Hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa

Hoàng Hoài| 14/01/2022 15:18

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng.

Tại điểm cầu Đắk Nông, lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ban ngành, tổ chức liên quan tham dự.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện (2015-2019), Luật Công chứng đã từng bước đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể.  Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.

Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Các văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước.

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 2.782 công chứng viên và 1.151 tổ chức hành nghề công chứng; 63/63 tỉnh, thành phố tđều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng...

Việc công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế, chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của Liên minh công chứng quốc tế đã góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế…

Thời gian tới, cả nước tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công chứng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Cùng với việc chú trọng kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng thì vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tiếp tục được nâng cao.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, liên quan đến công chứng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng kết hợp với việc chuyển một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO