Thích ứng an toàn với Covid-19

Hoài Anh| 29/09/2021 08:46

Các nước trên thế giới đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, tìm giải pháp cân bằng giữa việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan và khôi phục hoạt động kinh tế - đầu tư.

ADQuảng cáo

Bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn

Một trong những yêu cầu đầu tiên là phải bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn, với vắc xin là vũ khí hữu hiệu nhất. Từ tháng 6/2021, Nhật Bản đã tiến hành tiêm chủng đại trà tại nơi làm việc và nhận được sự hưởng ứng của hơn 2.300 doanh nghiệp. Nhiều nước đã áp dụng các mô hình giấy chứng nhận vắc xin cho phép những người đã tiêm vắc xin được đến một số địa điểm cụ thể như nơi công cộng hay nơi làm việc, qua đó từng bước nối lại sản xuất kinh doanh và hoạt động của các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, tiêm vắc xin là điều kiện cần nhưng chưa đủ để an toàn mở cửa khi biến thể Delta vẫn hoành hành.

Theo các chuyên gia, song song với đẩy mạnh tiêm vắc xin, các nước vẫn cần chú trọng các yêu cầu phòng dịch như bảo đảm giãn cách và bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện mô hình làm việc xen kẽ trực tiếp và từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ, bởi công nghệ được coi là một trong những là giải pháp chủ chốt giúp hoạt động sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong đại dịch. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp và nhà sản xuất tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức của đại dịch, có khả năng trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của Covid-19.

Nhiều nước chú trọng phát triển kinh tế số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Linh hoạt phòng dịch

Nhiều nước Ðông Nam Á đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt hơn, chuyển hướng sang sống chung an toàn với Covid-19 để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm phòng chống dịch trong khi vẫn duy trì khôi phục kinh tế. Thay vì áp đặt phong tỏa toàn quốc hay địa phương, Philippines hiện áp dụng biện pháp khoanh vùng có mục tiêu hẹp, theo đó cách ly các khu phố, gia đình có người nhiễm. Singapore thay đổi tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh, chú trọng quan tâm đến số ca có triệu chứng nặng và cần chăm sóc đặc biệt, thay vì cập nhật số ca nhiễm như trước đây. Với cách làm này, các doanh nghiệp ở Singapore không phải lo bị phong tỏa, ngay cả khi có trường hợp dương tính với Covid-19. Indonesia siết chặt các quy định như đeo khẩu trang, sát khuẩn thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Tất cả các nước đều nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin, trong đó lực lượng lao động, sản xuất là nhóm ưu tiên.

Theo giới quan sát, việc một số quốc gia duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới cho thấy việc chủ động, linh hoạt phục hồi kinh tế theo lộ trình, có kiểm soát tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh là yếu tố mang tính quyết định. Mặc dù vẫn còn gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ trong khâu vận chuyển, đồng thời dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu phục hồi chậm hơn mong đợi nhưng nền kinh tế thế giới được đánh giá đã bước qua giai đoạn suy thoái. Theo dự báo của hãng tư vấn IHS Markit, GDP thực tế của thế giới sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và 4,5% trong năm 2022.

Giới phân tích nhận định, tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế trước những biến động và cú sốc như đại dịch Covid-19, cũng như nâng cao sự tự chủ về kinh tế, trong đó phát triển kinh tế số đã trở thành xu thế tất yếu và là sự chuyển đổi mang tính chiến lược. Tại Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 53 trung tuần tháng 9 vừa qua, các nước ASEAN đã nhất trí phát triển nền kinh tế số của khu vực để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng an toàn với Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO