Con đường thổ cẩm-kết nối những sắc màu văn hóa

Hoàng Hoài-Vũ Trang| 16/01/2019 13:39

Đó là chủ đề của Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1. Với 21 đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành của Việt Nam và 3 nước Campuchia, Lào, Indonesia trong trang phục truyền thống của mỗi dân tộc tham gia diễu hành, chương trình đã tạo nên một sắc màu đặc biệt giữa phố thị hoa vàng, tạo thành bức tranh sinh động, đầy ấn tượng.

ADQuảng cáo

Tạo nên nét đẹp văn hóa chung

Có mặt từ đầu giờ chiều, các nghệ nhân, nghệ sĩ của tỉnh Quảng Trị đã mang đến Lễ hội đường phố trang phục và 9 đạo cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều như tù và, chập chèng, chim cây, kèn, chiêng… Những vật dụng, nhạc cụ dân tộc được sử dụng trong các lễ hội, mừng lúa mới, làng mới, thôn mới với mong ước được hạnh phúc, ấm no, mùa màng bội thu. Hình ảnh con chim cây vỗ cánh giữa tiếng chiêng, tiếng nhạc với cây nêu truyền thống như biểu thị niềm tin thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc sẽ mãi trường tồn, luôn hiện diện trong cuộc sống và ngày càng bay cao, bay xa.

Nghệ nhân Vàng Thị Cầu ở Hà Giang thổi khèn truyền thống của người Mông

Trong tiếng chiêng ngân vang, tiếng chập cheng vui rộn, nghệ nhân Ăm Nhờ của đoàn Quảng Trị phấn khởi: “Được tham gia lễ hội và giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè, du khách gần xa là niềm hạnh phúc, niềm vui của bà con chúng tôi. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng và chúng tôi tự hào về nét riêng không lẫn vào đâu của dân tộc mình. Tôi mong muốn, sau lễ hội, văn hóa thổ cẩm, văn hóa dân gian sẽ được quan tâm, duy trì, không mai một theo thời gian”.

Đến từ địa đầu Tổ quốc, nghệ nhân Vàng Thị Cầu cùng các thành viên trong đoàn Hà Giang đã mang đến những nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc Mông. Trong đó, cây khèn được xem như là biểu tượng của người Mông, không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ dân tộc truyền thống mà còn là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh. Trong không khí lễ hội, nghệ nhân Vàng Thị Cầu đã thổi những điệu khèn, chuyển tải vào đó niềm vui, niềm tự hào về truyền thống dân tộc mình. Những mệt mỏi do di chuyển xa, những cái nắng, cái gió của mảnh đất Đắk Nông những ngày cuối năm âm lịch vẫn không thể làm vơi đi niềm đam mê văn hóa thổ cẩm, văn hóa dân gian của những nghệ nhân Hà Giang. Khi nhạc vang lên, mỗi người đều lắc lư theo điệu khèn với nụ cười tươi tắn hiện diện.

Nghệ nhân Vàng Thị Cầu cho biết: “Chúng tôi đến đây là đại diện cho 19 dân tộc của tỉnh Hà Giang. Trên con đường này, mỗi một dân tộc sẽ mặc một thổ cẩm khác nhau và có những nhạc cụ âm nhạc riêng. Những vật này thoạt nhìn tưởng như vô hồn, nhưng thực ra, chúng tôi đã thổi vào trong đó “hồn cốt” dân tộc. Chính những cái riêng đó góp phần giới thiệu cho công chúng biết văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú và hãy trân trọng, thêm yêu văn hóa mỗi vùng miền”.

Hòa chung trong đoàn người diễu hành, những chiếc cờ đỏ tung bay của những chàng trai, cô gái trong màu áo xanh thanh niên như điểm tô thêm sắc màu rực rỡ cho Lễ hội đường phố. Qua đó cho thấy, mỗi dân tộc bản địa có một nét văn hóa riêng và khi những nét riêng ấy hòa vào một dòng chảy thống nhất đã tạo nên nét đẹp văn hóa chung của đất nước Việt Nam. Em Nguyễn Thị Lệ Giang, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Hôm nay tham gia Lễ hội đường phố, em cảm thất rất vui, hãnh diện, tự hào vì thấy truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam đa dạng, đặc sắc vô cùng, giúp bản thân biết thêm nhiều điều về văn hóa”.

ADQuảng cáo

Đoàn nghệ nhân Quảng Trị mang theo nhiều dụng cụ, nhạc cụ để biểu diễn trong Lễ hội đường phố

Gắn kết những tâm hồn đồng điệu

21 đoàn tham dự mang những nét đẹp riêng, từ trang phục cho đến đạo cụ, dụng cụ biểu diễn âm nhạc, nhưng đều có một điểm chung là mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa đến với bạn bè, du khách gần xa. Bởi Lễ hội đường phố không đơn thuần là biểu diễn mà còn là một cách giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa thổ cẩm một cách gần gũi nhất, thiết thực nhất. Những cánh tay, những bước chân đung đưa, lắc lư theo điệu nhạc dân tộc với những nụ cười tươi tắn hòa trong những bộ trang phục rực rỡ không chỉ mãn nhãn công chúng mà còn khơi gợi trong mỗi người tình yêu thổ cẩm, tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc.

Ông Cao Văn Dung, ở Gia Nghĩa cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, hoạt động giao lưu đường phố này đã cho thấy sự đoàn kết của các dân tộc anh em và đoàn kết quốc tế. Theo dõi từ đầu cho đến hết hành trình, tôi hiểu thêm về văn hóa, nét đẹp thổ cẩm các dân tộc ở mỗi vùng miền của đất nước. Sống nhiều năm ở Đắk Nông, đây là lần đầu tiên, tôi được tham gia một hoạt động giàu ý nghĩa văn hóa như vậy. Tôi hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình việc giao lưu văn hóa, văn nghệ và tình đoàn kết của các dân tộc”.

Chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết: “Tôi lên Gia Nghĩa từ buổi sáng sớm để tham quan các hoạt động của Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam. Tôi thấy, Lễ hội đường phố thực sự rất thiết thực, văn hóa các dân tộc rất phong phú, màu sắc cũng bắt mắt và các âm thanh của nhạc cụ cũng rất dễ nghe chứ không như tôi tưởng tượng”.

Các đoàn đã mang đến những nét văn hóa đặc sắc riêng để trình diễn nét đẹp thổ cẩm và âm nhạc dân tộc

Theo Ban tổ chức, Lễ hội đường phố không chỉ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc, nhất là trang phục truyền thống mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đúng như tên gọi, “Con đường thổ cẩm” cũng chính là con đường gắn kết những tâm hồn đồng điệu với ước mơ thổ cẩm, những nét đẹp văn hóa dân gian có sức sống bền bỉ trong xã hội đương đại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường thổ cẩm-kết nối những sắc màu văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO