Nỗ lực kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tâm Thắng

Lê Phước| 31/10/2017 08:45

Sau 15 năm hoạt động, Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng (Chư Jút) đã cơ bản hoàn thành Trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN. Đây được xem là “dấu ấn” quan trọng trong nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Trạm xử lý nước thải đang vận hành thử nghiệm và được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để vấn đề nước thải trong KCN Tâm Thắng

Chờ đợi sau 15 năm

Thành lập năm 2002 nhưng tới năm 2008, KCN Tâm Thắng mới được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng Trạm xử lý nước thải trong KCN. Trạm có tổng vốn đầu tư 17,6 tỷ đồng với công suất xử lý 4.600 m3/ngày đêm (gồm 2 module với công suất 2.300 m3/ngày đêm) và xử lý thông số ô nhiễm nước thải (COD) đạt chuẩn A nước thải công nghiệp (dưới 75 mg/l).

Công trình này giúp xử lý một phần nước thải công nghiệp của các nhà máy trong KCN theo đúng tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra ngoài môi trường, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân ở khu vực lân cận. Tháng 3/2013, trạm xử lý chính thức vận hành thử nghiệm, tạo tiền đề cho việc nghiệm thu công trình.

Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, nhà máy chế biến cồn công nghiệp của Công ty TNHH Đại Việt và nhà máy chế biến đường của Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk hoạt động trong KCN Tâm Thắng thường xuyên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã xây dựng và vận hành nhưng hệ thống xử lý nước thải của 2 nhà máy này đều chưa hoàn thành và được cơ quan chức năng xác nhận đạt chuẩn.

Trong khi đó, quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải thường xuyên gặp sự cố nên 2 nhà máy nhiều lần xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây bức xúc dư luận. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động của nhà máy chế biến cồn trong một thời gian dài để khắc phục vấn đề môi trường.

Trước nhu cầu bức thiết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, 2 doanh nghiệp trên đã có văn bản đề nghị Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng được đấu nối thu gom và xử lý nước thải của nhà máy ngay trong mùa vụ năm 2013.

Mặc dù công suất xử lý của Trạm xử lý nước thải có thể tiếp nhận khối lượng nước thải của 2 nhà máy (khoảng 1.600m3/ngày đêm) nhưng theo ông Phạm Ngọc Phòng, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng thì thông số COD của các doanh nghiệp này cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn đầu vào của trạm. Để tiếp nhận và xử lý nước thải có COD quá cao so với thiết kế, công ty đã đề nghị UBND tỉnh xem xét và cho chủ trương bổ sung công nghệ xử lý nước thải và các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo.

ADQuảng cáo

Tháng 1/2014, UBND tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị cho trạm xử lý nước thải. Tháng 10/2014, Dự án đầu tư xây dựng công trình bổ sung thiết bị của trạm xử lý nước thải tập trung được thông qua với vốn hơn 21 tỷ đồng. Theo dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, do nguồn vốn được giải ngân chậm nên đến tháng 5/2017 công trình mới hoàn thành và bắt đầu chạy thử. Đến tháng 8/2017, công ty đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ TN&MT và đang chờ kết quả thẩm định, phê duyệt.

KCN Tâm Thắng được thành lập năm 2002 tại thôn 1, xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Lắk (cũ) và được tách về tỉnh Đắk Nông từ năm 2004. KCN Tâm Thắng có diện tích diện tích gần 180 ha (trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 128,4 ha), được quy hoạch ở vị trí thuận lợi khi nằm bên cạnh sông Sêrêpốk và sát quốc lộ 14, cách TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 20 km và cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 100 km. Hiện KCN có 39 dự án đầu tư với tổng diện tích đất đã cho thuê là 107,32 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 83,63%. Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh) là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào KCN.

Nhiều kỳ vọng về vấn đề môi trường

Cũng theo ông Phạm Ngọc Phòng thì sau khi hết thời hạn đình chỉ, nhà máy chế biến cồn công nghiệp của Công ty TNHH Đại Việt đã hoạt động lại từ năm 2014 nhưng do khó khăn về tài chính nên hoạt động khá cầm chừng. Trong thời gian chờ Trạm xử lý nước thải hoàn thiện dự án đầu tư công nghệ, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tâm Thắng đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Việt và Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk phải lưu giữ nước thải tại các hồ chứa riêng. Riêng Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, vào cuối năm 2016, doanh nghiệp này đã chuyển địa điểm hoạt động ra khỏi KCN Tâm Thắng và đưa về huyện Ea Súp (Đắk Lắk).

Việc Trạm xử lý nước thải mới cơ bản hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, đặc biệt là những doanh nghiệp có thông số COD trong nước thải cao như nhà máy chế biến cồn. Theo ông Võ Đắc Hiến, Phó Ban điều hành sản xuất Công ty TNHH Đại Việt, sau khi hoạt động trở lại, những khó khăn về tài chính đã làm cho doanh nghiệp gặp bất lợi trong việc mua nguyên liệu. Từ đầu năm 2017 tới nay, nhà máy cồn mới chỉ sản xuất được khoảng 10 triệu lít, trong khi công suất thiết kế là 60 triệu lít/năm. Hiện tại, lượng nước thải trong những ngày hoạt động nhiều nhất của nhà máy cũng chỉ đạt 600 - 700m3/ngày đêm.

Ông Hiến chia sẻ: “Thông số COD trong nước thải của nhà máy cồn khá cao, trung bình từ 10.000 - 15.000 mg/l. Sau khi xử lý tại công ty, nước thải của nhà máy cồn có lượng COD đã giảm xuống còn 1.000 mg/l. Trong điều kiện công ty gặp khó khăn, việc trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động đã giúp đỡ chúng tôi tiết kiệm chi phí xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn A trước khi xả ra ngoài môi trường”.

Đi thực tế tại khu vực sản xuất và xử lý nước thải của nhà máy chế biến cồn công nghiệp, những mùi hôi thối, khó chịu của nước thải đã không còn như trước đây. Một số doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động gần khu vực nhà máy chế biến cồn cũng phấn khởi vì sự chuyển biến tích cực này. Về phía người dân, ông Trần Viết Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho hay: “Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp tại KCN Tâm Thắng đã được khắc phục rất tốt. Người dân sống lân cận KCN cũng không còn phản ánh, kiến nghị ô nhiễm môi trường như thời gian trước nữa.”

Theo ông Nguyễn Anh Đông, Trưởng Phòng TN&MT huyện Chư Jút thì qua các đợt kiểm tra gần đây nhất của phòng, tình trạng ô nhiễm nước thải và mùi hôi tại KCN Tâm Thắng đã cơ bản được giải quyết. Việc Trạm xử lý nước thải mới đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mới trong KCN Tâm Thắng, giúp cho quá trình kêu gọi đầu tư thuận lợi hơn và cũng góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tâm Thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO