Con heo trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ

Thanh Kim Trà| 25/01/2019 09:15

Từ xa xưa con người đã biết hái lượm và săn bắt, rồi tiến tới biết trồng trọt và thuần hóa thú rừng để chăn nuôi. Trong những con vật ấy, phải kể đến con heo… Cho đến nay, hầu như gia đình nông dân nào cũng có nuôi một vài con heo. Chính vì vậy, heo đã sớm đi vào ca dao, thành ngữ, tục ngữ.

ADQuảng cáo

Heo trong tranh Đông Hồ. Ảnh tư liệu

Heo ở Việt Nam được nuôi rất nhiều loại tùy từng vùng miền khác nhau. Người miền Bắc gọi là lợn, với người Nam gọi là heo. Ngoài ra, tiếng Việt còn có nhiều từ để gọi các loại lợn (heo) khác nhau như: Heo nái (lợn cái nuôi để sinh sản lợn con); heo sề (lợn nái già); heo nọc (heo đực dùng để truyền giống); heo bột, heo sữa (lợn con đang bú mẹ); heo ỷ (một giống lợn của Việt Nam, có mõm ngắn, lưng võng và bụng sệ với lớp da màu đen hay xám); heo lòi (lợn rừng)…

Ca dao đã truyền khẩu lại nhiều câu thể hiện sự gắn bó của con heo với cuộc sống của người Việt: “Ta về ta rủ bạn ta/Nuôi lợn nuôi gà, cày cấy ta ăn”, “Lòng thương chị bán thịt heo/Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu”. Hoặc để đánh giá người: “Đàn bà không biết nuôi heo đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt, đàn ông hư”. Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm, hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân: "Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm". Hay: "Giàu heo nái, lãi gà con". Nuôi heo để đem bán là một sinh kế của giới nông dân nước ta. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về: "Ba bà đi bán lợn con/Bán đi chẳng được lon ton chạy về/Ba bà đi bán lợn sề/Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.

Về mặt ẩm thực, thịt heo được miêu tả: “Con gà cục tác lá chanh - Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”! vừa kêu gọi sự chú ý khẩu vị dân tộc, vừa nhắc nhở chúng ta rằng khẩu vị dân tộc đó hình thành từ lâu đời được thời gian thử thách và được coi có cơ sở khoa học vững chắc. Ở miền Nam, ăn cỗ mà có đầu heo là coi như giàu có, ca dao miền Nam có câu: “Cồng cộc bắt cá dưới bàu/Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo”. Mà chẳng riêng gì việc phúng viếng, cúng tế, cưới xin đến việc đãi đằng người ta cũng biếu nhau chân giò, nhất là cho sản phụ ăn để có sữa: “Ăn chân sau, cho nhau chân trước”, chân trước đẹp mắt chứ không lợi thịt như chân giò sau… Nói về văn hóa ẩm thực thịt heo, với những người sành ăn “mua thịt thì chọn miếng mông” ngon và béo có “đầu gà, má lợn”, “lợn giò, bò bắp”. Thái cho ngon mắt phải “thịt nạc dao phay, thịt mỡ dao bầu”. Và nhất định phải có gia vị thêm vào mới ngon “thịt đầy xanh, không hành không ngon”…

ADQuảng cáo

Về mặt châm biếm “chú ỉn” cũng góp mặt trong tiếng cười trí tuệ của người dân và đã vạch mặt cả anh thầy bói nói nước đôi, nói dựa: “Số cô không giàu thì nghèo/Ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà”. Hay: "Bói cho một quẻ trong nhà/ Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”. Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như: "Mèo theo thịt mỡ ồn ào/Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!".

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con heo làm phương tiện “cứu cánh”. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ: "Cô kia đi chợ Hà Đông/Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi/Anh đi chưa biết mua gì/Hay mua con lợn phòng khi cheo làng". Ngày xưa con gái muốn lấy chồng phải nộp cheo cho làng. Cheo là lễ vật bao gồm ít nhất là một con heo quay và một số tiền mặt do làng ước định phải nộp cho làng để làng cấp cho giấy giá thú. Lắm khi cô gái tuy đẹp nhưng lại quá nghèo, chàng trai muốn cưới thì phải: “Giúp em một thúng xôi vò/Một con lợn béo, một vò rượu tăm/Giúp cho đôi chiếu em nằm/Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo/Giúp cho quan tám tiền cheo/Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Vả lại, cha mẹ sinh con gái cũng chỉ rạng mặt nở mày khi con được nhà trai nộp cheo xin cưới theo đúng lễ nghi thủ tục: "Anh về thưa với mẹ cha, bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo". Nhưng cũng có những gia đình biết phải chăng: “Người ta thách lợn, thách gà/Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”.

Đôi bạn trẻ phải hiểu rằng tình yêu không thể lúc nào cũng ở vào cao điểm, có lúc xuống đáy. Những lúc tình yêu xuống đến đáy thì người ta sẽ ra sao? Đây là kinh nghiệm cay đắng của các chị: “Còn duyên anh cưới ba heo/Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”. Riêng với những người ham tật đèo bồng đa thê, đôi khi lại bị lâm vào cảnh trớ trêu dở khóc dở cười: "Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm".

Thành ngữ nói về cái sự vô ý, vô tứ, làm ăn thiếu tính toán hay nhất là mấy câu: “Lợn lành chữa làm lợn què”, “Lợn trong nhà thả ra mà đuổi”. Không có sự phê phán nào bình dân bình dị như thế mà có khả năng tạo hiệu quả lớn như thế!

Con heo gắn bó với con người hàng ngàn năm lịch sử. Con heo cái tên không mấy mĩ miều, đôi khi còn được gắn với những sự ngu dốt. Ấy vậy mà đã đi vào ca dao, tục ngữ thành ngữ khá đa dạng, làm sao kể hết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con heo trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO