Để có các tác phẩm vượt ra khỏi tầm địa phương, văn nghệ sĩ Đắk Nông cần phấn đấu thêm

Mỹ Hằng thực hiện| 12/07/2019 09:24

Mới đây, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành Văn học cho các văn nghệ sĩ và nhà văn Cao Duy Sơn được mời về thỉnh giảng. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với nhà văn Cao Duy Sơn - Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam- Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc.

ADQuảng cáo

Nhà văn Cao Duy Sơn. Ảnh tư liệu

PV: Cùng với sự phát triển của VHNT Việt Nam thì VHNT các dân tộc thiểu số cũng đã có những thành tựu nhất định. Vậy ông có thể nói sơ bộ về thành tựu mà VHNT các DTTS Việt Nam đã đạt được?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Trước tiên phải nói rằng, VHNT các DTTS Việt Nam bao gồm 2 lĩnh vực: nghệ thuật và văn học. So với VHNT nói chung, VHNT các DTTS ra đời muộn hơn nhưng cũng đã có những đóng góp đáng kể. Theo đó, bản sắc văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam được thể hiện một cách khá rõ qua ngôn ngữ, nghệ thuật trình diễn trong từng tác phẩm. Việc phát triển VHNT trong cộng đồng các DTTS toàn quốc là kỳ vọng lớn lao và để tạo ra được một tác phẩm văn học đích thực thì phải là những người hiểu biết sâu sắc bản sắc văn hóa các DTTS và nhất thiết phải có niềm đam mê, năng khiếu và khả năng sáng tạo.

Một trong những người có đóng góp to lớn trong dòng VHNT các DTTS Việt Nam phải kể các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…Họ đã chỉ bảo, giúp đỡ các nhà văn là người DTTS và tạo cho họ cảm hứng tác động mạnh đến thế hệ về sau. Từ đó, xuất hiện các nhà văn trẻ có những tác phẩm hay viết về đồng bào các DTTS.

Đặc biệt, những năm đầu của thế kỷ XXI đã xuất hiện những nhà văn nổi tiếng như Hiđrasêra là người Chăm ở Ninh Thuận đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng ASIAN; nhà văn Y Phương đã có những tác phẩm như “Lời chúc, “Đàn then”... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày phía Bắc, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao.

PV: Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm như thế nào để VHNT các DTTS Việt Nam ngày càng phát triển, thưa ông?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm hết sức sâu sắc đối với VHNT các DTTS và các văn nghệ sĩ. Điển hình, hàng năm, Nhà nước đã cấp kinh phí để hỗ trợ các nhà văn đi thực tế sáng tác, tổ chức trại sáng tác, tập huấn, hội thảo. Nhờ đó, chất lượng cũng như số lượng tác phẩm VHNT ngày càng được nâng cao. Càng ngày sự quan tâm đó càng tích cực hơn, cụ thể hơn và đó cũng chính là động lực để các nhà văn phát huy được tài năng và có trách nhiệm hơn đối với đứa con tinh thần của mình.

ADQuảng cáo

Hiện nay, khi mà công nghệ và truyền thông đang đẩy mạnh và phát triển thì VHNT các DTTS vẫn có ngôn ngữ, sắc thái riêng. Các văn nghệ sĩ có thể nắm bắt được những sắc thái đó để chuyển thể vào trong từng tác phẩm cụ thể, mang đậm tiếng nói tư duy của con người thời đại mới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về VHNT các DTTS của Đắk Nông và những hạn chế mà văn nghệ sĩ Đắk Nông cần khắc phục?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi may mắn được đến Đắk Nông công tác 3 lần và cảm nhận được sự chuyển mình của Đắk Nông sau 15 năm thành lập tỉnh. Tôi thấy, kinh tế - văn hóa - xã hội của Đắk Nông đã phát triển vượt bậc và VHNT cũng thế.

Thế nhưng, so với một số tỉnh, thành khác trong khu vực, VHNT của Đắk Nông còn có những điều cần phải nói thêm. Tất nhiên, có những tác giả địa phương đã có những đóng góp vào sự nghiệp VHNT nói chung như Nguyễn Ngọc Hinh, Lê Tiến Dị, Nguyễn Liên, Như Tấn, Bùi Nhị Đông Khuê… Riêng Chi hội VHNT các DTTS  tại Đắk Nông, những năm qua đã có sự phát triển tương đối mạnh và cũng đã tổ chức được những buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho các anh em văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, việc để có các tác phẩm vượt ra khỏi tầm địa phương, văn nghệ sĩ Đắk Nông cần phấn đấu thêm. Vì Đắk Nông là một tỉnh mới thành lập và các văn nghệ sĩ sáng tác cũng chỉ dừng lại ở mức hoàn thành nhiệm vụ đối với địa phương và các tác phẩm thực sự xuất sắc thì chưa có.

Đắk Nông có bề dày lịch sử, với những phong trào đấu tranh cách mạng, có nhiều nhân vật lịch sử được đi vào sử sách như N’Trang Lơng, N’Trang Gưh. Đặc biệt, sự di dân của các dân tộc phía Bắc cũng đã mang đến cho Đắk Nông hơi thở, làn gió mới nhưng chưa có một tác phẩm VHNT nào phản ánh chân thực được điều này. Vì vậy, các văn nghệ sĩ Đắk Nông cần khai thác khía cạnh này một cách chân thật để xây dựng nên những tác phẩm chất lượng. Có như thế, VHNT Đắk Nông mới vượt lên một tầm cao hơn, ý nghĩa hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có các tác phẩm vượt ra khỏi tầm địa phương, văn nghệ sĩ Đắk Nông cần phấn đấu thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO