Xung quanh việc giải quyết khiếu kiện đất của ông Bùi Sỹ Hiên và Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Hà An| 25/07/2016 10:40

Năm 2009, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội được Sở Y tế (Chủ đầu tư) bàn giao công trình trụ sở làm việc tại tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) để đưa vào sử dụng. Việc bàn giao tài sản nhà nước được tiến hành theo đúng văn bản thỏa thuận về vị trí cũng như kết cấu, quy mô công trình.

ADQuảng cáo

Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội đang tháo gỡ dãy ki ốt xây dựng trái phép

Tuy nhiên, sau khi Ban quản lý Dự án thị xã Gia Nghĩa đầu tư xây dựng đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đường Võ Văn Kiệt) thì vị trí của trụ sở Trung tâm không bảo đảm theo đúng thỏa thuận ban đầu là tiếp giáp với đường Võ Văn Kiệt. Cụ thể là từ vị trí ranh giới đất của Trung tâm đến mặt đường còn một số diện tích đất đắp mái ta luy âm và mốc lộ giới thuộc hộ dân chưa được đền bù.

Đến năm 2012, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội đã tiến hành xây hàng rào bao sát vỉa hè đường Võ Văn Kiệt và xây dựng một dãy ki ốt dọc đường đối diện cổng chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Năm 2013, ông Bùi Sỹ Hiên, trú tại thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chủ diện tích đất nằm giữa trụ sở Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội và đường Võ Văn Kiệt đã có đơn gửi các cấp, ngành khiếu kiện về việc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội lấn chiếm trái phép đất của gia đình ông và yêu cầu cơ quan chức năng trả lại phần đất khoảng 270 m² này.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, UBND thị xã đã tiến hành đo đạc, xác minh thực địa và kết luận diện tích đất mà ông Hiên khiếu nại thuộc quy hoạch hành lang đường Võ Văn Kiệt nhưng do chưa có kinh phí đền bù nên vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Hiên và đề nghị Trung tâm trả lại đất nguyên trạng cho ông Hiên.  

Liên quan đến vấn đề này, đã có rất nhiều cuộc họp kèm theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa dứt dạc. Đơn cử như sau khi có kiến nghị của UBND thị xã, UBND tỉnh cũng đã có cuộc họp và ban hành văn bản đề nghị Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội dỡ bỏ dãy ki ốt, hàng rào, trả lại nguyên trạng đất.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên sau đó, Sở Y tế đã có nhiều văn bản kiến nghị về việc xin giữ lại hàng rào, chỉ phá bỏ dãy ki ốt để bảo đảm an toàn cho khu vực trung tâm cũng như người dân. Đến ngày 30/3/2016, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 1230/UBND-CNXD về việc xử lý phần đất nằm giữa tuyến đường Võ Văn Kiệt và Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh.

Văn bản này đã nêu rõ: Yêu cầu Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh rút kinh nghiệm về việc quản lý, sử dụng đất không đúng với ranh giới của trụ sở, gây khiếu kiện kéo dài với người dân; tháo dỡ toàn bộ hệ thống dầm móng cột còn lại của khu ki ốt nằm trên mái ta luy và phần tường rào bao quanh khu đất chưa giải phóng mặt bằng, khôi phục nguyên trạng mái ta luy nêu trên.

Về phía thị xã Gia Nghĩa, UBND tỉnh yêu cầu thu hồi toàn bộ phần đất nằm giữa 2 dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ cho kết cấu đường theo đúng quy định; đồng thời tính toán, xây dựng hệ thống an toàn cho người đi đường và có trách nhiệm bảo đảm mỹ quan cho khu vực này. Kinh phí thực hiện các công việc nêu trên lấy từ ngân sách của UBND thị xã Gia Nghĩa.

Như vậy, sự việc đã khá rõ ràng và hợp lý khi mà người dân có đất cũng được đền bù, nhà nước thu hồi đất để quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn hành lang đường. Thế nhưng, ngày 16/6/2016, UBND thị xã Gia Nghĩa lại có Văn bản số 182/BC-UBND nêu rõ chưa có kinh phí để thực hiện bồi thường theo chỉ đạo của tỉnh.

Mặt khác, khu đất trên chưa có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 nên chưa tiến hành thu hồi phần đất nằm giữa 2 dự án này và yêu cầu Trung tâm phá dỡ hàng rào, trả lại nguyên trạng đất. Lãnh đạo Sở Y tế thì cho rằng với độ sâu khoảng 6 m từ mặt đường xuống chân mái ta luy, nếu dỡ bỏ hàng rào mà chưa có kinh phí xây dựng lại hệ thống bảo đảm an toàn là rất nguy hiểm cho người đi đường cũng như vệ sinh, an toàn cho hoạt động của chính Trung tâm.

Một sự việc đã quá rõ ràng và được UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo nhưng không hiểu sao hiện vẫn còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” dẫn đến khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng tới lợi ích của người dân và hoạt động chuyên môn của Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc giải quyết khiếu kiện đất của ông Bùi Sỹ Hiên và Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO