Nhiều bon làng chưa chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường

Mỹ Hằng| 20/12/2017 08:58

Xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu thôn, bon văn hóa. Tuy nhiên, việc bảo đảm môi trường, cảnh quan ở bon, buôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều nan giải.

ADQuảng cáo

Có mặt tại bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), đập vào mắt chúng tôi là cảnh rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi của người dân nơi đây. Các loại rác thải như bao ni lông, chai lọ, thực phẩm phế thải từ hộ gia đình, thậm chí cả xác gia cầm được người dân vứt ra. Tình trạng trên kéo dài đã lâu, không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến môi trường mà còn hết sức phản cảm, tạo cho bon làng chịu nhiều “tai tiếng”.

Rác thải sinh hoạt do người dân bon Tinh Wel Đơm xả bừa bãi ra hai bên đường, ảnh hưởng đến môi trường sống

Theo anh K’Hai, Trưởng bon Tinh Wel Đơm, xả rác bừa bãi là một trong những nguyên nhân chính khiến bon nhiều năm không đạt danh hiệu văn hóa. Thực tế, ngay từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, tại các buổi sinh hoạt, Ban tự quản bon cũng đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con cần hiểu ý nghĩa của việc gìn giữ vệ sinh môi trường sống. Vào các ngày lễ lớn, bon cũng huy động bà con dọn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống, nhưng cũng chỉ được vài ngày là đâu lại vào đấy, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra.

Tương tự, ở bon Bu N’jang, xã Trường Xuân (Đắk Song) vẫn còn nhiều hộ gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí xây dựng chuồng trại, nên thường chăn thả rông, để vật nuôi phóng uế bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Các rác thải khó tiêu hủy như bịch nilong, chai nhựa vứt bừa bãi… Ngoài ra, những nhà vệ sinh tạm bợ của người dân được làm gần nhà ở bốc mùi hôi thối. Việc xả chất thải bừa bãi cũng làm ô nhiễm đất, nguồn nước sinh hoạt, phát sinh ruồi muỗi, gây dịch bệnh…

Theo anh Điểu Nanh, Trưởng bon Bu N’jang, thời gian qua, bà con trong bon cũng đã nỗ lực thực hiện 8 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phấn đấu đạt danh hiệu bon văn hóa. Tuy nhiên, do một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng đắn việc gìn giữ vệ sinh môi trường chung, vẫn duy trì việc chăn nuôi gia súc thả rông, không xây nhà vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nên ảnh hưởng đến thành tích chung của bon và danh hiệu bon văn hóa cũng quá xa vời.

ADQuảng cáo

Tại bon Bu Bơ Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong), dù đã được các tổ chức đoàn thể vận động, tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường sống nhưng người dân vẫn xả rác và chăn nuôi gia súc thả rông. Điều đáng nói là nhiều gia đình đã có nước sạch, nước giếng để dùng nhưng vẫn duy trì tập quán giặt giũ, lấy nước suối về dùng. Việc thay đổi nhận thức cũng như tư duy của người dân nơi đây thật nan giải.

Đồng bào ở nhiều bon làng vẫn còn duy trì thói quen chăn nuôi gia súc thả rông

Thời gian qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm môi trường sống. Tuy nhiên, do nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa bỏ được hủ tục lạc hậu nên tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp diễn.

Không những vậy, các thành viên ban vận động ở một số thôn, bon chưa phát huy được vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí của phong trào. Nhiều đoàn thể ở các bon, buôn cũng chưa thật sự coi đây là nhiệm vụ quan trọng nên chưa nhiệt tình trong việc phối hợp triển khai thực hiện. Từ đó, người dân chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của việc gìn giữ vệ sinh môi trường và xây dựng đời sống văn hóa nên còn thờ ơ, xem đó là chuyện của địa phương, không liên quan gì đến cuộc sống của họ.

Rõ ràng, việc thay đổi tư duy cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào không phải ngày một ngày hai mà cần phải làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Để làm được điều đó, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng cần vào cuộc, thể hiện vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bon làng chưa chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO