Lợi ích từ thỏa thuận hoán đổi vắc xin Covid-19

Hoài Anh (t.h)| 14/09/2021 08:30

Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu và tình trạng chậm trễ trong khâu vận chuyển, các thỏa thuận hoán đổi vắc xin sẽ tạo điều kiện cho những nước thiếu hụt chế phẩm này đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Australia trao đổi vắc xin với Anh và Singapore

Mới đây, Australia vừa mới tiếp nhận gần nửa triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech đã được chuyển đến Australia. Đây là lô đầu tiên trong thỏa thuận hoán đổi vắc xin mà Australia ký kết với Anh.

Người dân Australia tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Theo thỏa thuận, Australia vay Anh 4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech. Đổi lại, Australia cam kết sẽ trả lại số lượng vắc xin tương đương cho Anh vào cuối năm nay khi đơn hàng vắc xin của Canberra được cung cấp. Những liều vắc xin phòng Covid-19 theo thỏa thuận hoán đổi với Anh được đưa đến Australia vào thời điểm quan trọng, khi xứ sở chuột túi đang nỗ lực kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm mới do biến thể Delta.

Theo Cao ủy Anh tại Australia Vicki Treadell, việc hoán đổi vắc xin mang lại lợi ích cho cả hai nước vì số vắc xin do Australia trả lại cho Anh vào cuối năm nay sẽ được London sử dụng để tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Trong một nỗ lực tìm kiếm vắc xin để đạt mục tiêu tiêm chủng, Thủ tướng Australia, các bộ trưởng và quan chức ngoại giao cấp cao nước này đã liên hệ với những người đồng cấp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc đề nghị hỗ trợ, mua lại, chính quyền Canberra cũng hướng tới việc hoán đổi vắc xin với những nước có lượng vắc xin dôi dư.

Ngoài Anh, Australia cũng đã đạt được thỏa thuận hoán đổi 500.000 liều vắc xin phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech với Singapore. Tương tự như thỏa thuận với Anh, Australia sẽ hoàn trả 500.000 liều vắc xin cho đảo quốc sư tử vào tháng 12 năm nay. Singapore dự kiến dùng số vắc xin nhận lại từ Australia làm mũi tiêm tăng cường cho các nhóm đối tượng nhất định. Các thỏa thuận hoán đổi vắc xin với Anh và Singapore đã góp phần quan trọng vào việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng của Australia.

Đôi bên đều có lợi

Australia không phải quốc gia đầu tiên tìm kiếm vắc xin thông qua các thỏa thuận hoán đổi. Theo Korea JoongAng Daily, hồi tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc và Israel, nước có tỷ lệ tiêm chủng cao đã đạt thỏa thuận hoán đổi vắc xin đầu tiên trên thế giới. Israel đã chuyển 700.000 liều vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech cho Hàn Quốc giữa lúc Seoul đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư vì biến chủng Delta.

Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ trả lại số vắc xin này cho Israel vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đều cho rằng kiểu thỏa thuận này có thể đóng vai trò như một mô hình hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng và nguồn cung vắc xin ở các nước khác nhau.

Giới chuyên gia nhận định, những thỏa thuận hoán đổi vắc xin giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng nguồn cung trên toàn cầu, đồng thời đem lại lợi ích cho cả hai bên tham gia thỏa thuận. Thông qua việc mượn tạm và trả sau, quốc gia thiếu hụt vắc xin sẽ sớm nhận được số lượng vắc xin quan trọng để ứng phó với tình hình dịch bệnh căng thẳng trước mắt. Trong khi đó, những nước dư thừa vắc xin, chưa có nhu cầu sử dụng ngay sẽ tránh được việc bỏ phí vắc xin và phải tiêu hủy vắc xin khi hết hạn sử dụng.

Trước sự tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Bởi vậy, trong cuộc chiến với “kẻ thù chung”, tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước trên thế giới sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi đại dịch và khôi phục nền kinh tế, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích từ thỏa thuận hoán đổi vắc xin Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO