Áo dài luôn gắn với hình ảnh cao đẹp, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại!

Ngô Đồng thực hiện| 06/03/2020 09:12

Chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông đã tổ chức phát động hưởng ứng chuỗi sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông xung quanh sự kiện này.

ADQuảng cáo

Bà Hà Thị Hạnh

Phóng viên: Xin bà hãy cho biết sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” có mục đích, ý nghĩa như thế nào?

Bà Hà Thị Hạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã anh dũng chống ngoại xâm để trường tồn và bảo vệ những giá trị truyền thống về văn hóa dân tộc. Chiếc áo dài là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc, ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc còn ẩn chứa ý nghĩa về “đạo làm người” của tiền nhân. Chiếc áo dài còn là thành quả biểu hiện của bản sắc và tinh thần Việt Nam.
Ở Việt Nam, áo dài đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng như những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng, khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó. Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Có thể nói, áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới. Không chỉ xuất hiện trong các cuộc thi trang phục dân tộc, các cuộc thi hoa hậu…, áo dài Việt Nam đã xuất hiện trên khắp thế giới. Trong những sự kiện quốc tế diễn ra tại Việt Nam, áo dài luôn được chọn làm bộ trang phục cho các nguyên thủ quốc gia. Hoa hậu Trái đất đến từ các nước đã bị hấp dẫn bởi trang phục dân tộc đặc sắc này…

Vì vậy, năm 2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi hoạt động trong sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” với mục đích gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tôn vinh vị thế, giá trị của áo dài trong đời sống xã hội. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam trong mỗi phụ nữ, người dân, hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Chị em tha thướt trong tà áo dài

Phóng viên: Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã triển khai sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” này như thế nào và “Tuần lễ thời trang áo dài” ra sao?

Bà Hà Thị Hạnh: Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã triển khai các văn bản đến các đơn vị trực thuộc về việc tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công chức, hội viên, phụ nữ đồng loạt mặc áo dài hưởng ứng “Tuần lễ thời trang áo dài” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

ADQuảng cáo

Cụ thể, các cấp hội triển khai đến 100% cán bộ hội chuyên trách thực hiện và phối hợp với ban nữ công liên đoàn lao động cùng cấp vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức mặc áo dài vào ngày thứ 3, thứ 4 hằng tuần, bắt đầu từ tháng 2/2020.

Riêng trong tháng 3, các đơn vị vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “Tuần lễ thời trang áo dài” từ ngày 2/3 đến 8/3 nhằm chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Bên cạnh đó, hưởng ứng sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam”, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam, vẻ đẹp văn hóa, con người đến cán bộ, công chức, hội viên, phụ nữ và người dân. Hội LHPN tỉnh tổ chức Đêm giao lưu “Gìn giữ, tôn vinh Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” tại huyện Cư Jút, với các nội dung: Giao lưu văn nghệ quần chúng; trao đổi-chia sẻ về áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam; trình diễn trang phục áo dài…

Hội LHPN tỉnh cũng khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hội các cấp mặc trang phục áo dài trong các cuộc hội nghị, họp mặt, hội thi… do cơ quan, đơn vị tổ chức.

Đến thời điểm này, các cấp hội đã phát động đến toàn thể nữ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và học sinh các trường THPT trên địa bàn mặc áo dài để hưởng ứng sự kiện đặc biệt này. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố triển khai đến toàn thể cán bộ, hội viên mặc áo dài trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình, xã hội.

Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các phương tiện thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động tôn vinh áo dài, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, hội viên, phụ nữ, khẳng định giá trị trường tồn, nét đẹp áo dài Việt Nam.

Phóng viên: Vai trò của các cấp hội và hội viên, phụ nữ trong việc gìn giữ áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian tới như thế nào,  thưa bà?

Bà Hà Thị Hạnh: Dù thời gian có thay đổi như thế nào chăng nữa, chiếc áo dài luôn thể hiện truyền thống văn hóa của người Việt, chứ không đơn thuần chỉ mục đích làm đẹp. Vì vậy, các cấp hội, hội viên, phụ nữ cần có trách nhiệm trong việc gìn giữ áo dài-trang phục truyền thống cũng như cốt cách của người phụ nữ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung để mãi lưu truyền nét đẹp truyền thống Việt Nam cho thế hệ tương lai.

Một điều nữa, khi khoác lên mình trang phục áo dài, chị em cần ý thức được giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của chiếc áo dài, chủ động mặc áo dài nhiều hơn trong các buổi sinh hoạt, cũng như các sự kiện quan trọng. Qua đó, chị em góp phần quảng bá vẻ đẹp của áo dài, văn hóa Việt Nam đến với tất cả mọi người và bạn bè quốc tế… để áo dài luôn gắn với hình ảnh cao đẹp, dịu dàng của người phụ nữ Việt qua mọi thời đại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áo dài luôn gắn với hình ảnh cao đẹp, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO