Đồn điền cà phê CADA - một thuở hào hùng

Tường Mạnh| 17/03/2017 09:53

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, khu Bảo tàng Biệt Điện tỉnh Đắk Lắk được dành cho việc tổ chức Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê với chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”.

ADQuảng cáo

Điều khá thú vị là bên cạnh hàng trăm gian hàng giới thiệu sản phẩm cà phê và nhiều loại hàng hóa khác thì tại Hội chợ - Triển lãm, lần đầu tiên, Ban tổ chức đã dành một khu vực để trưng bày chuyên đề “Lịch sử đồn điền cà phê CADA”.

Khách tham quan khu trưng bày lịch sử đồn điền CADA

Lần giở những trang tư liệu mới biết, vào thời điểm bấy giờ, để khôi phục lại nền kinh tế, bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương, cụ thể là lập thêm nhiều đồn điền trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk. Từ lúc đó, cây cà phê mới bắt đầu xuất hiện trên vùng đất Tây Nguyên.

Đồn điền cà phê CADA kéo dài từ km 18 - km 47 ven quốc lộ 26, trên tuyến đường Buôn Ma Thuột đi Nha Trang (khu vực Công ty cà phê Phước An, Công ty cà phê Tháng 10 hiện nay). Đây là một trong những đồn điền ra đời sớm nhất (1922) trong hệ thống đồn điền của thực dân Pháp ở Đắk Lắk chuyên trồng cà phê, cao su. CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagnie Argicole D’Asie (Công ty Nông nghiệp Á châu).

Trong suốt quá trình từ năm 1922 cho đến trước Cách mạng Tháng 8/1945, dưới chế độ bóc lột của thực dân Pháp, người công nhân bị đối xử vô cùng tàn nhẫn, đời sống hết sức cơ cực. Tất cả công nhân dù là người Kinh hay là người Thượng đều là nạn nhân của chế độ bóc lột nặng nề của thực dân Pháp.

Khi đã bước chân vào đồn điền là họ bị chế độ lao động khổ sai tàn bạo vắt kiệt sức lực. Mỗi ngày, công nhân phải làm từ 11 đến 14 giờ, vào mùa thu hoạch còn phải làm nhiều hơn. Nếu không bảo đảm kỹ thuật hoặc làm hư hỏng cây cối thì họ bị phạt nặng, cúp lương và thậm chí có khi còn bị đánh chết tại chỗ.

Chính sự bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn đó đã đẩy những người công nhân ăn không no, ngủ không đủ ấm, ốm đau không thuốc men, kiệt sức, cùng cực. Có thể nói, lịch sử Đồn điền cà phê CADA trong thời kỳ Pháp thuộc là lịch sử của nước mắt và máu của bao công nhân đã đổ xuống, hình thành nên những vườn cà phê xanh tốt. Thế nhưng, không cam chịu sự nô dịch, áp bức, đội ngũ công nhân ở Đồn điền cà phê CADA và các đồn điền khác trong vùng không ngừng đứng lên đấu tranh để tự giải phóng.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, với những cuộc đấu tranh diễn ra liên tục từ những năm 1932-1935. Tháng 4/1940, giữa mùa thu hoạch cà phê đã diễn ra cuộc đình công của công nhân Đồn điền cà phê CADA kéo dài suốt 10 ngày và giành được thắng lợi lớn.

Một số đảng viên của Nhà đày Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo và đứng ra thành lập được Hội Việt minh CADA, Đội tự vệ CADA, Ban lãnh đạo công nhân. Đây cũng là nơi ra đời Chi bộ cộng sản đầu tiên trong công nhân: Chi bộ đồn điền - đánh dấu sự trưởng thành về chất của đội ngũ công nhân Đồn điền cà phê CADA nói riêng và công nhân Đắk Lắk nói chung. Công nhân ở đây còn tham gia vào một số tổ chức của Mặt trận Việt Minh như: Hội truyền bá quốc ngữ, Công nhân cứu quốc…

Những dụng cụ lao động, sinh hoạt của công nhân Đồn điền cà phê CADA  một thời được trưng bày tại triển lãm

Công nhân Đồn điền cà phê CADA đã biến một đồn điền của thực dân Pháp thành một cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên trong toàn tỉnh trong cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8/1945. Sáng ngày 18/8/1945, lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời của đồn điền, đánh dấu mốc son sáng ngời của đội ngũ công nhân Đồn điền cà phê CADA trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đắk Lắk.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công nhân Đồn điền cà phê CADA còn tham gia vào cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Xuân 1975, giải phóng Đắk Lắk, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến tham quan hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê, hiểu thêm được nhiều vấn đề lịch sử liên quan đến việc ra đời của cây cà phê trên vùng đất Tây Nguyên trong những năm tháng đầu tiên quả thật hết sức ý nghĩa. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử, cây cà phê không những thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt mà còn là minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật khởi, ngoan cường của biết bao thế hệ công nhân thời Pháp thuộc. Hiểu được điều đó, chúng ta càng thêm trân trọng, tôn vinh những gì mà hạt cà phê đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông hôm nay.

Ngày 16/1/1999, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 02/1999/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng di tích lịch sử CADA, xã Ea Yông, huyện Krông Pách (Đắk Lắk) là di tích quốc gia. Đặc biệt, ngày 17/9/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3518/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho Địa điểm Miếu thờ tại Đồn điền cà phê CADA.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồn điền cà phê CADA - một thuở hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO