Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số

Lê Dung| 27/04/2022 12:01

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Quý I/2022, Bộ TTTT đã công bố Cẩm nang CĐS; 55 bài toán CĐS của các bộ, ngành, địa phương; 21 câu chuyện về CĐS của Việt Nam năm 2021. Đến nay, 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS.

Trong quý, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam được cải thiện, nhất là chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật về công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin.

Bộ TTTT đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà, ban hành chương trình mẫu; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho gần 1.000 công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện và 96,73% xã trên toàn quốc.

Đối với kinh tế số, trong quý I, ước tính tổng doanh thu đạt khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP cả nước...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS sẽ lấy người dân làm trung tâm. Do vậy, Bộ TTTT cần hướng dẫn, định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Từ đó, nhằm hướng tới phát triển một xã hội số. Bởi, xã hội số phát triển cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển Chính phủ số, kinh tế số.

Cố gắng đến cuối năm 2022, cả nước sẽ hoàn thành tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng nêu, CĐS gắn với phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững và mục tiêu phát triển đến năm 2025 của nước ta. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại thể chế, xem có khó khăn, vướng mắc gì để sớm bổ sung, hoàn thiện.

Trung ương và địa phương cần chọn những nội dung nào trọng tâm, trọng điểm, cái nào trước, cái nào sau, để ưu tiên đầu tư phát triển CĐS. Quá trình CĐS phải diễn ra với quyết tâm cao, quyết liệt, tránh làm nhỏ lẻ, dàn trải, hiệu quả thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO