Người truyền đam mê sáo trúc

Thanh Nga| 31/08/2018 17:13

Anh Nguyễn Trí Tuân ở thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song) từ nhỏ đã đam mê tiếng sáo và hiện đã trở thành “bậc thầy” về thổi sáo, tham gia biểu diễn ở nhiều nơi. Không dừng lại ở đó, anh đang truyền dạy thổi sáo cho các bạn trẻ trong vùng.

ADQuảng cáo

Anh Tuân và các con, cháu tập luyện thổi sáo để tham gia biểu diễn

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Hà Tĩnh, cách đây 15 năm, anh Tuân vào Đắk Nông lập nghiệp. Cũng từ đây, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về loại nhạc cụ dân tộc. Nói về “cơ duyên” đến với cây sáo, anh Tuân tâm sự: “Từ thuở nhỏ, tôi đã thích tiếng sáo quê hương và nó đã thấm vào trong máu rồi. Giờ mà nghe tiếng sáo ở đâu là mình cảm thấy nao nao trong lòng. Nhiều lúc mệt nhọc mà thổi lên vài bản nhạc là tâm hồn cảm thấy thoải mái, cuộc đời đáng yêu hơn. Hồi nhỏ chỉ thổi vu vơ với bạn bè, sau này lớn thì học hỏi thêm để ngày càng điêu luyện, tiếng sáo trong trẻo, có hồn hơn”.

Theo anh Tuân, âm của tiếng sáo rất đa dạng, phù hợp với dòng nhạc dân ca, cổ điển và cả dòng nhạc hiện đại cũng rất hay. Sáo là một nhạc cụ truyền thống, mình chỉ muốn góp một phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, bằng việc truyền lại cho con, cháu để hiểu biết về nền âm nhạc Việt Nam.

Anh Tuân dạy kỹ thuật thổi sáo cho các bạn trẻ trong vùng

Mới 10 tuổi nhưng cháu Nguyễn Trí Hải, con của anh Tuân đã thổi sáo khá thuần thục. Hải vui vẻ: “Mới đầu thấy bố thổi sáo, cháu nghe hay nên thích và càng ngày càng thích thổi. Ban đầu thì thấy khó nhưng dần dần luyện rồi, cháu cũng thấy dễ, nên càng thích”. Nguyễn Trí Minh, cháu của anh Tuân cũng cho biết: “Cháu tham gia học thổi sáo ở chú Tuân được một năm rồi. Chú Tuân hướng dẫn rất kỹ càng, mới đầu cũng khó nhưng sau này dễ học. Hiện nay, ba chú cháu đã tham gia biểu diễn ở nhiều hội thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa ở địa phương”.

ADQuảng cáo

Yêu thích tiếng sáo của anh Tuân, một số thanh niên trên địa bàn xã cũng tìm đến học và được dạy miễn phí. Em Đinh Xuân Quân, xã Trường Xuân cho biết: “Vài lần được nghe chú Tuân thổi sáo, em thấy hay và tìm đến học. Em mong muốn học tốt hơn để đi giao lưu văn nghệ, giúp nhiều người đam mê tiếng sáo và có thể hướng dẫn cho họ để chơi nhạc cụ này.

Niềm đam mê thổi sáo của anh Tuân còn được tiếp thêm động lực từ người vợ. Chị Nguyễn Thị Hiên, vợ anh Tuân tâm sự: “Tôi rất ủng hộ chồng và các con thổi sáo. Ở nhà, tôi làm một khán giả khó tính của bố con, góp ý và giúp chọn những bản nhạc cho phù hợp để chơi hay hơn”. 

Bạn bè yêu thích thổi sáo đến xem và mua những cây sáo do anh Tuân kỳ công chế tác

Từ niềm đam mê, anh Tuân cũng tìm tòi, học hỏi và làm ra những cây sáo ưng ý. Dần dần, nhiều người hỏi mua và điều này đã thôi thúc anh làm thêm nhiều cây sáo đẹp mắt để phục vụ nhu cầu. Với tâm huyết của mình, anh Tuân đã thành lập Câu lạc bộ "Sáo trúc Trí Tuân" và trở thành sân chơi bổ ích cho những người yêu thích sáo trúc ở quanh vùng.

Anh Tuân và gia đình đã tham gia biểu diễn sáo trúc và đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn. Điển hình, anh đã đạt giải A tại Hội thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc do UBND thị xã Gia Nghĩa tổ chức vào tháng 2/2018. Mới đây, gia đình anh Tuân tham gia Hội thi “Xây dựng gia đình hạnh phúc” do Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch tổ chức và đạt giải “năng khiếu hay nhất”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người truyền đam mê sáo trúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO