Bến nước- bến bờ văn hóa

Mỹ Hằng| 06/02/2018 09:44

Đối với đồng bào các dân tộc bản địa riêng ở Đắk Nông và Tây Nguyên nói chung, bến nước có vai trò rất quan trọng, ngoài việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, là “bến bờ văn hóa” để tìm về với nguồn cội.

ADQuảng cáo

Cuộc sống đồng bào các dân tộc bản địa luôn gắn liền với bến nước

Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, đồng bào cho rằng, mỗi con sông, con suối, ngọn thác đều có một vị thần trú ngụ và cai quản. Vì vậy, ngày xưa mỗi khi chọn đất lập làng mới, đồng bào thường chọn ngay cạnh nguồn nước để làm nơi định cư cho cộng đồng. Bến nước không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, sản vật dưới nước mà còn là nơi đi về của bà con sau một ngày làm việc vất vả.

Ngay khi đứa trẻ vừa mới chào đời đã được các bà, các mẹ mang đi tắm ở bến nước cho sạch sẽ và trôi đi bớt uế tạp. Lớn lên, công việc thường ngày của các thiếu nữ vào sáng sớm là xuống bến lấy nước, rồi sau đó mới về giã gạo nấu cơm, phục vụ bữa sáng cho gia đình. Còn các chàng trai thì lên nương rẫy vào sáng sớm và kết thúc ngày làm việc là trở về bến nước để tắm rửa, trao đổi chuyện đời sống, sản xuất…

Bến nước có vai trò quan trọng với đời sống nên tất cả mọi người trong bon làng đều có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước, bảo vệ cây cối xung quanh và điều này thể hiện rất rõ trong hệ thống luật tục của đồng bào. Để bảo vệ nguồn nước chung, mỗi bon đều cử ra một già làng có uy tín quản lý bến nước, nếu ai vi phạm và làm mất vệ sinh nguồn nước thì bị xử phạt theo đúng luật tục đã quy định.

ADQuảng cáo

Ngày xưa, hàng năm, vào đầu hoặc sau mùa xuân, khi thóc đầy bồ, bắp đầy kho, đồng bào các bon làng lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng bến nước để tạ ơn “Thần nước” đã đem lại cho dân làng những may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mong cho mọi người trong bon làng có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn, cộng đồng đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Tùy theo quy mô, sự đóng góp và đặc thù riêng của từng dân tộc mà Lễ cúng bến nước được làm lớn hay nhỏ. Nếu như trong lễ cúng của đồng bào Mạ, lễ vật là 1 con dê, 1 con gà, nải chuối, ché rượu cần thì đồng bào Ê đê là một con heo trắng, ché rượu cần, bầu nước và cơm trắng…

Trước ngày lễ diễn ra, già làng chọn ngày lành để huy động mọi người dọn vệ sinh xung quanh khu vực bến nước và dựng các máng nước làm lễ cúng. Các nam thanh niên khỏe mạnh, tháo vát thì vào rừng chặt tre, lồ ô về dựng cột nêu để kết nối giữa con người với các vị thần linh. Vì mang sứ mệnh đặc biệt, nên cây nêu được trang trí công phu như một tác phẩm nghệ thuật. Thân cây nêu được khắc những hoa văn, họa tiết và tô màu hài hòa, sinh động, đẹp mắt.

Đặc biệt, nước dùng để chêm, ủ rượu cúng phải lấy từ bến nước của bon làng. Sau phần khấn tế của chủ lễ, bà con thường lấy bầu, ống tre xuống bến lấy nước về dùng. Ngày nay, sau nghi lễ truyền thống, bà con tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau đánh cồng chiêng, múa hát và mở tiệc khai hội.

Có thể thấy, bến nước là chốn đi - về của đồng bào các dân tộc bản địa trong cuộc sống thường nhật và các lễ cúng bến nước không đơn thuần là tín ngưỡng mà còn có ý nghĩa tích cực trong việc giúp người dân nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống thường ngày để giữ gìn, bảo vệ.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều gia đình đã xây dựng được giếng khoan, sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, nhưng tập quán lấy nước từ bến nước vẫn được người dân duy trì, gìn giữ. Xung quanh bến nước luôn có hệ thống cây rừng giữ nước và được coi như rừng thiêng của bon làng. Chính vì vậy, việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước vẫn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc được gìn giữ cho tới ngày nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến nước- bến bờ văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO