Nhiều chuyển biến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Lê Phước| 19/09/2018 10:04

Thời gian qua, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Khi nhận thức từng bước được nâng lên, các cấp, ngành và nhân dân đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả khả quan.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ đang được đặc biệt quan tâm

Quản lý nhà nước được tăng cường

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 25 ngày 31/8/2016 của Chính phủ và Nghị quyết số 10 ngày 13/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, nội dung bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh quan tâm, xem xét, đánh giá tại các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình phát triển.

Cụ thể, từ năm 2016 tới nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho trên 20 dự án, trong đó có 3 dự án công nghệ sản xuất sạch với tổng vốn đăng ký 2.036 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tỉnh quan tâm, triển khai sâu rộng, lồng ghép với việc xây dựng và thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về môi trường.

Trong năm 2017 và đầu năm 2018, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Chỉ thị số 25 của Chính phủ và Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy bằng các kế hoạch cụ thể. Trong đó đáng chú ý là Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại và Kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển chất thải nguy hại phát sinh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có khối lượng phát sinh nhỏ hơn 600 kg/năm. Hai kế hoạch trên được ban hành cùng ngày 11/9/2017, có ý nghĩa quan trọng trong xử lý chất thải nguy hại, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay trong xử lý rác thải.

Hệ thống xử lý nước thải của KCN Tâm Thắng (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) hoàn thiện đã góp phần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải kéo dài

Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã lồng ghép vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường của các cơ quan, đơn vị. Ngoài việc xây dựng 2 công trình lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên tại 2 huyện Cư Jút và Tuy Đức, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá các nguồn nước thải và xây dựng các mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Gần đây nhất, UBND tỉnh đã thiết lập đường dây nóng đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các huyện, thị xã để tiếp nhận các thông tin phản ánh về môi trường trên địa bàn. Nhờ nắm bắt kịp thời thông tin từ dư luận, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn. Những vấn đề này đã giúp cho tỉnh từng bước kiểm soát và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường.

Lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên đang góp phần tích cực trong công tác xử lý rác thải trên địa bàn huyện Cư Jút

Tập trung xử lý các vấn đề môi trường bức xúc

Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện các đô thị trên địa bàn tỉnh đều có lực lượng thu gom và xử lý rác thải. Mặc dù tỷ lệ rác thải thu gom đạt cao (90%) nhưng nhìn chung, mức độ xử lý đạt chuẩn còn thấp. Việc xử lý rác thải ở các thị trấn của các huyện chủ yếu là chôn lấp, ủ làm phân và đốt tại một số lò đốt đã được đầu tư. Tuy nhiên, việc chôn lấp không bảo đảm được các yếu tố kỹ thuật như: Chưa có biện pháp chống thấm, chống rò rỉ nước rác; chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác… nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho đất, nước khu vực xung quanh. Một số lò đốt rác hiện đã xuống cấp nên chất lượng khí thải chưa bảo đảm trước khi thải ra ngoài môi trường. Điều này đã và đang gây bức xúc dư luận, tạo thành các “điểm nóng” ở một số địa phương.

Theo Sở TN&MT, thời gian tới, ngành sẽ tập trung xử lý các vấn đề môi trường bức xúc tại địa phương, bắt đầu từ việc tăng cường công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Song song với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành TN&MT tập trung duy trì hoạt động của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường. Ngoài việc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về môi trường và xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vận hành đường dây nóng… để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cho biết, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực như: Quan trắc định kỳ các thành phần môi trường; tăng cường quan trắc động khu vực xung quanh Nhà máy Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp); kiểm soát ô nhiễm môi trường sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động online từ các doanh nghiệp truyền về. UBND tỉnh và Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Khu công nghiệp Tâm Thắng (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) và lưu vực các sông chảy qua địa bàn tỉnh như: Sêrêpốk,  Đồng Nai…

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, dự kiến đến hết năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh sẽ đạt 40%. Toàn tỉnh sẽ có 88% dân cư ở khu vực nông thôn và 92% dân cư ở khu vực đô thị được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ khu công nghiệp khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% và 50% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý. Có khoảng 92% chất thải rắn ở đô thị được thu gom và 100% chất thải rắn y tế được xử lý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chuyển biến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO