Bài hát “Diệt phát xít” vang mãi cùng thời gian

T.H (st và gt)| 09/05/2014 13:34

LTS: Ngày 7/9/1945, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) phát sóng chương trình đầu tiên, với nhạc hiệu là bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi - một nhà văn hóa cách mạng nhiều tài hoa về văn, thơ, họa, nhạc, kịch… Đã 69 năm, bản nhạc này vẫn được lấy làm nhạc hiệu của Đài và mỗi khi được thưởng thức, hầu hết người nghe đều cảm thấy xao xuyến, xúc động, phấn chấn… Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng phát xít, Báo Đắk Nông xin giới thiệu một số tư liệu do các nhạc sĩ Dân Huyền, Phan Thanh Nam viết về bài hát bất hủ này.

ADQuảng cáo

Sự ra đời của bài hát

Nhạc sĩ Dân Huyền đã làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, có nhiều dịp gặp và ghi lại lời kể của Nguyễn Đình Thi về sự ra đời của bài hát “Diệt phát xít” như sau:

“Vào đầu năm 1945, đời sống của Hà Nội rất thê thảm. Cả nội, ngoại thành người chết đói la liệt. Tôi (Nguyễn Đình Thi) chưa nhìn thấy cảnh đó bao giờ. Chúng tôi chưa đến nỗi chết, nhưng cũng đói vàng mắt, mềm người. Hồi đó tôi và một số anh em hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc nhận được chỉ thị của Trung ương là “Nhật Pháp bắn nhau hành động của chúng ta”. Chỉ thị đó như lời kêu gọi, thúc giục. Truyền đơn của Việt Minh và các tờ báo như Cờ Giải phóng, Cứu quốc được truyền tay nhau đọc. Phong trào cướp kho thóc, phá nhà giam, cướp vũ khí của địch từ ngoại thành và các vùng phụ cận dội đến.

Tin về khu giải phóng Việt Bắc, tin về quân đội Liên Xô đánh quân phát xít ở châu Âu thua tơi bời, đang dồn vào tận hang ổ của chúng. Chúng tôi thấy rõ bọn phát xít sắp bị tiêu diệt. Ở ta thì quân phiệt Nhật sắp ngã gục. Thời cơ nổi dậy của các dân tộc đang đến. Diệt phát xít ra đời trong không khí như vậy. Hai chữ phát xít hầu như ai cũng nghĩ đến, cũng nói đến. Anh Văn Cao, anh Đỗ Nhuận là hai bạn học và cùng hoạt động ở Hải Phòng, khi đó cùng tham gia viết và in báo Độc Lập. Một hôm chúng tôi bàn nhau mỗi người viết một bài hát cách mạng để đáp ứng yêu cầu của phong trào. Ít hôm sau chúng tôi đã có Tiến quân ca của Văn Cao, Du kích ca của Đỗ Nhuận... Lúc đó, ở trong Nam, anh Lưu Hữu Phước vừa viết xong Lên đàng. Riêng tôi hơi vất vả mới hoàn thành xong Diệt phát xít. Bài hát của tôi không in trên báo Độc Lập như hai bài của Văn Cao và Đỗ Nhuận. Tôi chỉ chép tay mấy bản đưa cho các bạn trẻ cùng tập. Có lẽ do nội dung bài hát là lời kêu gọi khởi nghĩa, phù hợp với chương trình hành động của Việt Minh, nên được nhiều người hát trong các cuộc sinh hoạt".

Lần công diễn đầu tiên

Nhạc sĩ Phan Thanh Nam tham gia cách mạng từ năm 1945 kể về lần công diễn đầu tiên của bài hát này trong một sự kiện lịch sử đặc biệt.

Theo đó, vào ngày 17/8/1945, một cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Minh của Tổng hội Viên chức được tổ chức ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên phấp phới ở tầng ba của nhà hát, trước đông đảo quần chúng tụ tập, bài Tiến quân ca vang lên. Tiếp đó, một thanh niên hoạt động trong một tổ chức bí mật ở nội thành nhảy lên bục hát bài Diệt phát xít trước loa phóng thanh. Đây là lần đầu tiên được chính thức trình bày trước quảng đại quần chúng, nhưng nhạc và lời của bài hát như có sức lôi cuốn hàng vạn người tiến lên giành chính quyền.

Cũng theo các nhạc sĩ Dân Huyền, Phan Thanh Nam thì sau ngày 2/9/1945, dàn nhạc kèn đồng do nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy đã cử hành bài hát này mở đầu cho Tuần lễ vàng vào ngày 4/9/1945. Khi thành lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, ông Trần Lâm, Giám đốc Đài lúc bấy giờ đã chọn bài này làm nhạc hiệu cho Đài.

ADQuảng cáo

Vang mãi cùng thời gian

Phân tích về nhạc lý và ca từ của bài hát này, Nhạc sĩ Phan Thanh Nam khẳng định ngay từ đoạn đầu, bài hát đã bao hàm đầy đủ hai tính chất hành khúc và trữ tình. Chất hành khúc kêu gọi dõng dạc như tiếng kèn đồng thúc giục “Việt Nam”; tiếp ngay sau đó là nét trữ tình da diết và bi tráng được lồng trong một tiết tấu có nhiều động lực “bao năm ròng rên xiết lầm than”. Nét nhạc trữ tình này được nhắc lại nhiều lần và mỗi lần lại được mở rộng ý theo từng cấp độ phát triển.

Đã đến ngày trả mối thù chung
. . .
Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao
...
Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm

Cảm xúc yêu thương và da diết pha lẫn xót xa và căm giận vì đất nước bị giày xéo càng được nhấn mạnh. Sau mỗi lần trình bày xong một ý nhạc, để kết thúc, tiếng hát lại vút trào lên như khẳng định một sự thúc bách phải tiến lên hành động:

Đồng bào tuốt gươm vùng lên
...
Giành lại áo cơm tự do...

Trong chất hào hùng có cả chất bi tráng và cùng với tính khái quát cao, lại có những nét cụ thể phác họa qua lời ca về chính sách tàn bạo của bọn phát xít như: cướp thóc lúa, cướp đời sống, nhà tù, trại giam, nhục hình... Vì thế, càng căm thù lại càng phải đứng lên để “diệt phát xít, giết bầy chó đê hèn...”. Tác giả mắng thẳng vào mặt kẻ thù, nhưng khi hát lên, người ta cảm thấy lòng hả dạ, chứ không hề thấy sống sượng.
Ở đoạn kết, hai tiếng “Việt Nam” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần biểu thị được tình cảm của tác giả, của mọi người dân đối với Tổ quốc thật tự hào, phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng:

Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam
Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm
Việt Nam, Việt Nam muôn năm

Có lẽ vì thế mà bài hát này cứ vang mãi cùng thời gian.

Lời bài hát “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi

Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than

Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang

Loài phát-xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân mình

Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình.

Đồng bào tuốt gươm vùng lên

Đã đến ngày trả mối thù chung

Diệt phát-xít giết bầy chó đê hèn của chúng

Tiến lên nền dân chủ cộng hòa

Đồng bào tuốt gươm vùng lên

Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao

Mau mau mau vai kề vai không phân già trẻ trai hay gái

Tuốt kiếm lên, ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thù.

Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam

Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm

Việt Nam, Việt Nam muôn năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài hát “Diệt phát xít” vang mãi cùng thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO