Đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

Lê Phước| 11/10/2017 10:43

Những phiên chợ hàng Việt về miền núi được tổ chức tại các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua là cơ hội để người dân trong tỉnh tham quan, mua sắm những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt có chất lượng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt được tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước xây dựng mạng lưới thị trường.

ADQuảng cáo

Người dân tham quan, mua sắm những sản phẩm hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Chư Jút.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Bất chấp những cơn mưa dai dẳng, kéo dài, nhiều người dân từ các xã vùng sâu của huyện Tuy Đức vẫn nườm nượp đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Tuy Đức, diễn ra từ ngày 16 - 21/9 tại xã Đắk Búk So. Tham quan nhiều gian hàng tại phiên chợ nhưng chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) dừng chân lâu nhất ở gian hàng bày bán các sản phẩm đồ gia dụng. Theo chị Oanh, những sản phẩm xoong nồi, bát đũa... trong “siêu thị mini” này rất đa dạng, đẹp và giá rẻ hơn so với các tiệm kinh doanh trên địa bàn huyện. Lâu lắm phiên chợ mới được tổ chức tại huyện nên dù thời tiết xấu nhưng chị vẫn bỏ một ngày lên rẫy để cùng con gái vượt mười mấy cây số ra trung tâm huyện tham quan, mua sắm một loạt đồ mới cho gia đình. Cũng như chị Oanh, nhiều người dân ở các xã trên địa bàn Tuy Đức xem hội chợ là dịp để tham quan, thỏa sức lựa chọn các mặt hàng thiết yếu.

Còn tại phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Chư Jút, diễn ra từ ngày 30/9 - 5/10 lại sôi động ở những gian hàng quần áo và giày dép. Gần 30 phút quanh quẩn bên gian hàng giày dép, anh Võ Đức Cường (xã Tâm Thắng) tỏ ra bối rối trước “ma trận” sản phẩm trong gian hàng. Thử đôi nào cũng thấy ưng ý, cuối cùng anh Cường đã quyết định chọn 1 đôi giày và 2 đôi dép da với kiểu dáng ấn tượng. Anh Cường đánh giá: “Giày dép Việt Nam mình là đa dạng thật, mẫu mã đẹp mà giá cả lại phải chăng. So với giày dép bày bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn thì rẻ và đẹp hơn nhiều”.

Cũng tại phiên chợ tại huyện Chư Jút, gia đình chị Nguyễn Thị Yến Thùy (thị trấn Ea T’ling, Chư Jút) thì dành thời gian đi từng gian hàng quần áo để xem mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Theo chị Thùy, quần áo trong gian hàng này tuy không thật đẹp, không thật thời trang nhưng chất vải khá tốt và giá cả phải chăng. Những gia đình bình dân có thể thoải mái lựa chọn cho nhiều thành viên trong gia đình chỉ với số tiền khoảng 1 - 2 triệu đồng. Điều đặc biệt là người tiêu dùng vừa mua được những sản phẩm chất lượng, vừa ủng hộ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước.

ADQuảng cáo

Từ ngày 8/9 đến 5/10/2017, Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) đã phối hợp với UBND các huyện Ðắk Mil, Tuy Ðức, Ðắk Song và Chư Jút tổ chức thành công 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại các địa phương. Các phiên chợ thu hút hơn 70 gian hàng của hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.

Doanh nghiệp có cơ hội quảng bá hình ảnh

Lần lượt đưa hàng đến cả 4 phiên chợ hàng Việt về miền núi tại tỉnh Đắk Nông năm nay, anh Nguyễn Trần Lâm, chủ một gian hàng kinh doanh quần áo cho biết: “Mặc dù các phiên chợ được tổ chức đúng vào dịp mưa nhiều nhưng các gian hàng vẫn rất nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm. Đi rất nhiều tỉnh thành nhưng chúng tôi rất ấn tượng với những khách hàng là đồng bào các dân tộc của tỉnh Đắk Nông. Người dân nơi đây rất thích những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, đặc biệt là quần áo, giày dép… và mua rất nhiều. Chúng tôi rất phấn khởi vì vừa bán được hàng, vừa quảng bá được thương hiệu sản phẩm. Hy vọng thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về miền núi tại tỉnh nhà”.

Tham gia các phiên chợ hàng Việt về miền núi từ năm 2009, chị Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng kinh doanh trà túi lọc của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan gần như có “thâm niên” cao nhất trong các gian hàng tham gia phiên chợ. Theo chị Thu, trong suốt 8 năm qua, năm nào công ty cũng tham gia các phiên chợ hàng Việt về miền núi, về nông thôn tại các tỉnh, thành. Mục đích của công ty khi tham gia các phiên chợ là tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ… góp phần phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân các địa phương. Chị Thu cũng mong các phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên hơn và tổ chức ở những địa bàn đa dạng hơn để doanh nghiệp có cơ hội quảng cáo sản phẩm của mình.

Khách hàng tham quan, lựa chọn giày dép tại phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Chư Jút.

Theo ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) thì phiên chợ hàng Việt về miền núi là một hoạt động thường niên được ngành Công thương tổ chức từ năm 2009 nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Đến thời điểm hiện tại, cả 4 phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2017 đều đã được tổ chức thành công, thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. “Với mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, hàng Việt đã được người dân các địa phương trong tỉnh ưa chuộng. Thành công của việc tổ chức các phiên chợ này không phải chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng như mong đợi mà quan trọng hơn là dần chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng hóa sản xuất trong nước với những hàng hóa được bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường”, ông Tòng chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO