽ nhiều họa tiết và cột các nhúm len màu đỏ, xanh, vàng… chung quanh, tạo cho sản phẩm có hình dáng và màu sắc sặc sỡ. Người xem cảm nhận chiếc gùi như là hiện vật dùng để trưng bày, chiêm ngưỡng vẽ đẹp nghệ thuật trang trí dân gian chứ không phải là vật dụng dùng trong lao động sản xuất.

Già làng M'nông khấn tạ ơn thần linh và cầu mong tiếp tục phù hộ trong những vụ mùa tiếp theo. Ảnh: Hồ Mai

ADQuảng cáo

Trong kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, như trên đàn tế hồn lúa, đàn tế trong lễ đâm trâu, hoặc ở mỗi chiếc quan tài, người M’nông thường sử dụng loại hoa văn cành đa và hoa văn rau dớn, hình sao 5 cánh, tượng người, gươm, …

Trên cây nêu cúng thần, kể cả cột chính lẫn các nhánh nêu, nghệ nhân bố trí nhiều gam màu sinh động, vừa làm nền đệm vừa trang trí hoa văn. Trong đó, màu đỏ được sử dụng với số lượng phong phú và khá phổ biến. Theo các già làng nhánh M’nông Nong, M’nông Prâng: màu đỏ không chỉ tượng trưng cho sức mạnh con người, của các hiệp sĩ, các vị thần, các chiến binh (hình tượng cánh đại bàng trang trí màu đỏ trên ngực áo của người Êđê thể hiện sức mạnh của nam giới, chiến binh xưa)… mà còn bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính thần linh; là máu vật hiến sinh, biểu tượng vật chất, của cải dâng lên hiến tế thần.

Trang phục lễ hội của đàn ông M'nông. Ảnh: Duy Thoan

Trên trang phục truyền thống, cũng giống như đồng bào Êđê, Bana, X’tiêng… người M’nông lấy chất liệu từ rừng để tạo ra màu đen và màu chàm sẫm làm nền đệm. Gam màu này được sử dụng chung cho cả trang phục nam và nữ.

Để làm phong phú và sinh động sắc thái sản phẩm, người M’nông còn sử dụng các chất màu tự nhiên khác vừa phối màu tương phản vừa trang trí nghệ thuật, tạo ra màu sắc và hoa văn sặc sỡ, như trắng – đen, vàng – đen, xanh – đen, xanh – vàng, trắng – đỏ, tím – vàng… Họ còn lấy các màu nguyên chất trong tự nhiên hòa với màu đen chàm để nhuộm sợi, cho ra màu gri – xám nhẹ. Người sử dụng có cảm giác êm dịu, thoải mái và dễ chịu.

Chàng trai, cô gái M'nông hòa cùng nhịp chiêng, điệu múa trong đêm hội. Ảnh: Y KRăk

Ngoài nghệ thuật phối màu, đồng bào M’nông còn trang trí nhiều hình thể tự nhiên, tạo sự phong phú, đa dạng về loại hình trang trí dân gian trên trang phục, phổ biến là các loại hoa văn truyền thống thường gặp, nhưng vẫn phác họa sinh động vũ trụ quanh ta, cuộc sống đời thường của cư dân nông nghiệp bằng những hình ảnh thực tế từ thiên nhiên, như trái pơ le (văl ple), văn hột dưa (ngơ găp pung), văn quả trám (rơ nôk poh) …

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo hoa văn trang trí dân gian của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO