Lãng phí vắc xin ở các nước giàu

Hoài Anh| 16/11/2021 08:22

Câu chuyện không công bằng về vắc xin Covid-19 vẫn đang là đề tài tranh luận trên các diễn đàn. Trong khi một số nước giàu phải tiêu hủy hàng triệu liều vắc xin ngừa Covid–19 thì ở các quốc gia nghèo khó, người dân đang bị tước cơ hội sống do chưa được tiêm vắc xin.

ADQuảng cáo

Tiêu hủy vắc xin do hết hạn

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), trung bình các bang của nước này tiêu hủy khoảng 4,8% số vắc xin hiện có. Số vắc xin bị tiêu hủy là do hết hạn sử dụng, bị hỏng hoặc bảo quản không đúng cách. Không riêng ở Mỹ, lãng phí vắc xin ngừa Covid-19 còn xuất hiện ở nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Một thống kê của Công ty phân tích dữ liệu Airfinity (Anh) cho thấy, khoảng 100 triệu liều vắc xin mà các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) mua sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đây là con số ước tính sau khi trừ đi lượng vắc xin mà các nước này dự kiến tiêm tăng cường mũi thứ ba cho người dân. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown gần đây đã dùng cụm từ “thảm họa lãng phí vắc xin” để mô tả tình trạng này giữa lúc hàng triệu bệnh nhân Covid-19 ở các quốc gia nghèo nhất có thể mất đi chính mạng sống của mình vì chưa được tiêm vắc xin.

Do thiếu hụt nguồn cung, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại châu Phi còn thấp so với nhiều quốc gia ở châu lục khác. Ảnh tư liệu

Theo giới quan sát, trong bất kỳ chiến dịch tiêm chủng nào từ trước đến nay, việc vắc xin bị vứt bỏ vì quá hạn mà chưa dùng hết là không có gì lạ. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở chỗ việc tiếp cận công bằng và chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19. Số liệu từ trang thống kê Our World in Data tính đến ngày 13/11 cho thấy đã có khoảng 7,4 tỷ liều vắc xin được cung cấp, sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu với hơn 51% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi. Nhưng tốc độ tiêm chủng lại không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi các nước có thu nhập cao và trung bình đã đạt được nhiều tiến triển thì chỉ vỏn vẹn 4,5% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm chủng ít nhất một mũi.

ADQuảng cáo

Nơi thừa, chỗ thiếu

Lý do chính dẫn đến sự chênh lệch là do các nước giàu đã mua và dự trữ quá nhiều vắc xin ngừa Covid-19. Cá biệt, có những quốc gia còn đặt mua số lượng vắc xin gấp nhiều lần dân số của nước mình. Để tránh lãng phí, nhiều nước đã khuyến khích người dân đi tiêm chủng, thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, kéo dài thời hạn sử dụng vắc xin hay tiến hành hoán đổi vắc xin với nhau - tức là quốc gia đang thiếu hụt mượn tạm vắc xin của nước đang thừa và sẽ trả sau... Tuy nhiên, những biện pháp như vậy là không đủ để “cứu” hàng triệu liều vắc xin khỏi nguy cơ bị vứt bỏ vì sắp hết hạn.

Vào cuối năm nay dự kiến sẽ có thêm 12,2 tỷ liều vắc xin, đủ để tiêm hai mũi cho toàn bộ dân số thế giới trên 12 tuổi. Tuy nhiên, theo giới quan sát, phần lớn số vắc xin này đã được cam kết cung cấp cho các nước phát triển.

Tới nay, Cơ chế COVAX đã phân phối hơn 300 triệu liều vắc xin, chủ yếu do các nước phát triển cung cấp, cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, con số trên còn cách rất xa so với mục tiêu 1,4 tỷ liều trong năm 2021 mà sáng kiến này đặt ra. Chính thực trạng nơi thừa, chỗ thiếu vắc xin ngừa Covid-19 như hiện nay sẽ khiến đại dịch kéo dài thêm và tăng nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí vắc xin ở các nước giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO