Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT-DL

Hoàng Thanh| 10/08/2022 18:06

Tiếp tục chương trình, chiều 10/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp và trực tuyến về nhóm vấn đề, lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ VHTT-DL.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai chủ trì điều hành tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành dự phiên chất vấn.

Tại phiên chất vấn đã có 19 đại biểu chất vấn, 7 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng các nhóm vấn đề chính thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ như: việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19; công tác quản lý, bảo tồn cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn, phát triển văn hóa - xã hội.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT-DL, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng hiện nay, tình trạng nhiều di tích, nhất là di tích lịch sử cách mạng bị xuống cấp nghiêm trọng, Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?.

Trả lời đại biểu Mai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước. Cụ thể, các địa phương đề xuất cần có trên 5.000 tỉ để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. 

Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Trước mắt, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.

Giải trình về việc thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Du lịch là ngành chịu thiệt hại lớn nhất do đại dịch Covid-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Để thu hút trở lại khách hàng truyền thống cần có thời gian để kết nối, đồng thời cũng cấn phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt vấn đề về thực trạng và giải pháp khắc phục di tích xuống cấp

Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch.

Về giải pháp chống xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử Bộ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bộ cũng đang rà soát điều chỉnh bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về xây dựng hành vi ứng xử văn hóa.

Đi đôi với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người, biểu dương các tốt, bài trừ cái xấu, lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp để giáo dục, cỗ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của mỗi người…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT-DL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO