Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường thực phẩm Halal

Hoài Anh| 31/03/2022 08:48

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông. Do vậy, tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm Halal (ngành công nghiệp thực phẩm cho người Hồi giáo) là rất hứa hẹn.

Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng

Quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Có nhiều người không theo đạo Hồi nhưng có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, sản phẩm Halal dự kiến sẽ mở rộng không chỉ đối với thực phẩm thuần túy mà cả dược, mỹ phẩm và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, tài chính, tiếp thị… Ngành thực phẩm Halal không chỉ liên quan đến quá trình sản xuất mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như nguyên liệu, phân bón, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần, do thực phẩm Halal không chỉ là sản phẩm là một quy trình từ nguyên liệu thô cho đến quá trình chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng…

Đầu bếp người Hồi giáo chế biến phở tại một diễn đàn về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tiềm năng của Việt Nam

Khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người, chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới. Về quy mô thị trường, các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD năm 2018.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn. Theo Bộ Nông nghiệp – PTNT, Việt Nam có gần 50% mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu... được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Phùng Đức Tiến thì mỗi sản phẩm của nền nông nghiệp Việt Nam có thể được xem là chiếc cầu nối của sự thông hiểu và tôn trọng, gắn kết những người sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam với những người bạn, những đối tác ở các thị trường Hồi giáo.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới tiếp cận thị trường thực phẩm Halal với một số kết quả bước đầu. Khoảng 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của ta sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.

Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng của các bộ, ngành, các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt nhất vẫn phải là các doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc nghiên cứu từng thị trường hồi giáo khác nhau để nắm được quy trình, điều kiện, yêu cầu kỹ thuật riêng biệt của mỗi nước. Theo đánh giá, về cơ bản, thế giới hồi giáo có những quy định lớn là giống nhau, tuy nhiên, đi vào những chi tiết kỹ thuật thì lại có những điểm khác nhau.

Halal theo tiếng Ả rập có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép), dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo theo kinh Qu’ran và Luật Sharia (luật Hồi giáo). Halal ban đầu chỉ áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm, sau đó được mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn… Sản phẩm/dịch vụ Halal nói chung phải đáp ứng các tiêu chuẩn tôn giáo và vệ sinh an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường thực phẩm Halal
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO