Cho tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang

Mỹ Hằng| 30/04/2019 08:19

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống, các đội cồng chiêng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực hết mình để có thể duy trì nét đẹp văn hóa của dân tộc, cho tiếng chiêng, tiếng cồng mãi ngân vang.

ADQuảng cáo

Gìn giữ cồng chiêng bằng tất cả trái tim

Được thành lập từ năm 2008, đội cồng chiêng bon Bu Pah, xã Trường Xuân (Đắk Song) đến nay đã quy tụ được gần 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi.

Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng với các nghệ nhân trong bon lại cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng, Vì vậy, mỗi khi trong bon có sự kiện gì quan trọng thì tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang. Đặc biệt, đội cồng chiêng bon Bu Pah còn đại diện cho tỉnh đi tham gia trình diễn tại các liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên...

Đội cồng chiêng bon Phai Kon Pruđăng diễn tấu cồng chiêng kết hợp múa sạp tại Hội xuân Liêng Nung 2019 được đánh giá cao về sự sáng tạo

Với lối diễn tấu chuyên nghiệp, đội chiêng đã để lại ấn tượng mạnh trong bạn bè gần xa bởi sự mới lạ trong cách sử dụng tiết tấu cũng như phong cách trình diễn. Điều đáng nói, ngoài những người lớn tuổi, đội cồng chiêng bon Bu Pah còn thu hút nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê văn hóa truyền thống tham gia sinh hoạt. Hiện tại, bon Bu Pah đã thành lập được 2 đội cồng chiêng (một đội già và một đội trẻ) và luôn tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức.

Bạn H'Duyn, thành viên đội chiêng bon Bu Pah cho biết: "Tham gia sinh hoạt tại đội cồng chiêng tôi thấy vui vì được các nghệ nhân chỉ dạy cho nhiều bài chiêng hay, điệu múa đẹp của người M'nông. Qua đó, chúng tôi cũng ý thức được rằng phải gìn giữ cồng chiêng bằng tất cả trái tim của mình, có như thế cồng chiêng mới tồn tại mãi mãi".

Tương tự, đội cồng chiêng bon Phai Kon Pruđăng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng quy tụ được hơn 10 thành viên tham gia sinh hoạt, chủ yếu là các bạn trẻ có chung niềm đam mê với cồng chiêng. Theo anh Y Brinh, đội trưởng đội cồng chiêng thì trên cơ sở yêu thích, đam mê diễn tấu cồng chiêng, vài năm trở lại đây bon đã thành lập đội chiêng. Theo định kỳ, mỗi tháng 2 lần hoặc lúc nào có thời gian rảnh là các thành viên lại tập hợp sinh hoạt, tập luyện, diễn tấu, nhất là khi địa phương tổ chức lễ hội.

Hầu hết các thành viên đội chiêng bon Phai Kon Pruđăng đều trẻ

ADQuảng cáo

Ngoài việc luyện tập, diễn tấu cồng chiêng và các điệu múa xoang truyền thống, các bạn nữ trong đội còn tập các điệu múa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cho hấp dẫn người xem. Vì vậy, mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện gì quan trọng, đội chiêng của bon đại diện đi tham gia. Bạn Y Nhất phấn khởi nói: "Lúc đầu, tôi cũng không biết đâu nhưng được sự chỉ dẫn của các nghệ nhân trong bon và những bạn đi trước nên giờ đây tôi có thể diễn tấu cồng chiêng một cách thành thục, nên vui lắm".

Danh tiếng vang xa

Đội cồng chiêng bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) cũng quy tụ được 15 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt, với nòng cốt là những người am hiểu thuộc nhiều bài chiêng, điệu múa của người M'nông. Sau những buổi lên nương rẫy, đội chiêng lại tập trung ở nhà văn hóa cộng đồng, để chỉ cho nhau cách đeo chiêng, cách đánh chiêng và ôn luyện các bài chiêng cổ. Bên cạnh việc truyền dạy và trình diễn cồng chiêng, một số nghệ nhân còn có biệt tài chỉnh chiêng. Nhờ đó, danh tiếng của đội cồng chiêng ở bon Pi Nao vang xa, nhiều đội cồng chiêng khác trên địa bàn đã đến giao lưu, học hỏi cách đánh chiêng và chỉnh chiêng. Đội chiêng có thể đánh hơn 10 bài chiêng cổ của đồng bào M’nông như Pep Kon Jun, Ching ngăn, Thơt tinh thoa, Têt tơ wer, Speh Dfoor...

Đội cồng chiêng bon Bu Bah tham gia thi diễn tấu cồng chiêng tại Hội xuân Kỷ Hợi 2019

Ngoài ra, bon Pi Nao cũng đã thành lập được một đội cồng chiêng trẻ, một câu lạc bộ múa dân gian và cùng nhau sinh hoạt thường xuyên, hiệu quả. Anh Y Lanh, thành viên đội cồng chiêng cho biết: "Đối với người M'nông, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ truyền thống mà còn là tiếng lòng thành kính của con người với thế giới tâm linh. Vì vậy, các thành viên trong đội đều luôn cố gắng hết mình để có thể gìn giữ "linh hồn" của dân tộc và tham gia một cách đầy đủ".

Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng  

Có thể nói, những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng được duy trì. Một trong những thành công đó là nhờ hoạt động của các đội cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu văn hóa dân tộc, đồng bào đã và đang duy trì nét văn hóa diễn tấu cồng chiêng hết sức đặc sắc.

Đội cồng chiêng bon Pi Nao có thể đánh hơn 10 bài chiêng cổ của người M'nông

Thông qua việc thành lập các đội cồng chiêng, tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa được duy trì, phát huy. Hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập được 79 đội cồng chiêng ở các bon làng và sinh hoạt hiệu quả. Riêng mỗi huyện, thị xã đều thành lập một đội cồng chiêng nòng cốt, thường xuyên đại diện cho địa phương tham gia lễ hội hoặc sự kiện lớn do tỉnh tổ chức. Việc thành lập các đội cồng chiêng ở bon làng là điều kiện cần thiết để tỉnh đẩy mạnh phong trào bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO