Phá rừng tinh vi, có tổ chức

Hưng Nguyên| 03/10/2019 09:15

Đầu độc rừng thông đã xảy ra nhiều ở Đắk Nông trong suốt những năm qua, nhưng với quy mô lớn như các vụ việc xảy ra vào giữa tháng 9 vừa qua thì hầu như chưa có tiền lệ.

ADQuảng cáo

Vụ đầu độc gần 6 ha rừng thông với 630 cây thông tại các tiểu khu 1697 và 1686 dọc tuyến quốc lộ 28, đoạn qua xã Đắk  Ha (Đắk Glong) và gần 400 cây thông rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 tại khoảnh 8, tiểu khu 1699, thuộc thôn Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) đang cho thấy tình trạng phá rừng chiếm đất ngày càng tinh vi, liều lĩnh và có tổ chức.

Những cánh rừng thông được trồng từ những năm 1983 có đường kính từ 18 - 35 cm, có nhiều cây có đường kính lên đến 60-70 cm với chiều cao từ 9-12m đã bị đầu độc. Các cây thông đã và đang chết khô nhưng không bị triệt hạ để lấy gỗ cho thấy mục đích chính của việc hạ độc này là nhằm lấn chiếm đất rừng.

Dấu vết cây thông bị đầu độc tại tiểu khu 1699, thuộc thôn Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song)

Thủ đoạn của các đối tượng hạ độc rừng thông cũng hết sức tinh vi. Các đối tượng này dùng khoan di động tạo các lỗ nhỏ trên thân cây rồi đổ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vào để cây chết từ từ, đến khi cây chuyển lá màu xanh sang héo úa, cơ quan chức năng mới phát hiện và không xác định được thủ phạm.

ADQuảng cáo

Đa số các vụ đầu độc thông rừng đều xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa vườn sản xuất của người dân và đất rừng. Diện tích rừng bị phá có địa thế đẹp, nằm dọc các tuyến đường thị trường bất động sản đang phát triển mạnh. Ngoài phá rừng thông, các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng nhận định đều nhằm mục đích chiếm đất sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh phát hiện gần 340 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 97 ha rừng. Các vụ phá rừng tập trung chủ yếu tại các huyện như Đắk Glong xảy ra 230 vụ, thiệt hại hơn 72 ha rừng, Đắk Song xảy ra 87 vụ, thiệt hại 19,3 ha… Qua số liệu cho thấy tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đầu tháng 8/2019, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Văn bản nêu: Trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 265 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 66 ha rừng các loại. So với cả nước, tỉnh Đắk Nông nằm trong danh sách các tỉnh để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều nhất.

Tại các cuộc họp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ ra mục tiêu phá rừng hiện nay chủ yếu là để lấy đất sản xuất và yêu cầu các cơ quan chức năng cần triệt tiêu mục đích này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá rừng tinh vi, có tổ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO