Gia Nghĩa quyết liệt giải tỏa, thu hồi đất rừng bị phá, lấn chiếm

Phan Đinh| 14/05/2019 09:57

Những năm qua, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg, ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2018 đến nay, Đoàn thực hiện Chỉ thị 12 thị xã Gia Nghĩa (viết tắt là Đoàn 12) đã triển khai các giải pháp quyết liệt, giải tỏa thu hồi diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép bàn giao cho đơn vị chủ rừng trồng lại rừng.

Lực lượng chức năng thị xã Gia Nghĩa chặt bỏ vườn ổi trồng do người dân lấn chiếm đất rừng trồng từ năm 2018

Quyết tâm giữ đất rừng

Ngày 9/5 vừa qua, chúng tôi theo chân lực lượng Đoàn 12 gồm đại diện Hạt Kiểm lâm, Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, UBND xã Quảng Thành đến vùng lõi của rừng phòng hộ tại tiểu khu 1705 thuộc địa bàn xã Quảng Thành để giải tỏa 2 khoảnh đất bị lấn chiếm với tổng diện tích 14.900 m2. Tại đây, đất rừng đã bị người dân lấn chiếm và trồng trên 730 cây cà phê, 340 cây ăn quả gồm bơ, sầu riêng, ổi, mít từ lâu nay.

Người dân trồng cây công nghiệp trên đất rừng ở xã Quảng Thành

Mặc dù vậy, lực lượng chức năng vẫn kiên quyết nhổ bỏ toàn bộ các loại cây trồng trên đất rừng bị lấn chiếm. Ông Đỗ Ngọc Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa cho biết: 2 vị trí giải tỏa tại tiểu khu 1705 đều thuộc đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa làm chủ rừng. Tại vị trí thứ 1 diện tích 6.800m2, trước đây cũng đã thực hiện giải tỏa và chủ rừng trồng keo nhưng năm ngoái tiếp tục bị người dân phá, đốt cháy. Đơn vị đã lập biên bản, bàn giao cho chủ rừng để trồng lại rừng, nhưng do lực lượng mỏng không giữ được nên người dân tiếp tục lấn chiếm và trồng cà phê. Vị trí  thứ 2 người dân xâm lấn và trồng cây ăn trái. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện đất bị xâm lấn từ năm 2014 trở lại đây nên đã tiến hành giải tỏa. Trước khi giải tỏa, chúng tôi đã lập biên bản, lên kế hoạch, báo cáo UBND thị xã. Sau khi giải tỏa, các bên ký biên bản và yêu cầu chủ rừng có nhiệm vụ giữ rừng không để tái chiếm, lấn chiếm và trồng lại rừng ngay trong mùa mưa này.

Lực lượng chức năng thị xã Gia Nghĩa phá bỏ cây trồng trên đất rừng thuộc địa phận xã Quảng Thành bị người dân xâm lấn

Được biết, từ năm 2018 đến nay, Đoàn 12 đã tổ chức 15 đợt giải tỏa; trong đó từ đầu năm đến nay đã tổ chức 5 đợt với tổng diện tích đất rừng giải tỏa trên 17 ha và bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa trồng lại rừng.

Ông Phan Xuân Huệ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho rằng: Toàn bộ diện tích được Đoàn 12 bàn giao hiện được đơn vị giữ ổn định. Trước mắt, ban đã tuyên truyền, giáo dục người dân biết, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, phát triển rừng. Sau khi được bàn giao, ban sẽ trồng lại rừng trong mùa mưa này. Chúng tôi đã thành lập 3 trạm, chốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở vừa thường xuyên báo cáo tình hình để tổ chức bảo vệ tốt diện tích đất, rừng.

Cây rừng bị đốt cạnh vị trí đất giải tỏa

Phức tạp và còn nhiều việc phải làm

Rừng của thị xã chủ yếu thuộc địa bàn xã Quảng Thành và chỉ cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa khoảng 15 km, đường sá đi lại khá thuận lợi và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc giữ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn. Đa số người dân, trong đó có cả dân di cư tự do vào phá rừng, lấn chiếm đất, dựng lán, làm nhà ở để trồng cây nông nghiệp. Trong vùng lõi của rừng, bên cạnh những khoảnh rừng tự nhiên, một ít rừng trồng còn sót lại thì đa số là hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái do người dân lấn chiếm đất rừng để trồng.

Ngay bên cạnh khoảnh 6.800m2 mà lực lượng đang giải tỏa, những thân gỗ vốn là cây rừng bị đốn vẫn còn cháy và than đỏ rực. Cách đó vài chục bước chân, chúng tôi thấy cả trăm hố vừa mới được máy móc đào xới và có thể khi mưa xuống sẽ được trồng cây công nghiệp. Trên đường vào rừng đến các vị trí giải tỏa, mặc dù có các trạm chốt trước cửa rừng, trong rừng nhưng xe chở phân bón vẫn vào ra... Hay như ngay cạnh vị trí giải tỏa 8.100m2, người dân  “tập kết” cả ngàn cây giống ăn trái trong vườn ươm chờ trồng...

Người dân mới đào hố trên đất rừng để trồng cây công nghiệp

Trực tiếp chỉ đạo và tham gia các đợt giải tỏa đất rừng bị xâm lấn, ông Đỗ Ngọc Trai cho biết, trước khi làm, chúng tôi đã gửi văn bản thông báo đến các lực lượng chức năng, niêm yết tại các vị trí người dân dễ tiếp cận. Trong quá trình giải tỏa, người dân không ra mặt hoặc không chống đối vì họ biết sai, còn nếu có chống đối thì lực lượng công an xử lý. Chúng tôi giải tỏa xong đến đâu là bàn giao cho chủ rừng đến đó. Trước mắt, chúng tôi tập trung giải tỏa đất rừng bị xâm chiếm, xâm lấn tại các vùng lõi của rừng phòng hộ xã Quảng Thành.

Hiện nay, xã Quảng Thành còn lại khoảng 500 ha rừng tự nhiên, rừng trồng chỉ khoảng 40 ha, còn lại hơn 2.100 ha đất trống, tương lai là phải thu về để trồng rừng vì đã được quy hoạch là rừng phòng hộ. Tất cả các hộ dân trồng trọt ở đây đều trên đất không có giấy tờ nhưng chúng tôi phải chia làm 2 giai đoạn để giải tỏa. Đó là phá rừng từ năm 2010 đến tháng 7/2014 thì chúng tôi phải lập kế hoạch, lên phương án và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh rồi khống chế, giải tỏa. Còn đất phá rừng từ năm 2014 đến nay thì xây dựng kế hoạch, thông báo và tiến hành nhổ cây trồng và xóa bỏ các lán trại, nhà...

Người dân "tập kết" cây giống tại tiểu khu 1705, xã Quảng Thành

Mặc dù trong quá trình lực lượng chức năng giải tỏa đất đai chưa gặp phải sự chống đối nào nhưng thực tế lực lượng canh giữ rừng không ít lần bị uy hiếp nguy hiểm.

Anh Ngô Văn Cảnh, phụ trách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, quản lý tiểu khu 1705 cho biết: “Dân di cư tự do vào phá rừng với mục đích lấy đất làm rẫy và họ ở trong rừng luôn, làm nhà, lán. Từ năm 2018 đến nay, diện tích bị xâm lấn giảm so với những năm trước. Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi giải tỏa, dỡ bỏ lán gỗ của 1 hộ dân và lập chốt ngay tại vị trí giải tỏa. Thế nhưng, những người phá rừng có thể có những hành động gây nguy hiểm đối với chúng tôi. Chẳng hạn như cách đây 1 tháng, vào khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi đang ngủ trong chốt của trạm thì bị đổ dầu đốt và phải dậy dập lửa”. Cách đó không lâu, người dân còn bỏ thuốc sâu vào giếng nước tại chốt ngay trước cửa rừng”.

Ngay giữa lõi rừng tự nhiên, các hộ dân chiếm đất, dựng lán trồng cây công nghiệp

Rõ ràng, để công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã Quảng Thành nói riêng và trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa nói chung thực hiện tốt rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chủ rừng và ý thức của người dân. Công tác giải tỏa đất rừng cần tiếp tục được triển khai quyết liệt và càng làm sớm càng tốt. Bởi thiết nghĩ, những hộ dân vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngoài mua bán đất thì mục đích cuối cùng vẫn là trồng trọt trên đất rừng, trong đó đa số trồng cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái.

Để trồng được cây lâu năm cần nguồn vốn đầu tư đến hàng trăm triệu đồng và nhiều công sức. Người dân phá rừng, mua bán, trồng trọt trên đất rừng bị xâm lấn, xâm chiếm là sai nhưng các ngành chức năng sớm giải tỏa sẽ giúp người dân giảm thiểu được thiệt hại và tăng hiệu quả răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Nghĩa quyết liệt giải tỏa, thu hồi đất rừng bị phá, lấn chiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO