Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, nhận thức của người dân về đất đai

Hồng Thoan thực hiện| 02/10/2020 08:16

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ tháng 7/2014) đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, nhưng cũng cho thấy không ít khó khăn, bất cập. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung trên.

ADQuảng cáo

Ông Lê Trọng Yên

PV: Thưa ông, quá trình thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Lê Trọng Yên: Có thể nói, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất phải kể đến nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp về thi hành pháp luật đất đai ngày càng nâng cao. Đây là kết quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể.

Thực hiện Luật Đất đai, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 84 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; phê duyệt Nghị quyết 50 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Đắk Nông…

Trên cơ sở này, Đắk Nông đã lập, triển khai các quy hoạch, quản lý sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm tính công khai, minh bạch. Đối với cấp huyện cũng đã thực hiện lập danh mục các công trình, dự án phải thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trước khi xét duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Trong quá trình lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã thực hiện rà soát các dự án phải thu hồi hoặc chuyển mục đích. Việc này đã thể hiện được vai trò rõ nét hơn của cơ quan quản lý Nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.

Bên cạnh đó, các nội dung khác về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tài chính đất đai… có nhiều chuyển biến.

PV: Như ông vừa nói, nhận thức của người dân về pháp luật đất đai đã ngày một được nâng cao. Như vậy thì việc triển khai trên địa bàn tỉnh được thể hiện ở những mặt nào là chủ yếu?

Ông Lê Trọng Yên: Điều này thể hiện ở nhiều mặt, trong đó các quyền và nghĩa vụ của mình được người dân ý thức hơn. Ví dụ như, người dân chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật về đất đai, tích cực thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giám sát các bước, thời gian thực hiện hoạt động này của cán bộ, công chức, viên chức có đúng theo quy trình thủ tục được niêm yết. Qua quá trình triển khai, người dân đã tích cực tham gia góp ý, phản biện, yêu cầu các quyền lợi chính đáng liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

ADQuảng cáo

PV: Ngoài những mặt đạt được, việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 ở Đắk Nông có những hạn chế gì không thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng việc thực thi pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn có một số hạn chế. Cụ thể như việc thu hồi, giao đất và cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số huyện chưa đúng quy định, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không ít bất cập, nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đạt thấp. Tình trạng chủ sử dụng đất sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất đai, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai xảy ra khá nhiều ở một số địa phương như Tuy Đức, Đắk Glong.

PV: Ông có thể nói rõ hơn những hạn chế trên bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu nào?

Ông Lê Trọng Yên: Nguyên nhân chung là thực trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến Đắk Nông nhiều, vì vậy công tác quản lý gặp khó khăn. Điển hình như tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng để lấy đất sản xuất đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vấn đề quản lý diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường có nhiều khó khăn, yếu kém, do hồ sơ kỹ thuật và pháp lý còn thiếu. Tiến độ đăng ký, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn chậm...

PV: Để giải quyết những khó khăn này, với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở có giải pháp, kiến nghị hay đề xuất gì không?

Ông Lê Trọng Yên: Qua thực tế triển khai, Sở đã và đang đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.

Cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh, huyện và công khai tại bộ phận một cửa các cấp. Việc triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các tổ chức và cá nhân.

Đến nay, thời gian giải quyết các thủ tục đất đai của tỉnh đã giảm được 20% so với quy định của Trung ương.

Sở cũng đã nghiêm túc thực hiện quy chế tiếp công dân, tiếp nhận xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Đến cuối năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp các nội dung vướng mắc, bất cập của việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 để trình cấp có thẩm quyền, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh…

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, nhận thức của người dân về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO