Sớm ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt thủy sản

Văn Tâm| 03/03/2020 08:55

Trong những năm qua, công tác quản lý về môi trường, thủy sản tự nhiên còn lỏng lẻo. Do đó, hiện tượng khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt chưa được kiểm soát, gây ảnh hưởng lớn đến bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh...

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, sản lượng thủy sản khai thác được trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Cùng với đó, kích cỡ các loài thủy sản ngày càng nhỏ, một số loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao như cá lăng đuôi đỏ, cá chình, cá mõm trâu, cá ngựa xám… cũng mất dần hoặc ít bắt gặp trên một số con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sêrêpốk, sông Krông Nô…

Hiện nay, những loại cá mà ngư dân thường gặp chủ yếu là rô phi, diêu hồng, trắm, chép, mè, trôi… Song kích cỡ các loài cá này ngày càng nhỏ, sản lượng cũng dần ít đi. Riêng cá mõm trâu ngư dân chỉ bắt gặp được tầm 3 lần trong một năm ở trên sông Sêrêpốk. Còn các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao khác đều bị sụt giảm do áp lực đánh bắt bừa bãi và do các hoạt động sản xuất của con người.

Gần 10 năm về trước, khi Thủy điện Đắk R’tíh đi vào hoạt động, một số khu vực ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp); tổ dân phố 4, 5, 8, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa)… trở thành những địa bàn nằm ven các hồ chứa rộng lớn. Từ khi hồ chứa tích trữ nước được khoảng 1 năm, hệ sinh thái hồ bắt đầu hình thành, các loài tôm cá nước ngọt bắt đầu sinh sôi.

Ông Nguyễn Văn Phòng, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) kể: Thời gian đầu, sau khi đi làm rẫy xong, tôi mang một tay lưới ra thả ở hồ thủy điện Đắk R'tíh. Chưa đầy một giờ đồng hồ đã có thể bắt được tầm 3 kg cá.

Theo ông Phòng, người dân bắt được cá như ông thường dùng để cải thiện bữa ăn và mang đi bán để tăng thu nhập. Các loại cá bắt được như rô phi, trắm, mè, chép... thường có trọng lượng khá lớn. Thế nhưng, người dân địa phương chỉ hưởng lợi được khoảng một năm thì xuất hiện những người đi đánh bắt cá bằng xung điện, nên cá trong hồ bị hủy diệt nhanh chóng. Những người này thường đi ghe, chở theo 2 – 3 chiếc bình ắc quy loại dùng cho ô tô để kích điện bắt cá. Nhiều lúc bà con thấy cá mới lớn, cá con chết trôi dạt vào bờ mà chẳng biết phải làm sao.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Quốc Khánh, ở thôn 8, xã Nhân Cơ cho biết: “Đến thời điểm này, tình trạng khai thác cá bằng xung điện vẫn còn xảy ra rất nhiều trên hồ chứa. Do vậy, dù hồ chứa thủy điện có môi trường lý tưởng cho các loài thủy sinh tự nhiên, nhưng đến nay đã trở thành “lòng hồ chết”, vì chẳng có một loài tôm cá nào tồn tại”.

Qua tìm hiểu, tại thôn 8, xã Nhân Cơ, cứ chiều đến, nhiều người hành nghề đánh bắt cá lại lén lút mang bình điện, dụng cụ xung điện để hành nghề trên hồ thủy điện Đắk R'tíh. Họ hoạt động thâu đêm, đến sáng lại vào bờ, mang tất cả dụng cụ đi về và đem cá đi bán.

Không chỉ ở hồ Thủy điện Đắk R’tíh, ở hầu hết các đập nước, hồ chứa thủy lợi, các cánh đồng ở các địa phương, tình trạng khai thác cá bằng xung điện hoặc bằng lưới vét mắt nhỏ diễn ra công khai hàng ngày. Tuy nhiên, do công tác quản lý thủy sản còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, nên tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.

Những bất cập trên có thể nhận thấy một phần là do việc chấp hành luật Thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học của người dân còn hạn chế. Thêm vào đó, chính quyền địa phương đặc biệt là cấp xã chưa thật sự quan tâm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản tự nhiên.

Năm 2019, Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tổ chức đợt kiểm tra về việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ cấm trong đánh bắt, khai thác thủy sản. Thế nhưng, đợt kiểm tra này cũng chưa thể ngăn chặn, đẩy lùi một cách có hiệu quả các hoạt động đánh bắt thủy sản trái quy định trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong 2 năm qua, Sở Nông nghiệp – PTNT đã tổ chức được 3 lớp tập huấn, lắp đặt 7 tấm panô có nội dung tuyên truyền về luật Thủy sản tại các huyện, thành phố. Ngành Nông nghiệp cũng cấp phát 3.200 tờ rơi cho các huyện, thành phố về việc tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng, nhìn chung, các hoạt động này vẫn còn quá ít để có thể đẩy lùi, ngăn chặn việc khai thác thủy sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc chấn chỉnh, củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển một cách bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm ngăn chặn tình trạng khai thác tận diệt thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO