Chứng cứ khảo cổ học về thời đại Hùng Vương

Vũ Hà| 27/04/2018 10:26

Về thời đại Hùng Vương, hai bộ sử cổ nhất ở nước ta là Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và một số tác phẩm văn học chữ Hán là Việt điện u linh , Lĩnh Nam chích quái đã nói về nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương. Ngoài ra, sử liệu cổ của Trung Quốc như Sử ký Tư Mã Thiên và Hán thư cũng nói đến sự tồn tại của thời đại Hùng Vương – An Dương Vương.

ADQuảng cáo

Trống đồng trưng bày tại Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh tư liệu

Ngoài các tài liệu cổ sử nói trên và một số nghiên cứu sau này, từ sau 1954 đến nay, những phát hiện khảo cổ học ngay chính Đất Tổ Phú Thọ và khu vực đồi núi trung du phía Bắc là những chứng cứ lịch sử hùng hồn từ trong lòng đất chứng minh về một thời đại Hùng Vương đáng tự hào trong lịch sử dân tộc.

Những phát hiện lưỡi cày và lưỡi liềm đồng tại các di chỉ khảo cổ trên quê hương Phú Thọ cho thấy, từ trước công nguyên, tổ tiên chúng ta thời ấy đã biết dùng lưỡi cày đồng để cày ruộng, dùng lưỡi liềm đồng để gặt lúa trên những cánh đồng rộng lớn ở lưu vực các con sông màu mỡ phù sa. Đây là cơ sở để khẳng định một nền văn minh nông nghiệp lúa nước của nước ta đã bắt đầu hình thành từ những ngày đầu của thời đại Hùng Vương.

Theo đó, dấu vết hạt gạo đã tìm được trong một số di chỉ khảo cổ học và các vỏ trấu còn vương lẫn trong đất làm khuôn đúc đồng chứng tỏ người xưa không những đã biết trồng lúa và có thể có đã trồng nhiều loại lúa… Phát hiện các mảnh chõ đồ xôi trong khu mộ táng Làng Vạc (Việt Trì) cũng chứng tỏ người xưa không chỉ biết trồng lúa tẻ mà cũng đã biết trồng lúa nếp. Sự xuất hiện gạo lúa nếp cũng phù hợp với truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy trong thời Hùng Vương.

Về mặt trang phục, việc tìm được dọi xe sợi và dấu vết vải gai tìm được trong các ngôi mộ đã cho thấy cư dân Hùng Vương đã biết trồng bông dệt vải. Hình tượng người phụ nữ trên cán dao găm hay trên mặt các trống đồng cho thấy họ cũng đã tạo ra được bộ váy đẹp cho người phụ nữ, hoặc đàn ông thì đóng khố.

ADQuảng cáo

Về nhà ở, cư dân Hùng Vương đã xây dựng những ngôi nhà sàn rộng rãi, mái cong vút rất đẹp mà hình tượng của nó được mô tả rõ nét trên mặt trống đồng. Hình tượng những chiếc thuyền trên mặt trống đồng cho thấy cư dân thời Hùng Vương còn tạo ra được những chiếc thuyền có cả lầu ở trên không chỉ để đi lại, chuyên chở, đánh bắt cá trên sông nước, trên biển cả mà còn để sinh sống trên thuyền.

Trên mặt trống đồng với những hình ảnh các chiến binh cầm giáo nhảy múa quanh cây cột thiêng và đâm trâu. Rồi cảnh nam nữ với các vòng ngọc, hạt cườm thủy tinh, vòng ống gắn nhiều chiếc chuông nhỏ đeo đầy cổ tay, cánh tay và cổ chân. Một số hiện vật trang sức nói trên cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ. Những hình ảnh và hiện vật nói trên chứng tỏ đời sống tinh thần của người thời Hùng Vương cũng hết sức phong phú.

Điều ngạc nhiên là, người xưa thời Hùng Vương đã biết cách pha chế đến 12 loại hợp kim trong đó có hợp kim đồng - thiếc - chì để đúc nên những tuyệt phẩm trống đồng Ngọc Lũ, Cổ Loa chỉ bằng kinh nghiệm. Nếu biết rằng hiện nay, thợ thủ công làng nghề nổi tiếng cũng không thể đúc được những trống đồng như vậy thì mới thấy rằng tổ tiên ta thời Hùng Vương đã rất sáng tạo trong kỹ thuật luyện kim và đúc đồng.   

Đương thời, sự giao lưu của cư dân Hùng Vương với thế giới bên ngoài khá rộng. Bằng con đường ven biển, cư dân Hùng Vương đã để lại dấu tích trống đồng khắp một vùng ven biển Thái Lan, Malaysia và cả quần đảo Indonesia. Những chiếc trống đồng mà người Việt thời Hùng Vương đã có mặt tại ngay cả những hòn đảo xa nhất về phía đông của quần đảo này.

Thành phố Việt Trì vốn là kinh đô của nước Văn Lang với người thủ lĩnh lúc đó là Vua Hùng. Trên địa bàn thành phố Việt Trì đã phát hiện 7 di tích khảo cổ của thời kỳ Hùng Vương dựng nước có niên đại từ thế kỷ VII trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên. Tại đây, hiện vật khảo cổ đồng thau được phát hiện rất phong phú như: rìu, giáo, dao găm, đồ trang sức, trống đồng và đồ sinh hoạt như thạp, thố, âu... Đặc biệt là bộ khóa thắt lưng bằng đồng đúc hình các con rùa và hai chiếc nha chương rất đẹp.

Kinh đô của Văn Lang thời Hùng Vương tuy chưa phải là kinh đô như thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ với thành quách quy mô, hoành tráng nhưng với các hiện vật khảo cổ vô cùng phong phú, đa dạng nói trên đã cho thấy một kinh đô đã định hình với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và các nghề thủ công khác làm cơ sở kinh tế - xã hội cho việc hình thành nhà nước sơ khai mà người đứng đầu là Quốc Tổ Hùng Vương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng cứ khảo cổ học về thời đại Hùng Vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO