Mối đe dọa từ biến chủng mới Omicron

Thùy Trang (t.h)| 30/11/2021 08:24

Biến chủng B.1.1.529 (Omicron) - biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đã và đang khiến hàng loạt quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, đe dọa nghiêm trọng tới thành quả chống dịch Covid-19 mà nhân loại đã đạt được trong thời gian qua.

ADQuảng cáo

Sát thủ giấu mặt

B.1.1.529 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Quốc gia này hiện ghi nhận 2.500 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng mạnh so với mức trung bình 580 ca/ngày một tuần trước đó. Các xét nghiệm cho thấy, phần lớn những ca bệnh này đều do biến chủng mới Omicron gây ra. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi cho biết, chủng B.1.1.529  có 10 đột biến ở vùng liên kết thụ thể, đó là phần vi rút tiếp xúc đầu tiên với tế bào người. So với biến chủng Delta chỉ có 2 đột biến, vi rút này nguy hiểm hơn nhiều bởi tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp.

Giáo sư Christina Pagel, Giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Hoàng gia London (Anh) nhận định, biến chủng B.1.1.529 là “sát thủ giấu mặt” có khả năng né tránh hệ miễn dịch trên người. Trước những quan ngại của giới khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn, quyết định đưa B.1.1.529 vào nhóm “biến chủng đáng quan ngại” (VOC), đồng thời đặt lại tên là Omicron.

Bỉ là quốc gia châu Âu đầu tiên có ca mắc biến chủng B.1.1.529

ADQuảng cáo

Nỗ lực ngăn chặn

Kể từ ca bệnh đầu tiên tại tỉnh Gauteng (Nam Phi), tới sáng 28/11, biến chủng mới đã lây lan nhanh chóng và được ghi nhận tại Anh, Bỉ, Italia, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc). Thực tế này khiến nhiều quốc gia phải tạm ngừng các hoạt động vận tải hàng không đến và đi từ Nam Phi, Nam châu Phi. Từ 4h ngày 28/11, Anh bổ sung Malawi, Mozambique, Zambia và Angola vào “danh sách đỏ”, đồng nghĩa các chuyến bay đến và đi từ 4 quốc gia này bị tạm dừng. Người nhập cảnh đến từ các quốc gia này phải làm xét nghiệm PCR và cách ly ít nhất 10 ngày. Mỹ, Canada cũng đã ban hành hạn chế đi lại với nhiều nước châu Phi. Động thái tương tự cũng được nhiều nước ở châu Âu và châu Á triển khai, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội. Người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu cấu trúc gen của Vương quốc Anh Sharon Peacock cho biết, các nỗ lực “câu giờ” và cắt đứt chuỗi lây nhiễm của biến chủng Omicron lúc này là hết sức cần thiết.

Nhằm nỗ lực ngăn chặn Omicron, các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới cũng đang khẩn trương đánh giá hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid-19 hiện có đối với biến chủng mới này. Hiện nay, AstraZeneca đang tiến hành các nghiên cứu tại Botswana và Eswatini nhằm thu thập đầy đủ các dữ liệu về hiệu quả của vắc xin đối với biến chủng Omicron; song song thử nghiệm kháng thể đơn dòng AZD7442 với hy vọng loại thuốc này sẽ duy trì được hiệu quả trong việc chống lại biến chủng mới. Về phần mình, Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech đang nghiên cứu, tính đến khả năng “né” vắc xin của biến chủng Omicron. Trong trường hợp biến chủng mới có thể lẩn tránh “lá chắn” miễn dịch do vắc xin hiện nay tạo ra, Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech cam kết sẽ có điều chỉnh phù hợp trong thời gian 6 tuần. Trong khi đó, Moderna cũng nỗ lực cải thiện liều vắc xin tăng cường tập trung vào xử lý ngăn chặn Omicron.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang tạo ra mối đe dọa mới, WHO nhấn mạnh, việc bảo đảm tiêm đủ vắc xin giờ đây là rất quan trọng. Tổ chức này kêu gọi mọi người dân hãy coi vắc xin là biện pháp tự bảo vệ bản thân tốt nhất trước sự xuất hiện của các biến chủng mới, trong đó có Omicron.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối đe dọa từ biến chủng mới Omicron
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO