Quản lý nhà nước về đất đai: Nhiều cuộc thanh, kiểm tra "quên" hậu kiểm, xử lý

Bài, ảnh: Thanh Hà| 06/11/2018 09:35

Thời gian qua, công tác thanh tra chuyên ngành trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không ít kết luận thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai còn “bỏ ngỏ” trong khâu kiểm tra, xử lý sau thanh tra.

ADQuảng cáo

Việc chưa chú trọng "hậu kiểm tra" không chỉ ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước mà còn tạo tiền lệ không tốt trong việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, đơn vị khi đã có kết luật thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Vào tháng 8/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố Kết luận thanh tra số 1340 về việc quản lý, sử dụng đất đối với 5 doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án tại huyện Cư Jút. Trong số này, Sở TN&MT chỉ ra sai phạm trong quá trình sử dụng đất của 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần VLXD Đắk Nông; Công ty Cổ phần Đức Lộc; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát (đều ở xã Trúc Sơn).

Công ty Cổ phần Đức Lộc được UBND tỉnh cho thuê đất tại xã Trúc Sơn (Cư Jút) nhưng bỏ hoang lâu nay

Công ty Cổ phần Đức Lộc và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát thuê đất từ đầu những năm 2000 của tỉnh Đắk Lắk cũ (từ 1/1/2004 tách ra thuộc tỉnh Đắk Nông) và đã triển khai nhiều hạng mục tại dự án. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này đã không hoạt động gần 10 năm nay. Các đơn vị này không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và cũng không hợp tác làm việc với Thanh tra Sở TN&MT.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT Nguyễn Phước Vĩnh, khó khăn nhất đối với công tác thanh tra chuyên ngành là việc chưa có chế tài xử lý đối với các đơn vị, tổ chức bất hợp tác với cơ quan chức năng. Qua thanh tra, Sở nhận thấy chưa đủ cơ sở để thu hồi đất của 2 doanh nghiệp này theo điều 64 và 65 luật Đất đai 2013 vì “vướng” luật Đầu tư. Do đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh, làm rõ và xử lý các sai phạm (nếu có) theo luật Đầu tư để có cơ sở xử lý sai phạm trong lĩnh vực đất đai của 2 công ty này. Tuy nhiên, tới nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Riêng Công ty Cổ phần VLXD Đắk Nông, Thanh tra Sở TN&MT xác định có 3.000 m2 trong diện tích được UBND tỉnh cho thuê để xây dựng trụ sở làm việc, công ty này không sử dụng mà dự kiến xin chủ trương xây dựng nhà ở cho người lao động. Trong kết luận thanh tra tháng 8/2017, Sở TN&MT yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, doanh nghiệp này phải có văn bản xin gia hạn sử dụng đất nếu không sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi. Tuy nhiên, hết thời hạn trên, Sở TN&MT không nhận được văn bản xin gia hạn của công ty.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, đến cuối tháng 6/2018, tức là gần 1 năm sau khi ban hành kết luận thanh tra, Sở TN&MT mới có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 1.500m2 của công ty do không chấp hành kết luận thanh tra và tự ý chuyển nhượng đất cho người dân (như báo Đắk Nông đã phản ánh). Mới đây, ngày 10/10, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 1.886,5 m2 đất của doanh nghiệp này.

Việc phát hiện và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các thiếu sót, sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai của các đơn vị, tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất giúp cho công tác quản lý Nhà nước của các địa phương đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, việc chưa chú trọng công tác xử lý sau thanh tra lại trở thành “vật cản” lớn, gây khó cho địa phương.

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát được UBND tỉnh cho thuê đất tại xã Trúc Sơn (Cư Jút) để thực hiện dự án chế biến cà phê nhưng đã dừng hoạt động nhiều năm nay

Theo một lãnh đạo UBND huyện Cư Jút, 2 khu đất của Công ty Cổ phần Đức Lộc và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát thuê có tổng diện tích gần 15 ha, nằm dọc quốc lộ 14, đoạn qua trung tâm xã Trúc Sơn. Việc các doanh nghiệp này bỏ hoang “đất vàng” nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất. Nếu được UBND tỉnh thu hồi, bàn giao cho địa phương, huyện Cư Jút sẽ có điều kiện thuận lợi trong quá trình kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại các cuộc kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở nhiều địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc theo dõi, xử lý sau thanh tra. Bởi vì, kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quyết định hiệu lực của hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, qua một số trường hợp nêu trên, có thể thấy các hoạt động sau thanh tra vẫn còn những hạn chế.

Theo đồng chí Cao Huy, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thanh tra phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng cần tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh công khai, minh bạch kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và thiết lập một cơ chế theo dõi, đôn đốc, kiếm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra… Có như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành đất đai nói riêng và hoạt động thanh tra nói chung mới đạt được mục đích theo quy định, góp phần giảm thiểu khiếu nại, tố cáo và từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Vị trí, vai trò của công tác thanh tra được thể hiện cụ thể trong các văn bản pháp luật về thanh tra, nhất là từ Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đến luật Thanh tra năm 2004 và 2010. Thanh tra không chỉ là chức năng thiết yếu, góp phần năng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn là phương thức bảo đảm pháp chế XHCN và là một biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý nhà nước về đất đai: Nhiều cuộc thanh, kiểm tra "quên" hậu kiểm, xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO