"Cánh chim phiêu lãng" - tiếng lòng yêu thương tình đời, tình người

Tô Đình Tuấn| 19/09/2014 10:00

Trong những năm gần đây, trên văn đàn nghệ thuật Đắk Nông, cái tên Trần Lê Châu Hoàng trở nên rất quen thuộc và gần gũi với bạn đọc gần xa.

ADQuảng cáo

Mới đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng đã cho ra mắt tập thơ “Cánh chim phiêu lãng" của anh. Tập thơ "Cánh chim phiêu lãng" là tiếng lòng tràn đầy yêu thương trong trẻo với người với đời.

Tác giả Trần Lê Châu Hoàng là một nhà hoạt động chính trị, lúc mười sáu tuổi, hòa cùng với phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam, anh đã rời bỏ ghế nhà trường để theo cách mạng với ý nghĩ “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Từ đó, trên các nẻo đường, ở các chiến khu và trải qua mưa bom lửa đạn, anh trở thành một thanh niên ưu tú chiến đấu trong đoàn quân giải phóng ở chiến trường miền Nam.

Sau đó, anh được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo cán bộ nguồn để chuẩn bị cho ngày đất nước hòa bình thống nhất. Sau năm 1975, anh trở về miền Nam công tác giữ nhiều chức vụ quan trọng ở TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang và một ban Trung ương Đảng.

Năm 2009, anh được Đảng phân công về Đắk Nông với trọng trách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh. Đắk Nông là vùng đất mà anh và đồng đội đã từng hành quân qua trong chiến tranh, anh chưa có dịp ở lâu nhưng chắc chắn qua thông tin, anh hiểu khá tường tận về kinh tế - xã hội, về văn hóa và lịch sử của vùng đất này. Trở lại Đắk Nông, cảm xúc trong anh đã vỡ òa ra khi trực tiếp với vùng đất, con người, anh tưởng rất gần nhưng cũng thật xa.

Đọc thơ anh, ta thấy được sự cảm nhận tinh tế của tác giả, bằng những câu thơ không mỹ miều, đậm tính chân chất, giản dị, diễn đạt đúng cảnh vật.

Người đọc có cảm giác như tác giả chỉ cần thổi cái hồn của thơ vào các sự kiện, cảnh vật, vùng đất ấy sẽ thành thơ, tinh khôi, phong phú đến bất ngờ.

Nếu “Phố thị hoa vàng” là một khám phá độc đáo về loài hoa trong thiên nhiên ở cao nguyên M’nông trong thơ của tác giả Trần Lê Châu Hoàng, thì cũng chính tác giả làm cho người đọc phải thêm ngỡ ngàng hơn với “Tình ca Đắk Nông”, tiếng lòng yêu thương của tình người tình đời và cũng là một khám phá mới về lịch sử phát triển một vùng đất từ thuở cha ông đi mở cõi, đến ngày nay có hơn 40 dân tộc. Sự hội tụ ấy là tiến trình lịch sử phát triển một cách tự nhiên có cùng cội nguồn trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

“Từ Hoa Lư, tiếng hát cờ lau/Từ Thăng Long đậm phù sa Sông Hồng/Người người đi/Hành phương Nam.../Này Trường Sơn rạng rỡ ai qua/ Này Biển Đông cuộn sóng trào/./Ai về Hà Tiên mến yêu/bao lần luyến lưu bước chân người lữ khách/Ai về Cà mau rừng đước Năm Căn/Ai ghé Cần Thơ gạo trắng nước trong.../.../ Còn ai về...,/Ai về miền Tây núi đôi/Đây Đắk Glong, Đắk Nông, đây nàng tiên nữ dịu hiền”. (Tình ca Đắk Nông).

ADQuảng cáo

Thơ anh đôi lúc còn mang đậm tố chất rất đặc trưng của đất phương Nam phóng khoáng hào hùng, có chút lãng du và chứa chan nghĩa tình. Những vần thơ hào sảng mà tha thiết, tình non nước cứ ám ảnh trong tâm tưởng người đọc tạo ra những cảm xúc vừa hùng tráng, vừa tha thiết như tan vào dòng máu đang cuộn chảy trong trái tim những người Việt đầy lòng tự tôn dân tộc:

“Người đi hành phương Nam/người mang theo nắng theo gió/gặp nhau đây, giữa mênh mang núi đồi.../.../Người muôn phương ơi/Hãy về bên nhau/cùng uống bầu nước trên trời/dạt dào bản tình ca Đắk Nông!”- (Tình ca Đắk Nông).

Trong "Cánh chim phiêu lãng", còn ẩn chứa chiều sâu của vẻ đẹp “Chân- Thiện -Mỹ”, cái tình người sâu lắng với thời gian, dịu êm như dòng suối, thơ anh không thuộc khuôn mẫu, giáo huấn mà là sự trải lòng ra đối với con người, cái tình người, tình đời sâu lắng ấy được in đậm trong “Quảng Đức - Đắk Nông ngày về”. Càng đọc kỹ, ta mới cảm nhận ra từng câu, từng đoạn thơ đầy nghĩa nặng, tình sâu, nhất là tác giả thể hiện sự trân trọng và tri ân với thế hệ kháng chiến trên chiến trường Quảng Đức năm nào.

“Thuở chiến khu tháng năm nào/Canh rau cháo bẹ chiến hào nắng mưa/Rừng sâu nước độc đêm mưa/Đường hành quân vội cơm chưa kịp đùm/Ngày về chín nhớ mười thương/Tóc hoa râm đượm mắt vương tuổi già/Anh em đồng đội đậm đà/Thương thương nhớ nhớ đường xa thuở nào..”- (Quảng Đức - Đắk Nông ngày về).

Những câu thơ chứa chan nghĩa tình, anh dành cho thế hệ đàn anh, đàn chị và trải lòng cho đồng nghiệp cũng hết sức thắm thiết yêu thương.

“Mai về nhớ cụm hoa vàng/Nhớ trời Gia Nghĩa nhớ nàng M’nông/Nhớ con suối nhỏ xanh trong/Vẫn đưa đâu tiếng Ot N’drông cuối đồi…

Ta về người có nhớ không/Áo phong sương đượm bụi hồng nước non/Đường xưa in dấu chân mòn/Người xưa đâu hỡi vẫn còn nợ duyên”... (Bài ca tạm biệt).

Đọc “Cánh chim phiêu lãng” đôi lúc người đọc còn bắt gặp những miên trường thao thức, những băn khoăn day dứt, những suy triết, những chiêm nghiệm được rút ra từ cuộc sống: “Sợi thời gian/tinh khôi, trong trẻo/bạc trắng lúc nào/trên tay/ta vẫn đi/giữa những tháng những ngày/giữa muôn trùng sóng vỗ đời người/.../ta cùng ta/vẫn trên đầu, đất trời lồng lộng/vẫn con đường xưa trái ngọt lành.../hiểu/thế là đời có phải không/..mười năm/thấm đậm/thế là tình có phải không” - (Những nẻo đường mười năm).

Nhiều bài thơ của anh là cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ nhạc, công chúng lại một lần nữa được gặp lại thơ của Trần Lê Châu Hoàng với những cảm xúc mới, ý nghĩa mới. Nhiều bài thơ như “Tình ca Đắk Nông”, “Phố thị hoa vàng”, “Những nẻo đường 10 năm” đã làm nội dung chính cho chương trình nghệ thuật chào mừng 100 năm Phong trào Khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2012), 10 năm thành lập tỉnh Đắk Nông( 2004-2014).

Với anh, thơ văn chưa phải là sự nghiệp nhưng những bài thơ của anh đã góp cho đời một sắc màu tươi lạ, hương vị thơm lành. Đặc biệt đối với nền Văn học Nghệ thuật Đắk Nông “Cánh chim phiêu lãng” như là một nhịp chiêng ngân vang qua các núi đồi của Tây Nguyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cánh chim phiêu lãng" - tiếng lòng yêu thương tình đời, tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO