Sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế: Bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, ổn định

Nguyễn Lương| 15/06/2018 10:11

Thực hiện Quyết định 520/QĐ-BTC (QĐ 520) của Bộ Tài chính về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục thuế khu vực, hiện ngành Thuế Đắk Nông đã chủ động triển khai, phấn đấu trong quý III/2018 sẽ sáp nhập chi cục thuế khu vực đầu tiên.

ADQuảng cáo

Theo Cục Thuế tỉnh, thực hiện Quyết định 520, ngành Thuế tỉnh đã, đang hoàn thiện Đề án thành lập các chi cục thuế khu vực. Theo đó, từ 1/7/2018, đơn vị sẽ thực hiện sáp nhập Chi cục Thuế Gia Nghĩa và Đắk Glong; năm 2019 sáp nhập hai chi cục thuế Đắk R’lấp và Chi cục thuế Tuy Đức; năm 2020 sáp nhập Chi cục thuế Đắk Song và Chi cục Thuế Đắk Mil và tiếp đến là sáp nhập Chi cục thuế Chư Jút và Chi cục Thuế Krông Nô. Sau khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 4 Chi cục thuế khu vực.

Theo ông Trần Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, hiện tại, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo triển khai sáp nhập chi cục thuế khu vực, cũng như xây dựng đề án về địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, tổ chức đảng và các đoàn thể báo cáo Tổng cục Thuế và cấp có thẩm quyền để trình Bộ Tài chính phê duyệt. Cùng với việc triển khai xây dựng đề án, đơn vị đã tổ chức quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức trong toàn ngành chấp hành tốt chủ trương về sắp xếp, sáp nhập nhưng đồng thời vẫn phải thực hiện tốt công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, nhằm thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế được toàn ngành quán triệt sát sao, chặt chẽ với tiêu chí phải bảo đảm ổn định hoạt động của bộ máy, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao.

Bước đầu sau khi sáp nhập thành Chi cục thuế Khu vực địa bàn rộng nên khó khăn cho cán bộ thuế trong quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể.

Thực tế, theo ông Long, bước đầu sau khi sáp nhập sẽ có một số khó khăn nhất định cho ngành Thuế, cũng như người nộp thuế. Về cơ quan thuế, công tác sắp xếp cán bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc bố trí cán bộ lãnh đạo. Cùng với đó, sau khi sáp nhập, chi cục thuế khu vực sẽ quản lý địa bàn có diện tích rất rộng nên sẽ khó khăn cho cán bộ thuế quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể. Còn đối với người nộp thuế, nhất là hộ kinh doanh, thời gian đầu sau khi sáp nhập sẽ khó khăn trong công tác đi lại nộp thuế.

Để từng bước khắc phục khó khăn này, trong quá trình xây dựng Đề án sáp nhập các chi cục thuế, cơ quan thuế đã tính đến 3 mối quan hệ giao dịch gồm: cơ quan thuế và người nộp thuế; cơ quan thuế với các cơ quan hữu quan trên địa bàn và nội bộ cơ quan thuế. Trong đó, mối quan hệ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế luôn được chú trọng theo tinh thần không làm tăng thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại...

ADQuảng cáo

Để thực hiện được yêu cầu này, trước mắt, đối với những chi cục thuế phải sáp nhập, ngành Thuế vẫn duy trì bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế tại trụ sở cũ. Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai, nộp thuế điện tử nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Theo QÐ 520/QÐ-BTC, ngày 13/4/2018 của Bộ Tài chính, từ nay đến cuối 2018, toàn ngành sẽ giảm 50% số chi cục thuế. Ngay trong năm 2018 sẽ có 327 chi cục thuế sắp xếp, sáp nhập thành 154 chi cục thuế khu vực. Theo lộ trình, đến 1/7/2018, ngành Thuế sẽ thực hiện ghép 192 chi cục thuế thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục thuế); đến trước 1/9/2018, ngành Thuế ghép 135 chi cục thuế thành 64 chi cục thuế khu vực (giảm 71 chi cục thuế). Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải triển khai bảo đảm tinh gọn, ổn định, không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ thuế, trước mắt, đối với hai lãnh đạo chi cục, sau khi sáp nhập, ngành Thuế có phương án điều chuyển về những phòng có chức vụ tương đương để bảo đảm quyền lợi cho các chi cục trưởng. Nếu trong trường hợp không sắp xếp được, ngành Thuế sẽ có phương án vận động các cán bộ giữ chức vụ Phó chi cục trưởng nhưng mọi chế độ vẫn bảo đảm đến thời hạn giữ chức vụ. Còn đối với cán bộ công chức, ngành đã phổ biến quy định, động viên những cán bộ, công chức ở xa sắp xếp ổn thỏa công việc gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Để việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế được tiến hành theo đúng lộ trình, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để thống nhất thực hiện. Về việc sắp xếp, bố trí số hợp đồng dôi dư theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP cần có hướng dẫn cụ thể để đơn vị thực hiện, bảo đảm chế độ cho người lao động”, ông Long cho biết thêm.

Cán bộ Chi cục Thuế Gia Nghĩa giải quyết thủ tục cho người nộp thuế

Có thể nói, việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế sẽ có tác động lớn tới tổ chức cán bộ ngành Thuế. Do đó, cùng với việc sáp nhập, ngành Thuế cần phải thực hiện một lộ trình tích cực, mạnh mẽ, cũng như đề ra các giải pháp hữu hiệu để các chi cục thuế khu vực đi vào hoạt động thực sự hiệu quả. Đây mới là mục tiêu và cái đích của công tác cải cách sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý thuế theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế: Bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO