“Ba Đình nắng”- Một tư liệu lịch sử bằng âm nhạc

T.B (t.h)| 01/09/2015 14:17

Những ai có dịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên bối cảnh Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 hôm ấy. Một biển người và cờ đỏ sao vàng đứng chật quảng trường, rừng cờ tung bay phấp phới trước gió mùa thu. Biển người rạng rỡ hân hoan, náo nức hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra đất nước.

ADQuảng cáo

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với sự tham gia của hơn 30.000 người sẽ bắt đầu vào 7 giờ sáng 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Sự kiện lịch sử này đã được tái hiện trong văn, thơ, hội họa, phim tài liệu, nhưng trong âm nhạc thì đó là bài hát Ba Đình nắng của 2 tác giả: nhà thơ Vũ Hoàng Địch và nhạc sĩ Bùi Công Kỳ.

Sinh thời, có lần Bùi Công Kỳ kể về sự ra đời của bài hát: “Chứng kiến không khí ngày hôm đó – 2/9/1945 - tôi không kìm nén được xúc động. Ai mà không sống trong ngày ấy thì khó có thể hiểu được tâm trạng của tôi cũng như bao người dân Việt. Tôi tự nhủ mình phải viết một bài hát về sự kiện lớn lao này.

Người nghe đã rất ấn tượng và bị cuốn hút mạnh ở ngay 2 câu mở đầu bài hát trong đó tiết nhạc đầu tiên là một tiếng reo vui đồng thời biểu hiện hình tượng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc đang phấp phới bay trên kỳ đài: “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào”.

Cách mạng Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam luôn gắn liền với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra vào ngày 2/9/1945 cũng gắn liền với hình ảnh của Người. Bởi vậy, các tác giả bài hát đã viết về Người thật sinh động.

Bài hát này không nằm trong số những bài hát viết về Bác Hồ, nhưng hình ảnh Người hiện ra sinh động, thiêng liêng không khác những bài hát hay nhất nói đến Người trong kho tàng ca khúc Cách mạng Việt Nam.

ADQuảng cáo

Đó là một đoạn nhạc được nhạc sĩ thay đổi tiết tấu, từ dàn trải trước đó, thành nhanh hơn, vui hoạt, náo nhiệt, diễn tả cảm xúc, tâm trạng của quốc dân đồng bào khi nhìn thấy Bác trên kỳ đài: “Hoan hô! Ta đón cha về, đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập. A ha! Có tiếng người reo. Sao vàng vừa mọc. Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công”.

Ai có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đều nhớ mãi một câu nói của Hồ Chủ tịch – câu nói bình dị mà vô cùng thân thương, làm ấm áp cõi lòng muôn dân. Trước khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người hỏi mọi người: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Số là Bác quê ở Nghệ An, Người sợ bà con ở Hà Nội không quen nghe giọng xứ Nghệ, sẽ không rõ. Và ngay sau đó là hai tiếng “Có ạ!” vang lên dưới quảng trường như sấm dậy. Chi tiết ấy đã được Vũ Hoàng Địch đưa vào bài thơ và Bùi Công Kỳ phổ thành câu hát rất mềm mại, hát mà như nói, thủ thỉ ân tình: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.

Ba Đình nắng chỉ có một đoạn nói về Bác, nhưng hình ảnh Người hiện ra rất đậm nét, đã làm nên giá trị của ca khúc lịch sử này: “Bộ ka ki đã bạc với gió sương. Người hiện thân sức mạnh của hòa bình. Nắng Ba Đình đây tia sáng anh linh. Còn ghi lại trên cỏ hoa đang nở. Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ. Tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô”.

Trong kho tàng ca khúc Cách mạng Việt Nam, Ba Đình nắng có giá trị lịch sử đặc biệt. Ca khúc này như một hồi ký về sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Giá trị của tác phẩm ở những chi tiết sinh động, chân thực, ở tính hoành tráng, mang tính chất sử thi anh hùng ca. Giai điệu ca khúc mới mẻ, hiện đại.

Tuy nhiên, bài hát không dễ thể hiện. Trong những người từng hát bài này, nghệ sĩ Trần Khánh là thành công nhất. Giọng ông âm vang, ấm áp, hào sảng, có âm vực rất rộng (tới 2 quãng 8), xuống trầm vẫn rõ lời, lên cao vẫn sáng, không gắt, chói. Trần Khánh đã qua đời nhưng những ca khúc do ông hát vẫn sống mãi trong trái tim nhiều thế hệ công chúng, trong đó người ta không thể quên Ba Đình nắng.

Bùi Công Kỳ sinh ngày 19/11/1919 tại Nam Định, mất năm 1985, hưởng thọ 66 tuổi. Trước Cách Mạng tháng Tám, ông sáng tác bài hát đầu tay: Hồn Việt Nam. Từ năm 1946, ông làm công tác văn hóa ở Ty Thông tin Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1949, lúc 30 tuổi và làm Trưởng Đoàn văn công Sư đoàn 316, rồi sau đó chuyển sang Trưởng Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần. Sau hòa bình lập lại (1954), Bùi Công Kỳ chuyển ngành về làm chuyên viên rồi Trưởng Ban văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1972, chuyển sang làm Trưởng Ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam.

Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ và Võ Hoàng Địch đã sống mãi với thời gian như một chứng tích lịch sử bằng âm thanh, mãi mãi còn in đậm trong tâm khảm bao người

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ba Đình nắng”- Một tư liệu lịch sử bằng âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO